Nhận tiền mừng sẽ mang tiếng xấu

Bà Lê Thị Sự (51 tuổi) ở đội 1, thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, Hải Dương sinh con một bề là gái cho hay: “Tôi có hai cô con gái đều đã đi lấy chồng, hoàn cảnh khó khăn nhưng theo tục của làng gia đình không lấy tiền mừng cưới. Ngày cưới, gia đình tôi chỉ làm 20 mâm mời họ hàng nội ngoại, người thân và bạn bè của con”.

Cũng có con gái đã đi lấy chồng, ông Bùi Đức Hạnh (54 tuổi) ở xóm 3 là gia đình thuần nông, kiêm chở vôi thuê, cũng chỉ mời những người trong họ hàng gần gũi thân quen, không lấy tiền mừng của bất kỳ ai.

 Chuyện con gái lấy chồng không nhận tiền mừng cưới - 1

Tục cưới không phong bì nhà gái vẫn duy trì trong làng Bồng Lai. Ảnh: Đức Tùy

Gia đình ông Lê Đình Chầm và bà Vũ Thị Dật (đội 6 thôn Bồng Lai) sinh hạ được 5 người con gái, 4 người lập gia thất, còn cô con gái út đang học lớp 11. Khi được hỏi về lễ cưới của các con, ông Chầm cho biết: “Từ xưa ở quê tôi có tục lệ nhà nào có con gái đi lấy chồng là không nhận phong bì, cho nên trong 4 lần tổ chức đám cưới cho các con, tôi chỉ làm nhỏ nhẹ từ 16 – 20 mâm. Cỗ bàn đầy đủ như họ nhà trai không thiếu món gì, các nghi lễ tổ chức tươm tất, nhưng không lấy phong bì của bất kỳ vị khách nào”.

Nói về tục lệ này, ông Lê Đình Chầm tâm sự: “Từ lúc tôi còn nhỏ, đã được nghe câu chuyện về tục đi ăn cỗ cưới không phong bì ở gia đình có con gái đi lấy chồng của làng. Theo các cụ cao niên trong làng truyền lại: Khi gia đình có con gái đi lấy chồng phải làm cỗ mời cả làng đến liên hoan mà không được lấy tiền mừng. Vì con gái khi đi lấy chồng là “cho con, mất họ”, còn con trai lấy vợ là “thêm người, thêm của”. Trước kia, khi nhà trai sang xin cưới bao giờ nhà gái cũng thách cưới bằng lễ mặn gồm: Thịt lợn, gà, xôi, rượu. Do có những lễ vật đó, nên nhà gái sẽ tổ chức “khao” cả làng”.

Cũng theo ông Chầm, ngày nay thì việc thách lễ mặn không còn nữa nhưng lại chuyển sang một hình thức khác như lấy “lễ đen” (lễ tiền). “Lễ đen” có thể là 1 triệu, 2 triệu, có thể là mấy trăm nghìn, tuỳ theo vào điều kiện hoàn cảnh của nhà trai. Trong làng này bao nhiêu đời rồi không ai dám phá lệ. “Nhà tôi tổ chức tới 4 đám cưới rồi mà không lấy tiền mừng, nếu lấy thì có chuyện ngay”, ông Chầm nói.

Ngày trước gia đình ông B ở trong làng có con gái đi lấy chồng. Khi tổ chức thấy tốn kém, thực phẩm đắt và làm nhiều mâm, nên gia đình mới nhận phong bì của khách. Vừa ăn cỗ xong, cả làng đã xôn xao gia đình nhà vợ chồng B lấy tiền mừng. Người hiểu thì không sao, còn người không hiểu cho rằng “dám phá tục làng”. Ngay chiều hôm đó, gia đình phải cử người mang phong bì mừng cưới tới từng nhà khách để trả và hai vợ chồng không dám đi đâu, đóng cửa trong nhà hàng tháng mà còn bị điều tiếng…

Ông Bùi Đức Hạnh chia sẻ: Gia đình nào có con gái đi lấy chồng đều chẳng muốn lấy tiền mừng. Dù không lấy gia đình sẽ khó khăn trong việc trang trải các khoản mua thực phẩm, phông bạt, loa đài… nhưng lấy sẽ “tiếng xấu để đời”. Vì tục ở đây không cho phép như thế. Ai đi ăn cỗ cũng thông cảm, nhưng chẳng ai trong làng này dám phá bỏ tục lệ đó.

Nên duy trì hay từ bỏ?

 Chuyện con gái lấy chồng không nhận tiền mừng cưới - 2

Cưới mấy người con gái nhưng gia đình ông Lê Đình Chầm không lấy phong bì của một ai.

Gia đình bà Hà Thị Lanh ở xóm 7, có 6 người con (4 gái, 2 trai). Đến nay 4 người con gái của gia đình bà đã xây dựng gia đình. Trong khi chồng và người con trai bị bệnh, nên khi 4 người con gái đi lấy chồng gia đình bà chỉ làm từ 10 - 15 mâm mời anh em họ hàng và bạn bè thân thiết. Bà Lanh cho rằng: “Nếu địa phương không có tục này thì chắc chắn gia đình phải đi vay tiền để tổ chức lễ cưới cho các con”.

Ông Bùi Đăng Sảng, Trưởng thôn Bồng Lai cho biết: Bồng Lai là thôn có dân số đông nhất xã Ninh Hải. Hiện thôn có 8 xóm, với trên 1.500 hộ và trên 5.000 nhân khẩu. Hàng năm địa phương có từ 25 - 30 lễ cưới, trong đó một nửa là gia đình nhà gái. Tục ăn cỗ cưới không phong bì đối với gia đình có con gái đi lấy chồng ở địa phương tồn tại hàng trăm năm nay ở làng Bồng Lai, đến nay vẫn còn lưu giữ.

Trong làng này, số gia đình sinh con một bề con gái chiếm không nhỏ, tục ăn cưới không lấy phong bì này làm lành mạnh hoá việc cưới của địa phương. Đặc biệt, trong khoảng 5 năm trở lại đây, các gia đình có từ 2 - 3 con trai cũng chỉ lấy phong bì của khách với đám cưới của người con trai lớn, còn những đám cưới các con trai sau gia đình cũng không lấy tiền mừng.

Bà Lê Thị Linh, Cán bộ văn hóa xã Ninh Hải cho rằng: Ở huyện Ninh Giang, duy nhất chỉ có ở thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải vẫn duy trì được tục ăn cỗ cưới không phong bì đối với những gia đình có con gái đi lấy chồng. Đây là một phong tục nên duy trì, bởi vì hiện nay lễ cưới rất tốn kém trong khi địa phương chủ yếu là làm nông nghiệp, gia đình nào có kinh tế đến đâu thì tổ chức đến đó, tránh lãng phí và tiết kiệm. Chính từ tục lệ này đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Tuy nhiên, chuyện không nhận phong bì cũng có gây khó khăn cho những gia đình có điều kiện kinh tế eo hẹp khi phải lo việc đại sự trong gia đình.

Post a Comment

 
Top