“Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa/Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa…” – giai điệu bài hát của nhạc sĩ Hoàng Nguyên về xứ hoa Đà Lạt cứ vẩn vơ trong tôi khi đặt chân đến Chiang Rai và Chiang Mai, vùng cực bắc Thái Lan. Dù không gặp hoa đào nơi đây, nhưng tôi đã mang về quá nhiều sắc màu và phong vị phương bắc độc đáo, với cảm xúc lưu luyến như một mối tình chớm nở…
Biệt thự của Thái hậu ở Doi Tung
Hành trình buổi sáng từ TP.HCM tới sân bay Suvarnabhumi, Bangkok, tiếp nối với chặng bay khoảng 700 km lên phương bắc, chúng tôi đến Chiang Rai khi vẫn còn cả một buổi chiều rộng đẹp. Người ta nói thời điểm thích hợp nhất đến vùng cực bắc Thái Lan là từ cuối tháng mười một đến đầu tháng hai, nên khi đặt chân đến đây vào những ngày cuối tháng một vừa qua, chúng tôi đã may mắn tới đúng “điểm rơi” của mùa thời tiết đẹp. Nắng vàng trong vắt và nhiệt độ khoảng 250C trong một không gian khoáng đạt với núi xanh xa nhấp nhô, những đồi chè, rừng chuối, “nương” hoa uốn lượn… khiến chúng tôi ngay lập tức bị mê hoặc.
Ngỡ như Đà Lạt, mà không phải Đà Lạt, bởi vùng đất này từng có một quá khứ không xa đầy dữ dội, ám ảnh, không phải êm đềm, bình yên như ngày nay. Có lẽ ai cũng sẽ nhận thấy điều đó khi đặt chân đến Doi Tung. Chúng tôi nghỉ qua đêm ở Doi Tung trong một cảm giác bồng bềnh giữa mênh mông rừng núi và mây ngàn, để buổi sáng có thể ngắm sương giá tan dần và bình minh lên từ từ, chầm chậm nơi thành phố từng là thủ đô đầu tiên của nước Lanna Thái (Vương quốc triệu ruộng lúa).
Doi Tung trong quá khứ là điểm sản xuất thuốc phiện khét tiếng, được thái hậu quá cố Somdet Phra Srinagarindra Boromarajajonani (mẹ của vua Thái Lan hiện tại) chuyển đổi thành nơi nghỉ mùa hè của bà và cũng để khởi sự các dự án phát triển nông thôn, giúp các làng bộ tộc chuyển hướng từ trồng và sản xuất thuốc phiện sang trồng chuối, trồng hoa, ca cao… Kế hoạch đầy quyết tâm ấy thành công rực rỡ, giúp người dân thay đổi cuộc sống như có phép màu. Giờ đây ngôi biệt thự viền hoa đỏ thắm mà bà từng đến ở để giúp dân và “vườn hoa của thái hậu” – Mae Fah Luang Garden đẹp như một thung lũng của hương sắc đã trở thành điểm đến thật ý nghĩa.
Khu vực Tam giác vàng
Đã đến Chiang Rai thì không thể không đặt chân đến khu vực Tam giác vàng, địa danh từng làm mưa làm gió một thời về buôn bán thuốc phiện và bạch phiến. Đây là khu vực xa nhất về phía bắc Thái Lan, là điểm giao nhau bí ẩn của biên giới ba nước Thái Lan, Lào và Myanmar. Đứng ở cây cầu bên này, nhìn sang trái là Lào, sang phải là Myanmar, phía dưới là dòng Me kông mênh mông cuồn cuộn, cảm xúc thật khó tả.
Dù nơi đây đã thay da đổi thịt và cả “linh hồn”, nhưng một địa danh gợi quá nhiều hãi hùng, nhức nhối với “mùi” nha phiến và thuốc súng, mùi máu, vẫn luôn làm du khách suy tư… Để rồi từ đó càng “bén duyên” với một Chiang Rai bình yên ngày nay - xứ sở của rất nhiều loài hoa xuất khẩu và những bộ tộc hiền lành, thân thiện, mộc mạc. Khi chúng tôi chia tay thành phố cũng là lúc festival hoa đang được tổ chức ở công viên Tung Park. Trong tấm thảm dệt bằng đủ mọi sắc màu, hoa lan – quốc hoa của người Thái được tôn vinh cùng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Từ Chiang Rai, hành trình đến Chiang Mai tiếp tục mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm về cảnh sắc và văn hóa của vùng bắc Thái Lan đậm đà, thú vị. Trong tiếng Thái, “Chiang Mai” có nghĩa là “thành phố mới”. Tương đồng với Chiang Rai về khí hậu trong lành và bản sắc văn hóa, Chiang Mai được dân du lịch biết đến nhiều hơn khi từ lâu đã mang danh là “đóa hồng phương bắc”.
Chiang Mai hấp dẫn bởi chùa chiền, các lễ hội cũng như nhiều hình thức du lịch sinh thái khác. Chúng tôi đã đến Doi Suthep – ngôi chùa linh thiêng nhất ở đây với tuổi đời 600 năm và được nghe kể lại truyền thuyết về ngôi chùa nổi tiếng này. Theo đó, xác của một vị cao tăng Phật giáo được đặt lên một con voi trắng, voi được thả đi lại tự do cho đến khi nó leo tới đỉnh Phrathat Doi Suthep và tắt thở. Vị trí này được chọn xây dựng ngôi chùa thiêng. Trong chiều muộn, ngôi chùa kiến trúc đặc trưng vùng Bắc Thái lộng lẫy tỏa ánh vàng trên nền trời thăm thẳm bảng lảng mây, mang đến cho lữ khách cảm giác thảnh thơi, yên bình kỳ lạ.
Chùa vàng Phrathat Doi Suthep
Chiang Mai cũng hút hồn chúng tôi với Royal Park Rajapruek rộng mênh mông, trong đó có các mô hình biểu trưng bằng hoa của Hoàng gia Thái Lan và nhiều quốc gia khác; hay cảm giác thú vị với chuyến “Night Safari” trong đêm vùng cao mát lạnh, được tận tay chạm vào những con hươu cao cổ nghễu nghện thò đầu vào xe và cho thú ăn ngay trên đường, tận hưởng cảm giác trở về với thiên nhiên hoang dã. Ngoài ra, thưởng thức bữa tối tại Khum Khantoke với các món ăn mang đậm hương vị bắc Thái, trong đó có món lạp làm từ thịt heo và các gia vị độc đáo; xem các cô gái Thái trổ tài tỉa hoa từ trái cây, các chàng trai biểu diễn múa dân tộc và dạo chợ đêm Chiang Mai… cũng rất thú vị.
Đã từng khám phá đất nước chùa vàng từ Bangkok, Pattaya – miền trung sôi động, đến Phuket – miền nam đảo xanh rực rỡ nắng vàng, với tôi, điểm cực bắc của Thái Lan quả thật vẫn mang một phong vị riêng khó trộn lẫn. Đó là nơi bạn sẽ lưu luyến muốn quay lại trong tâm trạng thèm khám phá, nhớ sắc hoa và mơ gió núi mây ngàn.
Theo iHay
Post a Comment