Thương mại điện tử (TMĐT) là hình thái hoạt động thương mại bằng phương pháp điện tử. Có thể hình dung đơn giản đây là việc trao đổi thông tin thương mại thông qua các phương tiện công nghệ điện tử mà không cần phải in ra giấy bất cứ công đoạn nào của quá trình giao dịch.

Có nhiều khái niệm về TMĐT, tuy nhiên để hiểu một cách tổng quát hơn về TMĐT thì đây là việc tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động thương mại bằng những phương tiện điện tử.

Nhìn chung, TMĐT vẫn mang bản chất như các hoạt động thương mại truyền thống thông thường. Nhưng thông qua các phương tiện điện tử mới thì các hoạt động thương mại được thực hiện một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn và góp phần giúp tiết kiệm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh cho doanh nghiệp.

  Thương mại điện tử Việt Nam, trách nhiệm lòng tin với người mua - Ảnh 1

TMĐT hứa hẹn sẽ là xu thế trong thời gian tới đây.

Theo số liệu khảo sát được Google và Công ty nghiên cứu TNS công bố tại thời điểm cuối năm 2014, cứ mỗi 3 người Việt Nam thì sẽ có tối thiểu 1 người sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị vốn được xem là góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng tốc độ phổ cập Internet đạt mức 44%. Con số này tăng mạnh từ số liệu 12% của hơn 10 năm về trước của cuộc khảo sát. Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có số liệu cụ thể nhưng theo các chuyên gia kinh tế thì con số trên đã tăng trưởng lên gấp nhiều lần, mỗi người không còn đơn thuần sở hữu một thiết bị điện thoại thông minh nữa mà có khi sở hữu 2 đến 3 cái.

Có thể nói, thành tích này cũng chính là cơ sở mà giới chuyên gia tin rằng, sẽ qua đó thúc đẩy hàng loạt dịch vụ trực tuyến phát triển trong tương lai, đặc biệt là lĩnh vực TMĐT trên nền tảng di động.

Trong một nghiên cứu trước đây cũng cho thấy với việc sử dụng mạnh mẽ thanh toán trực tuyến đã gia tăng 983 tỷ USD trong nền kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008 – 2012 và đóng góp tới 0,8% GDP ở các thị trường mới nổi. Đó là trên quy mô toàn cầu, nhưng tại Việt Nam thì thói quen tiêu dùng tiền mặt đang là vấn đề gây cản trở lớn với thị trường TMĐT cho dù nhiều chuyên gia trong ngành vẫn nhìn nhận tiềm năng lĩnh vực này ở Việt Nam là rất lớn.

Tại Trung Quốc, liên quan đến vấn đề TMĐT, tờ WSJ đưa tin, gã khổng lồ TMĐT Trung Quốc là Alibaba hiện đang trong quá trình đàm phán với hàng loạt ngân hàng về khoản vay 3 tỷ USD, một con số khác cũng được bật mí cho là có thể cao hơn lên mức 4 tỷ USD. Theo đó, mục tiêu chính của khoản vay này là để mở rộng thực hiện các kế hoạch kinh doanh của tập đoàn trong đó có cả những thương vụ thâu tóm.

Quay lại thực tế trong vài năm trở lại đây, gã khổng lồ Alibaba cũng đã thực hiện nhiều khoản đầu tư vào các công ty khác tại Trung Quốc vả cả nước ngoài với khoản tiền lên tới 10 tỷ USD. Các công ty mà họ mua cổ phần hầu hết đều hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, từ gọi đồ ăn tới video trực tuyến.

Có thể nói, TMĐT là một thị trường khá mới mẻ tại Việt Nam và còn nhiều đất để doanh nghiệp Việt cùng nhau khai thác. Cùng với các trang TMĐT lớn của nước ngoài như Facebook, Alibaba thì sự tham gia của các “đại gia” Việt như: Vingroup (Adayroi.com), FPT (Sendo.vn), GFG (Lazada, Zalora), Tiki.vn, Thế Giới Di Động, Thiên Rồng Việt khiến cho TMĐT thêm phần nhộn nhịp . Đó là trường hợp các “ông lớn” doanh nghiệp Việt còn đối với các công ty khác nhỏ hơn khi tham gia thị trường này nhưng vẫn chỉ kinh doanh các mặt hàng tương tự, cách thức kinh doanh tương tự những đại gia kể trên thì cơ hội là rất khó.

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thiên Rồng Việt chia sẻ với phóng viên Người đưa tin: “TMĐT khi hội nhập thì thách thức tất nhiên là lớn. Tiêu biểu, khi hiệp định TPP được ký kết, các hàng hóa của các nước ngoài với giá cả tốt tràn vào, họ có thế mạnh về vốn, họ có mạnh về công nghệ tràn về. Và tất cả các làng nghề truyền thống tại Việt Nam chắc chắn sẽ bị lép vế. Do đó, điều cần thiết trong lúc này là cần có một đơn vị đứng ra để tập hợp họ lại và có những định hướng”.

Ông nói thêm, Thương mại điện tử Việt Nam là một sân chơi rộng nhưng nếu ai biết tạo cho mình một cái đặc trưng riêng của thương mại điện tử thì người đó sẽ nắm được thị trường và sẽ phát triển được tốt. Vì vậy, tại Việt Nam cũng đã có một số trang web thành công nhưng nó cũng chỉ nằm trong phạm vi một quốc gia, trong một nhóm của mối quan hệ nhưng để ra trường quốc tế để những sản phẩm người Việt Nam trên đó thì chưa có.

  Thương mại điện tử Việt Nam, trách nhiệm lòng tin với người mua - Ảnh 2

Chỉ với một cú click chuột, người tiêu dùng có thể ngồi tại nơi làm việc vẫn mua sắm được thoải mái các sản phẩm mình yêu thích mà không nhất thiết phải đến tận cửa hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, khó khăn lớn nhất của các cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ khi triển khai TMĐT chính là làm thế nào để tiếp cận đúng đối tượng, làm sao để bán được hàng cho đối tượng này và khi lượng khách hàng ở các kênh nhiều lên thì làm sao để quản lý chặt chẽ, chăm sóc được hết mọi khách hàng và đặc biệt là làm sao để nhóm khách hàng của mình không rơi vào tay đối thủ.

Và, câu chuyện lúc này không còn là vấn đề công nghệ hay dịch vụ của nhà cung cấp nữa mà thuộc về lòng tin của khách hàng đối với người bán.

Tại Việt Nam, TMĐT mới bắt đầu nhen nhóm nên tất yếu sẽ gặp phải những thách thức và khó khăn. Có cả khó khăn nằm trong tầm kiểm soát và ngoài tầm kiểm soát nhưng nếu doanh nghiệp Việt đồng tâm và hướng đến mục tiêu xây dựng một TMĐT riêng biệt khẳng định “dấu ấn” người Việt Nam thì không gì là không thể.

Ngọc Diễm

Post a Comment

 
Top