Réhahn Croquevielle cùng Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam và bà Xong bên bức ảnh chân dung bà tại Bảo tàng Phụ nữ ngày 8/3. Ảnh: Toan Toan.
Bức chân dung bà Xong ở Hội An được báo chí Mỹ gọi là “bà cụ đẹp nhất thế giới” được trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, anh có thể nói rõ hơn về quyết định này?
Khi đến Việt Nam tôi 32 tuổi, có quyết định táo bạo là thay đổi cuộc sống. Ở Pháp việc kinh doanh khá tốt, kiếm rất nhiều tiền nhưng tôi không muốn sống như cũ. Trước khi đặt chân đến đây tôi không tưởng tượng cuộc sống của mình tươi đẹp như hiện giờ. Tôi nghĩ nghĩa vụ của mình là tặng một món quà cho đất nước tôi đang sống rất ổn bằng chính nghề nghiệp của mình. Hơn nữa “người mẫu” của tôi, bà Xong sinh sống ở đây.
Được bình chọn trong top những nhà nhiếp ảnh chụp ảnh du lịch đẹp nhất thế giới, cộng tác với những tờ báo, tạp chí danh tiếng như Los Angeles Times, National Geographic, Daily Mail, anh có nguyên tắc tác nghiệp nào không?
Tôi nghĩ nhà nhiếp ảnh phải nghĩ tới nhân vật nhiều hơn bản thân mình. Một bức ảnh đẹp không thể chỉ cần bỏ ra 1 - 2 phút. Một bức chân dung đẹp đòi hỏi người chụp phải tạo mối quan hệ, sự kết nối với nhân vật. Tôi chụp bà Xong không mấy khó khăn, bởi bà là người rất vui vẻ, dễ mến.
Khi ấy anh có nghĩ đến sự nổi tiếng của bức ảnh?
Tôi chẳng nghĩ gì cả. National Geographic tại Pháp là nơi đăng tải bức ảnh Nụ cười ẩn giấu đầu tiên. Các biên tập viên tạp chí nhiếp ảnh hàng đầu thế giới bình chọn đây là bức ảnh của tháng. Trong đó có nụ cười, sự vất vả, bởi khi tôi chụp bà đã 73 tuổi rồi. Mọi người đều biết phụ nữ Việt Nam dũng cảm, chăm chỉ và đẹp nữa. Bức ảnh này chính là vẻ đẹp không tuổi tác. Không cần dính dáng tới thời trang hay bất cứ điều gì, có thể nói đó là vẻ đẹp của tâm hồn.
Anh có hài lòng với cuộc sống ở Hội An?
Có chứ. Tôi chưa từng nghĩ tới điều đó khi rời Pháp đến Việt Nam. Bây giờ có thể nói cuộc sống của tôi như giấc mơ. Dù tôi yêu nước Pháp, nhưng giờ tôi có cảm giác Việt Nam là đất nước của mình. Còn nhớ lần đầu tiên tôi đến Việt Nam với ý nghĩa thiện nguyện. Tôi bảo trợ hai bé khó khăn ở Hội An, trợ cấp tiền đến trường cho các em. Tuần cuối trong ba tuần tôi đến Hội An và quyết định ở lại, giờ hai bé sống cùng tôi và tôi coi như con.
Không hiếm người châu Âu muốn bán nhà và lựa chọn châu Á làm điểm đến, trong đó có Việt Nam. Anh nghĩ sao?
Tôi nghĩ châu Á luôn lưu giữ nhiều giá trị trong đó có giá trị của gia đình. Hơn nữa cuộc sống ở châu Âu bây giờ khá khó khăn. Thật khó khăn khi phải sống mà ít thấy nụ cười. Ở Việt Nam chẳng hạn, mọi người luôn mỉm cười, rất dễ để kết bạn hoặc cùng nhau đi dạo nói vài câu chuyện. Tôi nghĩ đó cũng là lí do chung nhiều người châu Âu muốn chuyển nhà đến đây.
7 năm sống ở Việt Nam anh du lịch bằng xe máy là chủ yếu. Nhiều người nước ngoài coi giao thông Việt Nam là loại hình du lịch mạo hiểm, anh không sợ sao?
Không, tôi không thấy vấn đề gì cả. Chỉ cần bạn hiểu cách đi lại của người Việt là được. Với tôi xe máy là phương tiện du lịch dễ dàng hơn xe hơi nhiều, rất lí tưởng bởi tôi có thể dừng lại bất cứ lúc nào muốn. Vì thế tôi có được khá nhiều ảnh đẹp phong cảnh và con người.
Trải nghiệm từng ấy năm, di chuyển không ít, có điều gì mà các điểm du lịch làm anh phiền lòng không?
Tôi là người suy nghĩ tích cực. Gặp điều gì không hài lòng tôi tự nhủ lần sau rút kinh nghiệm. Nếu ai sống ở Việt Nam cảm thấy không hài lòng đơn giản có thể chọn dời đi. Còn tôi thấy hài lòng nên ở lại. Nhưng các bạn thấy đấy, ở đây mọi người tử tế với tôi, hàng xóm cạnh nhà, quanh phòng tranh rất thân thiện. Tôi không có gì phải phàn nàn cả.
Theo Tiền Phong
Post a Comment