Giá dầu duy trì ở mức thấp khiến các nước xuất khẩu dầu lao đao. |
Theo tin tức từ Reuters dẫn nguồn thân cận, Ả Rập Saudi vừa yêu cầu các ngân hàng nộp đề xuất nhằm mở rộng khoản vay với số tiền từ 6 – 8 tỷ USD trong 5 năm nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách kỷ lục do tình trạng giá dầu thấp kéo dài.
Đây sẽ là khoản vay nước ngoài lớn đầu tiên của quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới này trong vòng hơn 1 thập kỷ.
Theo nguồn tin, công ty tư vấn Verus Partners có trụ sở ở London đang tiến hành tư vấn cho Chính phủ Ả Rập về khoản vay ngân hàng nói trên.
Năm 2015, thâm hụt ngân sách của quốc gia Trung Đông là 100 tỷ USD. Chính phủ Ả Rập Saudi cố gắng lấp khoảng trống ngân sách bằng cách sử dụng dự trữ ngoại hối và phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, với tốc độ sụt giảm ngân sách hiện tại, số tài sản dự trữ chỉ có thể kéo dài thêm được vài năm, trong khi đó việc phát hành trái phiếu đã bắt đầu phải chịu áp lực thanh khoản từ hệ thống ngân hàng.
Giới phân tích nhận định 6 nước xuất khẩu dầu lửa giàu có ở vùng Vịnh có thể phải vay tổng cộng 20 tỷ USD hoặc hơn trong năm 2016.
Thị trường dầu lửa đã chứng kiến nhiều diễn biến kể từ khi ngân hàng Mỹ Goldman Sachs đưa ra dự báo giá dầu sẽ giảm về mức 20 USD/thùng hồi cuối năm ngoái.
Trong một diễn biến khác, hãng đánh giá tín nhiệm Moody's ngày 5/3 đã hạ mức độ tín nhiệm của Oman và Bahrain, đồng thời đặt các quốc gia sản xuất dầu mỏ ở vùng Vịnh còn lại như Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Kuwait và Qatar vào danh sách cân nhắc hạ bậc tín nhiệm.
Kiều Hương (T.H)
Post a Comment