Công trình nghiên cứu nhiều lần đề cập tới Đấng tạo hóa của một nhóm tác giả Trung Quốc gặp phải sự chỉ trích gay gắt và tẩy chay mạnh mẽ từ cộng đồng khoa học trên khắp thế giới.

Ngày 5/1, tạp chí đa ngành PLOS ONE cho đăng kết quả của một nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc về lĩnh vực cơ sinh học của bàn tay con người. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này nhiều lần đề cập đến "Đấng tạo hóa", một từ ám chỉ tới người tạo ra muôn loài trong Thuyết sáng thế. Nhóm tác giả thậm chí còn kết luận "phối trí của bàn tay cho thấy sự huyền bí trong những sáng tạo của Đấng tạo hóa".

Những liên quan đến Đấng tạo hóa làm dấy lên một luồng ý kiến phản đối trên trang web của tạp chí PLOS ONE và cả mạng xã hội Twitter. Nhiều người cho rằng công trình khoa học nêu trên "đáng xấu hổ""không thể chấp nhận được", đồng thời yêu cầu ban biên tập gỡ bỏ.

Bức tranh Tạo hóa sinh ra Adam của Michelangelo.
Bức tranh Tạo hóa sinh ra Adam của Michelangelo.

Lý do mà các tác giả Trung Quốc đưa ra để giải thích cho việc này là sự nhầm lẫn khi sử dụng từ tiếng Anh "Đấng tạo hóa" (Creator) thay vì "Tự nhiên" (Nature).

"Chúng tôi rất xin lỗi vì để xảy ra cuộc tranh luận này. Nghiên cứu của chúng tôi không có mối quan hệ với Thuyết sáng thế. Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng tôi. Sự hiểu biết của chúng tôi về từ "Đấng tạo hóa" không được đầy đủ như những người bản địa. Bây giờ chúng tôi đã nhận ra chúng tôi hiểu sai về từ "Đấng tạo hóa". Chúng tôi muốn diễn đạt rằng các đặc trưng cơ sinh học của kiến ​​trúc kết nối giữa cơ bắp và khớp nối là một thiết kế phù hợp của tự nhiên (kết quả của quá trình tiến hóa) trong vô số nhiệm vụ nắm bắt hàng ngày", Ming-Jin Liu, tác giả chính của bài báo kiêm nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong, phản hồi ngày 3/3.

Tuy nhiên, dù nguyên nhân thực sự là sai sót trong chuyển ngữ hay không, người đọc cũng cảm thấy thất vọng vì công trình này lọt qua những vòng phản biện khắt khe cũng như sự kiểm duyệt chặt chẽ của ban biên tập tạp chí PLOS ONE.

Theo IFL Science, cũng trong ngày 3/3, một thành viên ban biên tập tạp chí PLOS ONE đưa ra xin lỗi công khai vì sai sót này và thừa nhận quá trình phản biện không đánh giá đầy đủ một số khía cạnh của nghiên cứu.

Sau khi tiến hành đánh giá nội bộ và lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, PLOS ONE đã gỡ bỏ công trình nghiên cứu của nhóm tác giả Trung Quốc vào ngày 4/3.

Post a Comment

 
Top