Mông đồng là loại chiến thuyền chủ lực của người Việt xưa, từng đóng góp lớn lao vào những chiến thắng trên sông nước của các triều đại phong kiến Việt.
Chiến thuyền Việt xưa trông như thế nào? Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nôi là nơi có thể trả lời câu hỏi này qua một mô hình chiến thuyền rất chi tiết có niên đại từ thế kỷ 17.
Đây là mô hình của một chiến thuyền được chế tác vào thời Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài, đặt tại chùa Keo và những năm gần đây chuyển về tầng 2 của Bảo tàng.
Mô hình là sự tái hiện mẫu chiến thuyền mông đồng (thuyền bọc đồng) – loại thuyền nhỏ, linh hoạt được trang bị hỏa lực mạnh – từng được thủy quân Lê – Trịnh sử dụng phổ biến vào thời điểm đó.
Về cơ bản đây là loại thuyền đáy nông, chèo tay, hoạt động chủ yếu ở các sông lạch và khu vực ven biển. Số lượng tay chèo trên mô hình là 20.
Nét đặc trưng của thuyền mông đồng là có mái gỗ dày để che tên đạn. Ở thuyền nhỏ mái được làm cong trong khi thuyền lớn có thể làm mái bằng để làm nơi binh lính đứng chiến đấu.
Trong khoang thuyền mô hình có rất nhiều loại khí cụ khác nhau, trong đó có một sập cho chỉ huy nằm ở giữa.
Đáng chú ý là hai cỗ pháo, một cỗ nhỏ nòng dài và một cỗ lớn nòng ngắn treo trên giá đỡ bằng gỗ để chống giật.
Việc trang bị đại bác là sự cải tiến lớn về khí tài so với các thuyền mông đồng thời trước, thường được trang bị hai máy nỏ.
Các khí cụ khác trên thuyền bao gồm cung tên, thuẫn, mộc, trống, chiêng, quang gánh, cờ…
Đầu thuyền và mũi thuyền được chạm khắc và thiếp vàng rất tinh xảo.
Khi tham gia chiến trận, ưu thế về tốc độ và sự linh hoạt của thuyền mông đồng phát huy tác dụng mạnh nhất khi được sử dụng với số lượng lớn để chống lại chiến thuyền hạng nặng của đối phương.
Theo các tư liệu lịch sử, thuyền mông đồng được phát minh tại Trung Hoa thời nhà Đường, sau đó nhanh chóng du nhập vào Việt Nam và trở thành loại chiến thuyền chủ lực, đóng góp lớn lao vào những chiến thắng trên sông nước của các triều đại phong kiến Việt.
Loại thuyền này được ghi nhận lần đầu ở Việt Nam từ năm 807 – 809. Năm 931, tướng Dương Đình Nghệ đã sử dụng thuyền mông đồng trong các trận thủy chiến chống quân Nam Hán xâm lược.
Trong trận Bạch Đằng năm 938, loại thuyền chiến Mông đồng thường có 32 tay chèo kèm theo 25 lính chiến đấu đã phát huy tác dụng rất lớn.
Cho đến thời Nguyễn, thuyền mông đồng vẫn là loại thuyền chiến chủ yếu trong quân thủy, được khắc hình trên cửu đỉnh của nhà Nguyễn.
Trong "An Nam tức sự", Trần Phu của nhà Nguyên nhắc tới loại thuyền mông đồng của nước Việt với nhiều biến tấu và kích thước khác nhau. Theo Trần Phu, thuyền mông đồng ban đầu chỉ có 25 tay chèo và 23 chiến thủ, đến thời Trần đã có thuyền mông đồng hạng nặng với cả trăm tay chèo.
Đến thế kỷ 17, Thích Đại Sán của Trung Hoa ghi trong "Hải Ngoại Kỷ sự" về thuyền mông đồng nước Việt như sau: "Thuyền sơn son láng bóng, soi mặt được, tả hữu đều 25 chèo, thủy quân đều rất mạnh mẽ, cửa khoang thuyền chạm long vân, sơn đỏ, trên che đệm có đằng văn, dưới trải chiếu lác mịn màu xanh lục, lò đốt kỳ nam, hộp vàng bày cau trầu, có đủ các thứ gối tựa, ống nhổ".
Với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật hải quân phương Tây, đến thế kỷ 19 thuyền mông đồng đã trở nên lạc hậu. Vai trò lịch sử của loại chiến thuyền độc đáo này đã chấm dứt cùng với sự suy vong của nhà Nguyễn.
Theo_Kiến Thức
Post a Comment