Trong vài năm gần đây, cùng với sự phát triển ồ ạt của Internet và các thiết bị di động thông minh, hàng ngàn thẻ ngân hàng được phát hành mỗi ngày thì thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang đứng trước thời cơ được “bùng nổ”.

Để tìm hiểu rõ hơn về TMĐT cũng như những đóng góp tích cực mà TMĐT mang lại, Người Đưa tin có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thiên Rồng Việt (Thiên Rồng Việt).

+ Theo các chuyên gia TMĐT thì Đông Nam Á sẽ trở thành thị trường bán lẻ trực tuyến thứ 3 trên thế giới vào năm 2020 sau Mỹ và Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về nhận định trên?

Đó chính là xu hướng. TMĐT là vấn đề sẽ phát triển trong thời gian tới đây, trong vòng 3 đến 5 năm tới thì đây sẽ thực sự bùng nổ. Tại Việt Nam, TMĐT rất đa dạng nhưng một trang tin TMĐT thể hiện được bản sắc riêng và đưa các sản phẩm của người Việt Nam lên thì chưa thực sự có. Thêm vào đó, trang TMĐT mà có thể “đến tay” với bất kỳ người dân nào với mục đích sử dụng sản phẩm nào tốt nhất và giá cả nào là tốt nhất cũng chưa có.

Nhìn vào thực tế đó, Thiên Hoàng Việt đã đi một hướng riêng là cách làm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhằm tạo ra một TMĐT riêng biệt của chúng tôi có tên Allunee.

+ Với tốc độ phát triển chóng mặt của TMĐT hiện nay, doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội và thách thức như thế nào?

Thách thức tất nhiên là lớn. Tiêu biểu, khi hiệp định TPP được ký kết, các hàng hóa của nước ngoài với giá cả tốt tràn vào, họ có thế mạnh về vốn, về công nghệ và hiển nhiên các làng nghề truyền thống tại Việt Nam sẽ bị lép vế. Do đó, điều cần thiết trong lúc này là cần có một đơn vị đứng ra để tập hợp họ lại và có những định hướng. Và, ngay cả bản thân chúng ta cũng phải biết tự sàn lọc chúng ta như: Sản phẩm nào chưa được ta cho “out” ra ngoài, sản phẩm nào tốt ta đưa lên. Chính vì lẽ đó, Allunee của chúng tôi ra đời nhằm phân loại và tập hợp các sản phẩm tốt cho từng đối tượng, từ đó đoàn kết lại để tạo ra bản sắc riêng. Chúng ta có thể thành một hiệp hội để bảo vệ lẫn nhau, tương tác lẫn nhau. Chúng ta có thể tương trợ về mặt chiến lược, về mặt quảng bá và ngay cả tương trợ về vốn khi đoàn kết. Khi kết hợp lại với nhau, chúng ta có thể giảm được tất cả các chi phí xuống và tạo ra được lợi thế cạnh tranh.

  'Đầu tư đúng lúc, đúng thời điểm, không theo xu thế đám đông' - Ảnh 1

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thiên Rồng Việt chia sẻ với phóng viên về thương mại điện tử.

Ngay tại các nước Đông Nam Á, người ta đã có xu hướng thành lập một sàn tài chính để có thể hỗ trợ về mặt tài chính cho các doanh nghiệp nước họ. Một sân chơi tài chính được tạo ra để có thể hỗ trợ cho thương mại điện tử. Có thể thấy, tại Việt Nam hiện nay có hàng tỷ các website nhưng để tạo ra được một website với bản sắc riêng thì chưa có. TMĐT không chỉ đơn giản là mua bán online mà nó còn bao gồm thanh toán điện tử, giao hàng, bảo mật, bảo trì, bảo hành và mọi thứ sau đó để tạo ra một xu thế.

Người tạo ra TMĐT phải chịu trách nhiệm theo các điều luật công ước quốc tế về TMĐT. Và có thể thấy, trước giờ nước ta đang làm chưa có sự đồng bộ và đó chính là cái thách thức lớn. Tuy nhiên, từ những thách thức thì ta nhìn thấy được ở nước ngoài người ta cũng đang làm và trong nước ta cũng phải làm điều tương tự từ đó có thể biến những thách thức trở thành lợi thế và đó là lợi thế tốt trong tương lai.

+ TMĐT giúp người mua và người bán đến gần nhau hơn tuy nhiên trong hoạt động này cũng có rất nhiều rủi ro. Ông đánh giá như thế nào về những rủi ro này?

Chính vì sự rủi ro trong TMĐT mà Allunee của chúng tôi ra đời để khắc phục được nhữn rủi ro đó. Có 3 yếu tố mà Allunee đang hướng đến: Sàn lọc được đối tượng khách hàng thông qua sàn tài chính, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, là một trong những sàn có lượng truy cập lớn trong tương lai.

TMĐT Việt Nam là một sân chơi rộng nhưng nếu ai biết tạo cho mình một đặc trưng riêng thì người đó sẽ nắm được thị trường và sẽ phát triển được tốt. Không nói đâu xa, tại Việt Nam đã có một số trang web thành công nhưng nó cũng chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia, nhóm các doanh nghiệp và để ra trường quốc tế với những sản phẩm người Việt Nam trên đó thì chưa có.

+ Nếu có bạn đọc của báo Người đưa tin sống tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM muốn ông cho ý kiến với số tiền nhàn rỗi khoảng 1 tỷ đồng thì nên đầu tư vào đâu thì ông sẽ tư vấn như thế nào?

Với 1 tỷ đồng ta có rất nhiều kênh đầu tư và có những người sẽ chọn cách là mở nhà hàng, gửi ngân hàng, mở shop nhưng cũng có người sẽ đi mua cổ phiếu, mua bất động sản nhưng bất cứ đầu tư vào đâu cũng sẽ có ưu điểm và nhược điểm của nó. Chúng ta hiểu về cái gì thì nên đầu tư vào cái đó, khi chưa hiểu thì tốt nhất nên giữ cho nó an toàn nhưng phải giữ trong một chừng mực nào đó và trong một khoảng thời gian nào đó. Đừng để tiền một chỗ vì như vậy không sinh lợi nhuận, đồng tiền không luân chuyển và xã hội cũng sẽ không có sự phát triển, kéo theo đó hàng hóa cũng không lưu thông.

Các bạn nên chọn một kênh đầu tư đúng lúc, đúng thời điểm và đừng đi theo xu thế của đám đông. Phải sử dụng cái đầu của mình thì sẽ có lợi nhuận và lợi nhuận đó sẽ cộng dồn vào chi phí đầu tư của chính chúng ta.

+ Với thỏa thuận của TPP, ông đánh giá như thế nào về thị phần logictics của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi này? Ông có tham vấn đầu tư thị trường vận tải này không?

Thật sự đó là một trong những tiềm năng, thế mạnh rất chi là lớn. Chúng tôi không chỉ tham gia mà thực sự đã định hướng đó là một trong những mũi nhọn của mình. Hiện tại, chúng tôi đang là đại lý cấp 1 của một số hãng hàng không tại Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi sẽ mua các cổ phần của vận tải đường không và vận tải đường sắt hoặc làm đại lý cấp 1 cho họ. Mục đích chính vẫn là để làm sao trong nước, những mặt hàng trên trang Allunee chúng tôi được lưu thông một cách thuận lợi.

+ Trong bài phát biểu mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về TPP có đặt vấn đề là cần mạnh dạn thay đổi thể chế. Theo ông, những đòi hỏi cần thiết để thay đổi thể chế là gì?

Thể chế có hai dạng đó là thể chế về mặt chính trị và thể chế về mặt kinh tế. Ở đây, tôi nhấn mạnh về mặt kinh tế. Kinh tế rất đa dạng nhưng cơ chế của nước ta cũng có một số rào cản và thuận lợi.

Ví dụ, nhà nước mình đã cố gắng hội nhập, cố gắng tham gia vào các hiệp hội trong khu vực và kể cả trên thế giới nhưng vấn đề quan trọng hiện nay đó là mội doanh nghiệp có biết tận dụng hay không. Từ những thể chế đó, ta biết tạo được những cái tối ưu, tận dụng điều đó và đoàn kết hay không.

Ở đây, tôi muốn nói đến vấn đề đoàn kết dân tộc là rất quan trọng, dù Nhà nước có đưa ra thể chế gì chăng nữa nhưng nếu chúng ta không đoàn kết dân tộc, các doanh nghiệp không biết đoàn kết với nhau và người tiêu dùng không đoàn kết với doanh nghiệp thì ta sẽ thua. Những nếu chúng ta đoàn kết và định hướng cùng nhau phát triển thì không một đối tác ngoại nào có thể lọt được vào đây, còn ngược lại nếu doanh nghiệp vẫn tự làm riêng và kinh doanh mập mờ sẽ bị đào thải.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Ngọc Diễm

Post a Comment

 
Top