Mới đây, Tòa án Brooklyn (New York, Mỹ) đã phán quyết Apple thắng kiện FBI trong một vụ mở khóa iPhone xảy ra từ trước, tạo nên án lệ trực tiếp trong vụ mở khóa iPhone lần này.

Trong một bản đánh giá dài 50 trang, thẩm phán James Orenstein đã đưa ra kết luận các nhà chức trách không đủ thẩm quyền buộc Apple phải mở khóa chiếc iPhone liên quan đến một vụ buôn lậu ma túy ở New York hồi tháng 6/2014.

Hình ảnh Apple thắng kiện FBI trong vụ mở khóa iPhone số 1

Apple thắng kiện FBI trong một vụ mở khóa iPhone xảy ra từ trước, tạo nên án lệ trực tiếp trong vụ mở khóa iPhone lần này.

Đáng chú ý, vụ việc này gần tương tự sự kiện mới xảy ra tại San Bernardino hồi tháng 12/2015. Nhiều hãng tin trên thế giới ngay lập tức nhận định phán quyết trên của tòa án sẽ trở thành một án lệ trực tiếp mà Apple có thể đưa ra trong cuộc đấu pháp lý mang tính lịch sử với Bộ Tư pháp Mỹ xung quanh vấn đề mã hóa và bảo mật.

Phiên điều trần được nhắc tới vừa diễn ra đêm hôm qua (1/3) tại Mỹ và tình hình có vẻ rất khả quan cho Apple. Trước đó, Apple đã rơi vào tình thế rất khó khăn khi bị hơn một nửa người dân Mỹ phản đối - theo một cuộc khảo sát sơ bộ.

Sau sự việc lần này, cuộc tranh luận giữa Apple và FBI chắc chắn vẫn chưa thể chấm dứt. Bởi bản chất công việc của họ, trong cả lịch sử lẫn hiện tại, luôn luôn tiềm tàng mâu thuẫn với nhau, một bên là chống tội phạm và một bên là bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trong thời đại công nghệ. Đây chính là một xung đột đặc trưng giữa các hệ thống tư pháp và hành pháp trong nền dân chủ ở Mỹ.

Ngày 2/12/2015, 14 người Mỹ bị giết hại và 22 người khác bị thương trong một cuộc tấn công khủng bố tại San Bernardino, California. Dù sau đó, hai kẻ tấn công đã bị cảnh sát tiêu diệt nhưng FBI lại yêu cầu được trợ giúp mở khoá chiếc iPhone 5c của một trong những tên khủng bố. Yêu cầu này đã bị Apple bác bỏ và hai bên không tìm được tiếng nói chung, khiến Tòa án tối cao liên bang Mỹ phải vào cuộc. 

Trong một nỗ lực phá vỡ tình thế bế tắc, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã kêu gọi tổ chức một phiên điều trần với sự tham gia của cả đại diện Apple và FBI. Mục đích cuộc họp này nhằm tìm kiếm một giải pháp cho phép giới hành pháp làm nhiệm vụ mà không làm tổn hại tới tính cạnh tranh của các công ty Mỹ cũng như quyền riêng tư của người dân.

Trang Vũ

Nguồn : Người đưa tin

Post a Comment

 
Top