Câu chuyện làm shipper (giao hàng) kiếm tiền chạy thận của chàng trai xứ Thanh Kiều Văn Học (sinh năm 1986, quê xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đang gây xôn xao giới shipper những ngày qua. Đăng tải một vài dòng chia sẻ về hoàn cảnh éo le cũng như “cơ duyên” đến với nghề ship trên group dành riêng cho các shipper, anh đã khiến nhiều người xúc động bởi nghị lực và sự lạc quan của mình.
“Nhìn tôi khỏe mạnh thế thôi nhưng chết lúc nào không biết”
Chúng tôi tìm đến căn phòng nhỏ của anh Kiều Văn Học để hiểu rõ hơn về cuộc sống của một shipper đang mang trong mình trọng bệnh. Anh sinh ra ở vùng quê nghèo Thanh Hóa, bố mẹ cả đời làm nghề nông, chăm chỉ cày cuốc chỉ đủ lo cho bốn người con trai ăn học nên đến khi tuổi già sức yếu, họ cũng không giành dụm được nhiều.
Anh Kiều Văn Học, chàng trai xứ Thanh làm nghề shipper kiếm tiền chạy thận
Người anh trai cả của anh đã có ra đình riêng, cậu em út thì cụt hai tay vì không may bị xe buýt cán. Cuộc sống và việc chữa trị bệnh của anh hầu hết phụ thuộc vào người em trai thứ 3.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Học không thi vào đại học mà đi làm cho một xưởng cơ khí gần nhà. Nhưng 3 năm sau, nhận thấy nếu không có bằng cấp thì “cả đời không ngóc đầu lên nổi” nên anh đã quyết tâm làm hồ sơ thi đại học. Không đi học thêm hay ôn luyện ở bất cứ đâu vì sợ tốn kém nhưng anh Học vẫn thừa điểm đỗ vào ngành Điện, hệ Cao đẳng của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Lúc đó, cả nhà tôi mừng lắm vì đứa con cứng đầu nhất cuối cùng cũng chịu đi theo đường học hành. Riêng bản thân tôi, dù học muộn 3 năm nhưng vẫn rất hào hứng, một phần vì điện, cơ khí là niềm đam mê từ nhỏ”, anh Học giãi bày.
Hết 3 năm, ra trường, anh Học được nhận vào làm trong xưởng cơ khí của một giảng viên trường Bách khoa. Nhưng vì thu nhập không đủ sống nên anh quyết định gác lại tấm bằng, chuyển sang làm nghề buôn quần áo. Chợ Phùng Khoang ngày đó là “địa bàn” buôn bán quen thuộc của anh với quyết tâm tích cóp vốn rồi về quê mở xưởng cơ khí riêng.
Thế nhưng, “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”, giữa năm 2010, anh Học cảm nhận rõ sự bất ổn trong cơ thể, thường xuyên buồn nôn và đi tiểu ra máu. Đến khi không thể chịu đựng thêm nữa, anh quyết định đến bệnh viện Bạch Mai khám và được bác sĩ chuẩn đoán mắc bệnh suy thận giai đoạn 2B (giai đoạn nguy hiểm, sắp phải chạy thận).
Ở cái tuổi “bẽ gãy sừng trâu”, đang say mê lập nghiệp, thông báo của bác sĩ đến với anh Học như một “tin sét đánh”. “Tôi thấy trước mắt mình tối sầm, chân run rẩy vì biết đây là căn bệnh hiểm nghèo, quãng đời sau này phải gắn liền với bệnh viện. Cho đến mãi sau này, tôi vẫn không hiểu, tại sao một người to khỏe, chăm thể dục, thể thao như mình lại mắc phải căn bệnh quái ác này”, anh Học tâm sự.
Một tuần 3 lần, anh Học tự mình đi chạy thận
Suốt 3 năm sau đó, anh Học vẫn uống thuốc cầm chừng và “mải mê” buôn bán vì nhu cầu cuộc sống không cho phép anh dừng lại. Nhiều khi bước lên xe máy chở hàng, bàn chân sưng phù không đủ sức gạt chân chống, anh phải cúi gập người xuống dùng tay đẩy, rồi sau đó cứ lái xe trong trạng thái đong đưa.
“Tôi vừa làm vừa mang bệnh như thế cho đến đầu năm 2014 thì gục hẳn. Gia đình đưa tôi vào viện Bạch Mai khám và biết, bệnh suy thận đã chuyển sang giai đoạn 3B, phải chạy thận mới sống được. Tôi nằm ở đó 3 tháng rồi xin chuyển về bệnh viện huyện chạy thận cho gần gia đình”, anh Học kể lại.
Vậy là, một tuần 3 lần, mỗi lần cả đi cả về hơn 60km, một mình anh Học lóc cóc đi chạy thận. Có những khi chạy xong, mệt lả người, anh phải xin bệnh viện cho nằm lại thêm 2, 3 tiếng nữa rồi mới tự lái xe về.
Thế nhưng, cái “họa vô đơn chí” của anh Học không dừng lại ở đó. Sau hơn 1 năm chạy thận, anh lại bị biến chứng và mắc thêm bệnh viêm gan C nên phải ra Hà Nội chữa trị. Một lần nữa đối diện với cảnh một thân một mình chốn Thủ đô, hàng ngày tự lái xe hơn 20km đi chạy thận và chữa các bệnh khác, anh không ít lần chạnh lòng.
“Nhìn tôi khỏe mạnh thế này thôi nhưng chết lúc nào không biết, chỉ cần huyết áp tăng lên hoặc tụt xuống là có thể về với trời ngay. Nhưng thôi, xác định “sống chung với lũ”, có kêu than hay chán chường thì bệnh tật cũng chẳng biến mất được”, anh vừa cười vừa thở hắt.
Kiếm được đồng nào hay đồng đó
Đối với bệnh nhân suy thận khác, chỉ cần đủ sức khỏe chống chọi với 3 tiếng lọc máu, có thể tự mình ra khỏi giường bệnh để người nhà đưa về đã là niềm may mắn lớn. Thế nhưng, với anh Kiều Văn Học, 12 tiếng lọc máu/tuần chỉ là một phần nhỏ của nhịp sống. Ngày nào cũng vậy, kim vừa rút ra khỏi tay, anh đã vội vực dậy “lết đi” ship mấy đơn hàng, kiếm thêm chút tiền thuốc thang, trang trải cuộc sống.
“Tiền chữa trị cho tôi hiện giờ chủ yếu do em trai chu cấp. Em ấy cũng phải lo cho bản thân rồi gia đình sau này nên tôi không muốn mình trở thành cái “gánh” quá nặng. Một tuần chạy thận 3 ngày, thời gian còn lại cũng không biết làm gì nên tôi quyết định đi ship hàng sau nhiều đêm ngẫm nghĩ. Kiếm được đồng nào hay đồng đó, hơn nữa, đôi khi muốn mua thêm viên thuốc nọ, thuốc kia cũng sẵn tiền”, anh Học chia sẻ “cơ duyên” đến với nghề giao hàng của mình.
Dù chạy thận rất đau đớn và mệt mỏi nhưng anh vẫn cố gắng đi ship hàng kiếm tiền trang trải cuộc sống
Một lý do khác đưa anh đến với nghề shipper là ra đường để tránh lên cơn “thèm nước”: “Bệnh của tôi không được uống nhiều nước vì dễ dẫn đến tràn dịch màng phổi. Ví dụ người bình thường được khuyên nên uống 2 lít nước/ngày thì tôi chỉ được uống nửa lít nước/ngày thôi, thậm chí còn ít hơn thế. Nếu cứ ở nhà canh chai nước chắc tôi không chịu được. Thà ra đường, ngắm phố phường loanh quanh còn dễ quên cơn khát. Hơn nữa, ở nhà nhiều hay suy nghĩ linh tinh rồi đâm ra bế tắc, ra ngoài ngắm người nọ người kia vẫn lạc quan hơn”.
Anh Học đã làm nghề giao hàng được hơn 1 tuần nay. Trong khi dân shipper chuyên nghiệp kén chọn đơn nọ, đơn kia thì anh nhận cả, dù là đơn nhiều, đơn ít hay nơi xa, nơi gần miễn sao có tiền và có chỗ để đi. Mỗi ngày anh nhận được khoảng 4- 5 đơn, số tiền kiếm được khoảng 100.000 - 200.000 đồng.
Cũng như các shipper khác, anh Học gặp phải không ít tình huống éo le khi làm nghề “bán mặt ngoài đường” này.
Anh kể: “Hôm kia tôi có nhận hai đơn hàng ở đường Quốc Tử Giám, một đơn ship đi Ninh Hiệp và một đơn ship đi Tràng Tiền. Người thứ hai hẹn nhận hàng vào lúc 11h30 nên tôi phóng xe như điên đi Ninh Hiệp để kịp vòng về Hà Nội cho đúng giờ. Nào ngờ, khi có mặt, tôi gọi hoài không được, đến khi gọi được thì họ hẹn 2h30 chiều mới lấy hàng. Đến 2h30 chiều, họ lại bảo đang họp, chờ thêm lúc nữa. Và cái lúc nữa đó là 5h30 tối. Thế là, tôi mất cả ngày trời chỉ để giao đơn hàng với giá 25.000 đồng. Hôm đó, lúc về tôi còn vô ý làm rơi cái chìa khóa xe, dắt bộ cả đoạn đường dài đến quán sửa thì mất 50.000 đồng tiền thay khóa. Cám cảnh thật”.
Vất vả là vậy nhưng anh Học vẫn là một shipper có tâm, quyết giao hàng đến tận tay khách khi đã nhận lời. Hằng tuần, vào ngày thứ 3, 5, chủ nhật, anh vẫn chăm chỉ dậy từ 4 giờ sáng, sang bệnh viện lọc máu rồi lại chạy đi ship hàng. Chỉ khi nào kiệt sức, anh mới chịu cho mình nghỉ ngơi.
“Chạy thận xong người thường đau như bị đánh vậy. Lắm khi đi chạy xe ngoài đường, tôi mệt quá tay lái lảo đảo, đầu chẳng nghĩ được gì, cứ theo bản năng đi về nhà thôi. Nhưng có việc vẫn hơn không, may mà anh chị em trong group shipper thương tình hay gọi tôi đi ship hàng”, anh Kiều Học chia sẻ.
Post a Comment