Chẳng những có thể chẩn đoán sớm vấn đề tiêu hóa của người dùng thông qua thành phần khí đánh rắm mà thiết bị nhỏ xíu này còn có thể biết được khi nào bạn sắp thực hiện hành động "nhạy cảm" bằng cách thông báo đến smartphone.
Được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học RMIT Úc, thiết bị này sẽ cung cấp thêm một công cụ hữu hiệu giúp các bác sĩ có thể hiểu được rõ ràng về tình hình tiêu hóa của bệnh nhân mắc các vấn đề tiêu hóa, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp hơn. Thiết bị có hình dạng như một viên thuốc con nhộng, bên trong được tích hợp cảm biến phát hiện khí hydro, mê tan và CO2, đồng thời cũng có thể truyền dữ liệu qua kết nối không dây và pin sạc.
Thiết bị này có thể xác định được nồng độ của các khí trong cả ruột kết lẫn ruột non.
Khi sử dụng, người dùng sẽ nuốt nó vào bụng như một viên thuốc thông thường. Khi đó, sẽ nó sẽ gởi dữ liệu về điện thoại mỗi 5 phút 1 lần và sẽ hoạt động liên tục trong vòng 25 giờ. Sau khi từ từ di chuyển trong hệ tiêu hóa của người dùng trong vòng từ 24 đến 48 giờ tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng, thiết bị này sẽ được thải ra ngoài khi người dùng đi vệ sinh và bỏ đi.
Trong các thử nghiệm trên động vật, các nhà nghiên cứu đã cho một con lợn nuốt thiết bị này vào trong bụng để xem xé chế độ ăn uống nhiều chất xơ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hệ tiêu hóa. Kết quả cho thấy thiết bị này có thể xác định được chính xác vị trí sản sinh ra khí trong hệ tiêu hóa, cho phép các nhà khoa học có thể hiểu biết rõ hơn về hệ vi sinh tiêu hóa và những vi khuẩn sản sinh ra khí - một sản phẩm phụ của hệ tiêu hóa.
Qua thử nghiệm, các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng thiết bị này có thể xác định được nồng độ của các khí trong cả ruột kết lẫn ruột non. Theo đó, chế độ dinh dưỡng nhiều chất xơ sẽ sản sinh ra lượng lớn mê tan trong khi ăn ít chất xơ sẽ tăng nồng độ hydro trong ruột non. Dữ liệu này có thể giúp các bác sĩ đề xuất một chế độ ăn uống tốt hơn dành cho những người mắc chứng ruột dễ kích ứng, đồng thời ảnh hưởng của hệ vi sinh đối với các vấn đề về đường ruột.
Trước giờ, các nhà khoa học rất khó để nghiên cứu thành phần của khí đánh rắm do không thể tìm được cách thu giữ chúng một cách chính xác. Trước đây các nhà khoa học đã từng dùng một túi thông với ống dẫn cấy trực tiếp vào hệ tiêu hóa để nghiên cứu thành phần đánh rắm của bò nhưng đối với con người thì cách làm này là không khả thi. Bây giờ với con nhộng mang cảm biến khí trong tay, các bác sĩ đã có công cụ hữu hiệu để hiểu rõ về tình hình hoạt động của hệ tiêu hóa của bệnh nhân, từ đó có biện pháp chữa trị hợp lý hơn.
Post a Comment