Ở Trung Quốc, nhiều sinh viên đại học 22 tuổi kiểm tra thông tin chứng khoán trước khi mở mạng xã hội. Nhiều người trong số họ đã và đang mất tiền vì hai đợt lao dốc chứng khoán.
Ảnh: Reuters
“Khi tôi bước vào thị trường, tất cả mọi người đều đang kiếm được tiền. Nhiều người nghĩ rằng ngay cả một kẻ ngốc cũng có thể tạo ra lợi nhuận”, Annie An, một trong những sinh viên đại học 22 tuổi tham gia chơi chứng khoán nói trên CNN.
An không phải là một kẻ ngốc. Cô là sinh viên đại học chăm chỉ ở Bắc Kinh và là người tự trang trải học phí của mình. Cô có công việc làm thêm bán thời gian trong nhiều năm liền trước khi bắt đầu dồn tiền tiết kiệm vào thị trường chứng khoán từ tháng 6.2015.
Khi đó, An hy vọng sẽ có lời. Song không may, thị trường lao dốc không phanh. Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm ngay sau khi cô quyết định đầu tư. Hàng tỉ USD giá trị thị trường biến mất chỉ sau vài tuần.
Đối với An, điều này có nghĩa là một nửa số vốn đầu tư ban đầu của cô, tức 20.000 nhân dân tệ, tương đương 3.200 USD, đã ra đi. Với một sinh viên đại học cần trả tiền học phí, 1.600 USD là một khoản tiền lớn.
“Tôi đã rất buồn. Đợt lao dốc tháng 6 rất mạnh. Tôi cần số tiền đó”, Annie An nói. Cô đã cắt lỗ, rời thị trường và thề không bao giờ quay lại.
“Tất cả mọi người tôi biết đều xóa phần mềm theo dõi thị trường khỏi điện thoại của họ. Không có ai muốn liên quan thêm đến thị trường chứng khoán”, An chia sẻ. An cũng như hàng triệu người Trung Quốc bình thường khác mở tài khoản giao dịch trong nửa đầu năm 2015 vì được khuyến khích bởi giá cổ phiếu bay cao và thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho hay “thị trường con bò” (thị trường tăng điểm) mới chỉ bắt đầu.
Nhiều người có rất ít kiến thức về chứng khoán và những rủi ro của việc dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm của họ để đầu tư. Thị trường lao dốc đã cuốn theo gần hết số tiền họ đổ vào sàn chứng khoán.
Khi đó, chính quyền Trung Quốc đã tích cực giải cứu thị trường, bơm hàng tỉ USD vào hệ thống để cung cấp thanh khoản. Các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã bị đình chỉ và các cổ đông lớn bị cấm bán cổ phần họ đang nắm giữ. Thị trường vì thế ổn định được một thời gian.
Về phần An, dù đã hứa sẽ không quay lại chơi chứng khoán, cô vẫn tiếp tục tái đầu tư một phần số tiền mình có vào cuối năm với hy vọng bù đắp được một phần thiệt hại. Song một lần nữa, đây lại là quyết định đầy hối tiếc của cô. Trong ngày giao dịch đầu năm 2016, chứng khoán Đại lục giảm mạnh.
Mức giảm hơn 7% kích hoạt cơ chế “cầu chì” vừa được áp dụng và thị trường đã có hai ngày đóng cửa sớm. Cơ chế “cầu chì” mới được kỳ vọng là có tác dụng bình ổn thị trường, song thực tế, nó chỉ gây ra thêm bất ổn và giới chức Trung Quốc tạm ngưng cơ chế này chỉ sau bốn ngày áp dụng.
Sau hai tuần giao dịch đầu năm mới, chứng khoán Trung Quốc đã bước vào "thị trường con gấu" (thị trường giảm điểm) và tài sản của An đã giảm 500 USD.
“Các bạn của tôi nói rằng thị trường sẽ tăng điểm vào tháng 7. Số tiền của tôi có thể nhân đôi. Vì thế nên tôi đợi”, An chia sẻ.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Post a Comment