Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu ấm dần lên, nhiều ngân hàng cũng bắt đầu rộng cửa hơn trong việc cho vay ở lĩnh vực này. Để tìm hiểu về những rủi ro trong việc cho vay BĐS cũng như hoạt động tín dụng liên quan đến BĐS chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với ông Godfrey Swain - Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB.
PV: Hiện nay hoạt động cho vay BĐS có thể nói là luôn tiềm ẩn những rủi ro, nhưng hầu hết các ngân hàng lại đang rộng cửa cho vay ở lĩnh vực này. Theo ông, điều này có đáng lo ngại hay vẫn trong tầm kiểm soát?
- Theo tôi, rủi ro không chỉ nằm ở cho vay BĐS mà có thể xảy ra với bất cứ hình thức tín dụng nào. Các ngân hàng đã trải qua thời kỳ bong bóng BĐS vài năm trước, do vậy đã kiểm soát rủi ro BĐS hiệu quả hơn. Khi cho vay, các ngân hàng sẽ xem xét các yếu tố như nhu cầu vay mua BĐS để ở chứ không phải đầu tư, dự án chọn lọc, nhà đầu tư uy tín để từ đó ra quyết định cho vay.
PV: Xin cho biết nhận định của ông về hoạt động tín dụng trong năm 2016 sẽ có những cải thiện gì so với năm 2015?
Ông Godfrey Swain trao đổi về hoạt động cho vay trong lĩnh vực BĐS. |
- Tăng trưởng tín dụng năm 2015 là gần 18%, trong khi đó mức tăng trưởng cùng kỳ các năm 2011-2014 chỉ khoảng 12%. Nợ xấu được kiểm soát tốt trong 2015, chỉ còn 2.72%. Trong năm 2015, điều chúng ta thấy đại đa số là tăng trưởng an toàn. Chúng tôi tập trung vào tài trợ nhu cầu vay như vay thế chấp BĐS, ô tô. Nợ xấu kiểm soát tốt, ổn định và tiến bộ, nhờ vào chính sách tín dụng bền vững, tập trung vào nhóm khách hàng mục tiêu.
PV: Đối với hoạt động tín dụng cá nhân mua nhà… theo ông, có sự đột phá gì trong năm 2016?
Đối với thị trường BĐS, trong năm 2015 thị trường đã phục hồi rất ấn tượng trên toàn bộ các phân khúc và các khu vực không chỉ Hà Nội và TP.HCM & HCM. Số lượng giao dịch cũng tăng đáng kể, tăng trưởng 6 tháng cuối năm cũng tăng hơn 38% so với 6 tháng đầu năm.
Trong năm 2016, có nhiều dự án được giới thiệu trên thị trường và dự kiến trong năm 2016 BĐS sẽ tiếp tục tăng ở các phân khúc đất nền, nhà ở thương mại, chung cư. Trong đó, phân khúc chung cư cao cấp sẽ được các chủ đầu tư đưa ra thị trường nhiều hơn. Bên cạnh đó, các dự án BĐS có xu hướng liên kết từ 1-3 ngân hàng để cung cấp cho khách hàng sản phẩm trọn gói để khách hàng yên tâm có nguồn tài chính hỗ trợ cho việc mua nhà. Do vậy, thị trường BĐS sẽ càng nhộn nhịp và hấp dẫn hơn.
PV: Theo một vài chuyên gia kinh tế thì BĐS 2016 ấm dần sẽ là cơ hội để ngân hàng đẩy mạnh vốn cho vay, nhất là phân khúc khách hàng mua nhà để ở. Điều đó có là cơ hội cho các ngân hàng nói chung và VIB nói riêng? Ngân hàng đã có chiến lược, kế hoạch gì để đón đầu cơ hội mở rộng hoạt động cho vay này, thưa ông?
- Chúng tôi đã và đang triển khai các gói cho vay ưu đãi với lãi suất cạnh tranh và ổn định trong suốt thời gian vay. Gần đây nhất, từ ngày 4/1, chúng tôi vừa triển khai gói 1.800 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi 7,99%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 8,99%/năm trong 12 tháng đầu. Lãi suất sau thời gian ưu đãi ở mức rất cạnh tranh, bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của VIB cộng biên độ cố định từ 3,3 đến 3,5%/năm tùy theo lựa chọn kỳ hạn điều chỉnh lãi suất của khách hàng.
PV: Được biết, lãi suất cho vay vẫn được xem là rào cản lớn nhất trong hoạt động tín dụng, nhất là đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà. Theo ông, cái khó nhất trong cho vay mua nhà hiện nay là gì?
- Thực tế lãi suất không còn là rào cản lớn với khách hàng. Với mức lãi suất dưới 10% ổn định như hiện nay mà các ngân hàng cung cấp thì đây là mức lãi suất vừa phải, khuyến khích người đi vay. Điều quan trọng khách hàng cần lưu ý là lựa chọn gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu tài chính của mình, xác định thời gian vay phù hợp cũng như xem xét tính linh hoạt của khoản vay hay tính lãi phạt khi trả nợ trước hạn.
PV: Câu hỏi cuối cùng, xin ông cho biết thêm liệu cạnh tranh giữa ngân hàng nội và ngoại trong năm 2016 có khốc liệt hơn năm 2015 không và tại sao?
- Cần phải nói rõ vấn đề này, hiện nay các ngân hàng nội và ngoại hướng đến những đối tượng khách hàng, những mục tiêu khác nhau. Dó đó, khẩu vị rủi ro là khác nhau. Nếu so sánh sự cạnh tranh giữa các ngân hàng này sẽ không chính xác vì chúng không cùng một hệ quy chiếu so sánh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ngọc Diễm
Post a Comment