Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang bị chia rẽ sâu sắc. Hãng tin CNN cho rằng 13 nước thành viên giàu dầu thô của tổ chức này hiện đứng trước cuộc khủng hoảng nội bộ tệ nhất trong lịch sử 55 năm tồn tại.
Ảnh: Reuters
Các lãnh đạo kinh tế thế giới sẽ tề tựu về Diễn đàn Kinh tế Thế giới với các thông điệp lẫn lộn phát ra từ OPEC. Nhóm 13 nhà xuất khẩu dầu hiện nay đang bị chia rẽ sâu sắc trong cuộc khủng hoảng nội bộ tệ nhất trong 55 năm mà OPEC tồn tại. Mâu thuẫn đó hiện hữu rất rõ tại diễn đàn năng lượng ở Abu Dhabi trong tuần này, tập hợp Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Nigeria.
Quan chức hàng đầu về dầu mỏ của Nigeria là Emmanuel Kachikwu cho hay ông muốn một cuộc họp khẩn có thể diễn ra vào cuối tháng 2 tới đây, nhằm thảo luận về việc cắt giảm sản lượng, ngăn đà giảm của giá dầu. Ông Kachikwu nói trong một buổi phỏng vấn: “Tôi mong đợi cuộc họp như thế. Tôi nghĩ rằng phần lớn thành viên OPEC đều đang cho rằng thời điểm cho một cuộc họp và đối thoại lần nữa đã tới”.
Cuối ngày hôm đó, Bộ trưởng Dầu mỏ UAE Suhail Al Mazrouei quả quyết từ chối lời đề nghị tổ chức phiên họp khẩn một cách lịch sự: “Tôi không nghĩ chuyện đòi hỏi OPEC đơn phương cắt giảm sản lượng là công bằng”. Ông Mazrouei cho rằng chiến lược giành lại thị phần của OPEC đã hoạt động hiệu quả.
Mới đây, một báo cáo từ hãng tư vấn Wood Mackenzie cho biết đang có 68 dự án dầu tư dầu khí lớn bị “treo”. Đây là yếu tố ủng hộ ý kiến của ông Mazrouei, dù chiến lược này đang kéo dài hơn mong đợi.
Chiến lược bảo vệ thị phần nói trên cũng đang làm tổn thương các thành viên OPEC. Hãng tư vấn Wood Mackenzie cho rằng Angola và Nigeria là hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề.
OPEC dường như bị chia rẽ thành hai phe chính. Một nhóm có 9 thành viên, gồm Algeria, Venezuela, đây là những quốc gia muốn từ bỏ cuộc chiến giá cả do Ả Rập Xê Út dẫn đầu nhằm vào các nước không là thành viên OPEC.
Vấn đề của 9 nước trên là nhóm bốn quốc gia còn lại, gồm Ả Rập Xê Út, Kuwait, Qatar và UAE, là những nước muốn tiếp tục cuộc chiến giành thị phần. Bốn nước này nắm gần như toàn bộ năng lực của OPEC, do đó lá phiếu của họ có sức ảnh hưởng hơn.
Một yếu tố khác cũng thường bị bỏ qua đó là OPEC chỉ hoạt động bằng cách nhất trí quyết định, điều này làm cho nỗ lực tập hợp các thành viên lại vô cùng khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế của họ đang bị tổn thương nặng nề.
Bước đi lớn nhất của OPEC nhằm di chuyển thị trường xảy ra hồi năm 2009, khi giá dầu thô tăng vọt đến 147 USD/thùng. Ả Rập Xê Út khi đó sản xuất ồ ạt để giá dầu lao dốc về 40 USD/thùng. Giá cả “vàng đen” sau đó đã ổn định nhưng kể từ thời điểm trên, Mỹ sản xuất 4 triệu thùng dầu mỗi ngày và đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi toàn cầu.
CEO hãng dầu Breitling Energy, ông Chris Faulkner, cho rằng OPEC sẽ không đảo ngược lập trường của họ, ngay cả khi sản lượng dầu ở Mỹ rơi từ mức cao nhất là 9,6 triệu thùng/ngày xuống còn khoảng 8 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2016.
Faulkner cho hay ông thường xuyên được hỏi rằng: ”Khi nào Mỹ sẽ rời cuộc chơi?” khi nói về sản xuất dầu đá phiến. Thực tế, các đối thủ vừa và nhỏ có thể linh hoạt và tái sản xuất trở lại nếu giá dầu phục hồi và ổn định ở mức 50 USD/thùng. Đây là lý do vì sao cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ cùng sản lượng dầu thô lên đến mức kỷ lục 11 triệu thùng/ngày của Nga đang tạo ra căng thẳng chưa từng có trong nội bộ OPEC.
Quan chức dầu mỏ Nigeria Emmanuel Kachikwu cho biết đã có một cuộc “nổi loạn” tại cuộc họp của OPEC vào tháng 12 vừa qua. Các nhà sản xuất châu Phi và Mỹ Latinh đe dọa sẽ rời bỏ OPEC vì các khó khăn mà họ đã và đang phải đối mặt.
Đề xuất về một cuộc họp khẩn của Nigeria và các nước khác đến vào thời điểm không thể khó khăn hơn. Iran hiện vẫn lên kế hoạch sản xuất đến 1,5 triệu thùng dầu/ngày vào cuối năm nay, khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ.
Dù nội bộ còn nhiều bất đồng, ông Kachikwu vẫn cho rằng chuyện OPEC đạt được thỏa thuận về một số mặt nào đó vẫn khả thi. Đây hẳn nhiên không phải là một ý kiến được tất cả các thành viên OPEC tán đồng.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Post a Comment