Nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. |
Một “cổ” mấy “tròng”
Theo Bảng giá cơ sở do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam công bố ngày 18/1, tỷ lệ thuế phí trong các mặt hàng xăng dầu hiện rất cao. Cụ thể, với giá xăng A92 thế giới bình quân 15 ngày ở mức 48,593 USD/thùng, chi phí bảo hiểm và vận chuyển từ cảng nước ngoài về Việt Nam là 2,5 USD/thùng.
Như vậy, giá xăng thực tế trước khi chịu thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ ở mức 7.105 đồng/lít. Sau khi chịu thuế 20% (với số tiền 1.421 đồng/lít) và 10% thuế tiêu thụ đặc biệt (tương đương 853 đồng), giá xăng bán lẻ trong nước phải gánh thêm 1.050 đồng chi phí định mức của doanh nghiệp.
Cùng đó người tiêu dùng phải trả thêm 300 đồng trích quỹ bình ổn giá xăng dầu, 300 đồng lợi nhuận định mức dành cho doanh nghiệp và 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường và 1.404 đồng tiền thuế giá trị gia tăng. Sau khi cộng hết các khoản, giá thành của xăng A92 là 15.442 đồng/lít.
“Giá xăng ở Mỹ hiện chỉ khoảng 11 nghìn đồng/lít. Giá xăng của mình cao hơn so với thế giới do phải chịu tỷ lệ thuế, phí quá cao. Trong hơn 15 nghìn tiền xăng, có tới 3.000 đồng là thuế bảo vệ môi trường. Hiện rất ít nước áp thuế bảo vệ môi trường. Mức thuế cao này đã khiến cho giá xăng dầu trong nước giảm không tương xứng”. PGS.TS Ngô Trí Long |
Số liệu thống kê cho thấy, đến nay giá dầu thô giảm tới hơn 40% so với cuối năm nhưng xăng bán lẻ trong nước chỉ giảm khoảng 12% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm chừng 30%. Nhiều chuyên gia cũng thừa nhận còn nhiều bất hợp lý trong điều hành giá xăng dầu trong nước hiện nay.
Theo các chuyên gia, những bất hợp lý liên quan đến quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc quản lý hoa hồng đại lý, trích lợi nhuận định mức hiện nay cần được sửa đổi để người dân không phải gánh nhiều sức ép.
Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, nghị định về kinh doanh xăng dầu vẫn còn một số điểm bất cập, có thể cải tiến, sửa đổi tiếp. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ này sẽ tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu cập nhật hằng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày như hiện nay.
Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ thực hiện theo giá thế giới. Doanh nghiệp mua giá đắt sẽ bán giá đắt, mua giá rẻ sẽ bán giá rẻ ngay trong ngày thay vì tính điều chỉnh theo chu kỳ như hiện nay.
Những tồn tại vô lý
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối lớn cho rằng, các cơ quan quản lý cần xem xét siết việc trích hoa hồng cho các đại lý của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Có thực tế, do đã có mức lợi nhuận cố định 300 đồng/lít nên để chiếm thị trường, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh bằng cách đẩy tiền hoa hồng cho các đại lý lên cao.
“Nếu siết chặt hoặc có quy định chặt chẽ về mức trích hoa hồng cho các đại lý, chắc chắn doanh nghiệp có thể giảm bớt chi phí, từ đó có điều kiện giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước nhiều hơn”, vị này nói.
Theo PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, thực tế giá xăng dầu trong nước thời gian qua giảm không tương xứng so với giá thế giới. Việc giá xăng dầu trong nước cao hơn thế giới sẽ làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. “Giá xăng ở Mỹ hiện chỉ khoảng 11 nghìn đồng/lít.
Giá xăng của mình cao hơn so với thế giới do phải chịu tỷ lệ thuế, phí quá cao. Trong hơn 15 nghìn tiền xăng, có tới 3.000 đồng là thuế bảo vệ môi trường. Hiện rất ít nước áp thuế bảo vệ môi trường. Mức thuế cao này đã khiến cho giá xăng dầu trong nước giảm không tương xứng”, ông Long nói.
Theo chuyên gia này, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hoạt động rất hình thức do mức thu vào quỹ và trích sử dụng quỹ đang bằng nhau. Trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng cần có dự phòng cho tình huống xấu.
Tuy nhiên, dự phòng lấy từ nguồn nào rất quan trọng. Nguồn trích quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện đang chỉ thu từ phía ngươi dân, trong khi doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không phải trích nộp một đồng nào dù được hưởng mức lợi nhuận định mức cố định 300 đồng/lít (dù bất kể giá xăng dầu trong nước lên xuống thế nào).
“Trong kinh tế thị trường, cũng cần có quỹ bình ổn nhưng phải xác định rõ lúc nào cần có quỹ, lúc nào không cần có quỹ. Bộ Tài chính cần xem lại việc quản lý chi phí định mức hiện nay của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.
Ngoài ra, thực hiện quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng lại để cho doanh nghiệp luôn có mức lãi cố định 300 đồng/lít là rất vô lý. Đây là cơ chế áp đặt theo chủ quan. Ở đây việc chia sẻ lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chưa thỏa đáng. Với người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay, việc để tình trạng như này là một thiệt thòi”, ông Long nói.
“Bộ Công Thương công bố các số liệu giá nhập khẩu hằng ngày trên trang điện tử, báo chí, người dân có thể truy cập và dựa vào công thức có sẵn để tính toán, giám sát. Ngoài ra, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có thể sẽ được xem xét loại bỏ với điều kiện các hoạt động của doanh nghiệp và khâu hậu kiểm của cơ quan chức năng được tăng cường giám sát hơn nữa”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. |
Theo Tiền Phong
Post a Comment