Các nhà khảo cổ tìm thấy chân giả gắn móng ngựa có niên đại 2.200 tuổi chôn cùng hài cốt một người đàn ông tại nghĩa trang gần Turpan, Trung Quốc.

Trong ngôi mộ, các nhà khảo cổ tìm thấy hài cốt của một người đàn ông và một phụ nữ. Chân trái của người đàn ông bị biến dạng, xương bánh chè, xương đùi và xương chày được cố định tại góc 80 độ. Người đàn ông này không thể duỗi thẳng chân ra dẫn tới khó khăn trong việc đi lại. Vì vậy, chiếc chân giả có thể giúp việc đi lại của người đàn ông trở nên thuận tiện hơn.

Chiếc chân giả hình móng ngựa trong ngôi mộ 2.200 năm tuổi ở Trung Quốc.
Chiếc chân giả hình móng ngựa trong ngôi mộ 2.200 năm tuổi ở Trung Quốc. (Ảnh: Viện Khảo cổ Trung Quốc).

Chiếc chân giả làm từ gỗ bạch dương. Nó có bảy lỗ dọc theo hai bên và băng da để cố định. Phần dưới của chân có dạng hình trụ, phần cuối được bọc bằng sừng bò hoặc móng ngựa nhằm tăng ma sát.

Theo hai nghiên cứu công bố trên tạp chí Bridging Eurasia năm 2013 và Quaternary International năm 2014, người đàn ông khoảng 50 - 65 tuổi và cao khoảng 1,7 mét. Nguyên nhân dẫn tới biến dạng đầu gối có thể là viêm khớp, thấp khớp hoặc chấn thương. Các nhà nghiên cứu cho biết người đàn ông này từng bị viêm phổi. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới biến dạng xương.

Nhiều khả năng người đàn ông không thuộc tầng lớp giàu có vì trong mộ chỉ có một cái bình và chén bằng gốm, một tấm gỗ và một cung tên gỗ. Ngôi mộ được mở ra sau đó để đưa thi thể người phụ nữ 20 tuổi vào. Điều này làm ảnh hưởng tới hài cốt của ông. Ngôi mộ nằm trong quần thể 30 mộ mà các nhà khảo cổ khai quật trong nghĩa trang.

Những ngôi mộ trong nghĩa trang có thể thuộc về những người dân tộc Gushi. Đây là một nhà nước nhỏ xuất hiện giữa thời Tây Hán, nằm ở lưu vực sông Turfan, Trung Quốc. Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Turfanica tại địa phương tiến hành khai quật khu nghĩa trang vào năm 2007 - 2008.

Post a Comment

 
Top