Tài chính - Ngân hàng - Sau đại án 'bầu' Kiên, Vietbank vẫn gánh lỗ hàng trăm tỷ đồng

Kết thúc quý III/2017, Vietbank vẫn còn gánh khoản lỗ luỹ kế gần 190 tỷ đồng. 

Lỗ luỹ kế hàng trăm tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) mới được công nhận là công ty đại chúng kể từ ngày 17/4/2017. Từ đó đến nay, bức tranh tài chính ảm đạm của nhà băng này dần được hé lộ nhờ một vài thông tin ít ỏi được công bố theo quy định.

Bất ngờ nhất, sau 10 năm thành lập và phát triển (từ tháng 2/2007), tính đến cuối quý 3/2017, Vietbank vẫn đang phải gánh khoản lỗ luỹ kế 188,8 tỷ đồng. Khoản lỗ luỹ kế đã đeo bám ngân hàng này nhiều năm qua.

Sau báo cáo tài chính "gây sốc" giới đầu tư vào năm 2012 khi ghi nhận lãi ròng giảm 22 lần so với năm 2011, chủ yếu do lỗ từ đầu tư chứng khoán 239 tỷ đồng, đến năm 2015, Vietbank vẫn phải ngậm ngùi báo lỗ 125 tỷ đồng. Sang năm 2016, mặc dù lợi nhuận đã đảo chiều có lãi, tuy nhiên con số này cũng chỉ đạt 69 tỷ đồng - thực hiện được 27% kế hoạch đề ra trong năm (269 tỷ đồng).

Trước bức xúc về tình hình kinh doanh bết bát của cổ đông, Chủ tịch HĐQT Vietbank - ông Dương Ngọc Hoà trần tình: "Việc Vietbank kinh doanh thụt lùi là do phải gánh nợ xấu trên 1.000 tỷ đồng vào năm 2009. Từ năm 2013 - 2016, ngân hàng phải tìm các biện pháp khắc phục thu hồi nợ xấu theo yêu cầu của thanh tra NHNN. Trong 3 năm qua, lỗ luỹ kế trên 200 tỷ đồng và NHNN yêu cầu bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận 2016 đến từ thu nhập bất thường".

Về nợ xấu, trong các báo cáo của Vietbank luôn tự hào nhà băng này đã duy trì được tỉ lệ nợ xấu ở mức thấp, dưới 2%. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đến cuối quý III/2017 tăng từ 1,69% lên 1,74%, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt 17% lên 305 tỷ đồng.

Tuy nhiên thực tế, khoản nợ xấu đó đã được "làm đẹp" bằng việc loại trừ khoản cho vay cầm cố bằng cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank (đang được phong tỏa bởi NHNN) ra khỏi tỉ lệ nợ xấu theo chấp thuận cho cơ cấu lại và được giữ nguyên nợ nhóm 1 của NHNN.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông năm 2017, một cổ đông Vietbank thắc mắc: "Nếu tính cả loại hình cho vay này thì nợ xấu là bao nhiêu?". Tuy nhiên, đại diện Vietbank chưa đưa ra được câu trả lời cụ thể.

Theo thông tin của PV báo Người Đưa Tin, khoản nợ xấu được cầm cố bằng cổ phiếu STB kể trên cũng phát sinh từ năm 2012 liên quan đến ngân hàng Phương Nam thời ông Trầm Bê còn làm lãnh đạo.

Một khoản mục đáng chú ý trong cơ cấu tài sản của Vietbank đó là tài sản có khác với số dư cuối kỳ báo cáo là gần 1.800 tỷ đồng - chiếm hơn 5% tổng tài sản, chủ yếu là khoản lãi, phí phải thu. Theo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, đây là khoản mục tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguồn cơn ghi nhận lãi ảo của ngân hàng.

Ngân hàng "hạng bét"

Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông, đại diện Vietbank cũng nhận định ngân hàng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Độ nhận biết thương hiệu Vietbank thuộc nhóm thấp nhất thị trường (xếp thứ 24 trên tổng số 28 ngân hàng được xếp hạng), hệ thống core banking TCBS mua từ ACB cả thập kỷ trước, không bảo trì bảo hành nâng cấp, đến nay đã quá lạc hậu và bộc lộ nhiều hạn chế về tính năng, vận hành và bảo mật...

Bên cạnh đó, nhà băng này cũng phải giải quyết hàng loạt vấn đề khác liên quan đến vốn điều lệ, lỗ luỹ kế, mạng lưới giao dịch, thu hút nhân sự...

Tính đến 30/9/2017, tổng số cán bộ nhân viên ngân hàng Vietbank trên cả nước chỉ là 1.901 người - thấp nhất toàn hệ thống. Với tình hình thực tế và thương hiệu ngân hàng, khả năng thu hút nguồn nhân lực tốt còn hạn chế thời gian qua dẫn đến chất lượng cán bộ quản lý và chất lượng nhân viên còn thấp so với mặt bằng chung của thị trường.

Về vốn điều lệ, Vietbank mới được NHNN chấp thuận tăng vốn lên con số 3.249 tỷ đồng vào cuối năm 2016 để bù đắp phần lỗ luỹ kế, vừa đủ đáp ứng mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng) và cũng "vinh dự" xếp hạng nhỏ nhất hệ thống. Tuy vậy cho đến nay, ngân hàng này vẫn chưa tiến hành sửa thay đổi điều khoản trên trong điều lệ ngân hàng do NHNN yêu cầu rà soát lại.

Dấu ấn của “bầu” Kiên?

Tài chính - Ngân hàng - Sau đại án 'bầu' Kiên, Vietbank vẫn gánh lỗ hàng trăm tỷ đồng (Hình 2).

"Bóng hồng" Đặng Ngọc Lan của "bầu" Kiên hiện là thành viên HĐQT của Vietbank.

Vietbank được thành lập năm 2007 bởi các cổ đông gồm ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), công ty TNHH XD TM Diệu Hiền của đại gia thủy sản đình đám cùng tên và cổ đông lớn nhất hiện nay là công ty Đầu tư & Phát triển Hoa Lâm. Trong cơ cấu HĐQT ngân hàng vẫn còn in dấu ấn mạnh mẽ của "bầu” Kiên khi bà  Đặng Ngọc Lan - vợ "bầu" Kiên đang nắm giữ chức thành viên HĐQT Vietbank.

Liên quan đến đại án ACB năm 2012, ông Nguyễn Đức Kiên được coi là người có công lớn nhất tô vẽ nên bức tranh tài chính ảm đạm của Vietbank thời gian dài vừa qua. Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, VietBank, cùng KienLongBank được xác định là bên trung gian, nhận tiền lòng vòng trong quá trình ông Kiên chỉ đạo công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB trái quy định, gây thiệt hại số tiền 688 tỷ đồng.

Cụ thể, cuối năm 2009, giá cổ phiếu của ngân hàng ACB bị giảm sút, trước sức ép của các cổ đông, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Thường trực HĐQT ngân hàng ACB ký thông báo ra chủ trương dùng tiền huy động của dân cấp tín dụng cho công ty TNHH Chứng khoán (công ty ACBS) để mua cổ phiếu ACB nhằm mục đích đẩy giá cổ phiếu ngân hàng này lên. Tuy nhiên theo quy định, ACB không được cấp tín dụng trực tiếp cho công ty con 100% là ACBS, kế hoạch được thực hiện qua bên thứ ba là Vietbank và KienLongBank.

ACB dưới sự chỉ đạo của "bầu" Kiên đã cho VietBank và KienLongBank vay lần lượt 500 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Số tiền sau đó được cho ACBS vay lại để doanh nghiệp này cùng hai công ty của ông Kiên mua 52 triệu cổ phiếu ngân hàng ACB với danh nghĩa hợp tác đầu tư.

Hành vi này sau đó bị công ty kiểm toán PwC phát hiện, ACBS được yêu cầu phải loại bỏ cổ phiếu ACB ra khỏi danh mục hợp tác đầu tư, trả lại tiền cho ACBS. Vai trò trung gian của Vietbank lúc này lại được thể hiện. Để có tiền trả lại, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo ACB cho Vietbank vay gần 1.700 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng để nhà băng này tiếp tục cho hai công ty trung gian vay dưới hình thức mua bán trái phiếu. Tuy nhiên khi hai công ty của “bầu” Kiên còn nợ Vietbank gần 1.200 tỷ đồng, thì những pháp nhân này chỉ còn giữ số cổ phiếu ACB trị giá gần 580 tỷ đồng. Tổng số tiền thiệt hại đối với ngân hàng ACB mà “bầu” Kiên thông qua Vietbank và các pháp nhân liên quan gây ra lên tới 688 tỷ đồng.

Trung tuần tháng 10/2017, Vietbank quyết định cho thôi chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Đăng Thanh sau một năm lãnh đạo. Người lên thay thế là ông Nguyễn Thanh Nhung - trợ lý HĐQT, ông Nhung cũng chính là người hoán đổi ghế Tổng Giám đốc cho ông Thanh trước đó.

Chủ tịch HĐQT Vietbank là ông Dương Ngọc Hòa - phu quân Chủ tịch tập đoàn Hoa Lâm, bà Trần Thị Lâm. Tập đoàn Hoa Lâm vốn nổi tiếng trong lĩnh vực xe gắn máy mang thương hiệu Halim, xe tay ga Kymco. Ngoài ra, tập đoàn Hoa Lâm còn có vai trò là đối tác của công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) triển khai loại hình xổ số này trên cả nước.

Ở lĩnh vực bất động sản, tập đoàn Hoa Lâm cũng đứng tên đầu tư hàng loạt dự án "khủng" tại TP.HCM. Có thể kể đến là chủ đầu tư dự án Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm – Shangrila nằm cạnh trung tâm Thương mại AEON MALL ở khu Tên Lửa quận Bình Tân, cao ốc Lim Tower 1 và 2, tòa nhà Vietbank, Khu dân cư 2 – 3 - 4 phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, dự án Văn phòng kết hợp khu thương mại căn hộ 1,6 ha vị trí nằm liền kề Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi và Khu du lịch làng Chài ở huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu...          

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top