Theo thông tin từ công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco), Hội đồng quản trị công ty vừa có quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Viết Hiệp làm Tổng giám đốc công ty từ ngày 1/1/2018.

Đầu tư - Vì sao bổ nhiệm lại sếp đường sắt bị ông Đinh La Thăng cách chức?

Ông Nguyễn Viết Hiệp được bổ nhiệm lại chức vụ Tổng giám đốc Haraco.

Ông Hiệp là người đại diện 35% phần vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội.

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – ông Đoàn Duy Hoạch cho biết, việc ông Nguyễn Viết Hiệp quay lại nhận chức vụ cũ không phải “khôi phục chức vụ” mà là được điều động lại để bổ nhiệm theo trình tự của công ty cổ phần, sau khi Tổng giám đốc hiện tại xin thôi chức vụ.

“Đây là thủ tục thuyên chuyển, điều động hết sức bình thường trong nội bộ ngành đường sắt”, ông Hoạch nói.

Chia sẻ về sai phạm của ông Hiệp trong vụ lùm xùm nói trên, ông Hoạch cho hay, ông Hiệp bị phê bình vì để xảy ra thiếu sót trong văn bản giấy tờ và đã có kết luận rõ ràng.

Được biết, ông Nguyễn Viết Hiệp là người từng bị nguyên Bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng cách chức trong vụ lùm xùm đề xuất mua 160 toa xe hàng cũ của Trung Quốc hồi tháng 2/2016.

Sau đó, ông Hiệp được điều động về làm Trưởng ban kế hoạch và kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Cùng ngày, HĐQT công ty ra quyết định miễn nhiệm chức Tổng giám đốc đối với ông Trần Thế Hùng kể từ ngày 1/1/2018. Ông Hùng làm Tổng giám đốc công ty này từ tháng 5/2016.

Lý do ông Trần Thế Hùng xin thôi được lãnh đạo ngành đường sắt chia sẻ là do nguyện vọng muốn quay về công tác tại đơn vị cũ cũng là một đơn vị vận tải đường sắt.

Liên quan đến vụ cách chức ông Hiệp nói trên, vào thời điểm đó các tài liệu cho thấy, Chủ tịch Đường sắt Việt Nam lúc đó là ông Trần Ngọc Thành đã có bút phê cho phép thực hiện nhanh việc mua toa tàu nhưng ông Thành không nhận trách nhiệm.

Sau đó, bộ GTVT lập tổ kiểm tra và kết luận: Lãnh đạo ĐSVN làm sai chủ trương của Thủ tướng (trong việc phát triển ngành đường sắt); cung cấp thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác cho báo chí nên đề nghị xem xét kỷ luật, kiểm điểm nhiều trường hợp, trong đó đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng thành viên Đường sắt Việt Nam.

Tuy nhiên, liên tiếp trong 2 báo cáo gửi bộ GTVT trong tháng 3/2016, Chủ tịch Đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành cho rằng: Chủ tịch Hội đồng thành viên Đường sắt Việt Nam không vi phạm chủ trương, chính sách và quy định pháp luật liên quan về đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng nên không đề xuất hình thức xử lý kỷ luật.

Ông Thành cho rằng ông chỉ đồng ý chủ trương khảo sát, còn khảo sát xong có quyết định đầu tư mua các toa tàu đó không lại là chuyện khác.

Tháng 12/2016, ông Thành đột ngột nộp đơn xin nghỉ hưu dù chưa đến tuổi. Lý do ông Thành nghỉ hưu được lãnh đạo ngành đường sắt cho biết là vấn đề cá nhân, không liên quan đến công việc.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top