"Thay nóc" Trần Anh

Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm nhân sự, bổ sung ngành nghề kinh doanh, sửa đổi điều lệ công ty... Đây được cho là một trong những động thái cuối cùng nhằm khép lại thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu cho công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động.

Cụ thể, theo tài liệu, Trần Anh trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 đối với ông Trần Xuân Kiên, người đã gắn bó với "ghế nóng" này suốt 15 năm qua. Đồng thời, miễn nhiệm 7 thành viên HĐQT hiện tại gồm: bà Đỗ Thị Thu Hường, ông Okawa Yoshiteru, ông Noguchi Atshushi, ông Nghiêm Xuân Thắng, bà Đỗ Thị Kim Liên, ông Hoàng Anh Tuấn, ông Bùi Xuân Hùng. Ba thành viên Ban Kiểm soát hiện nay cũng sẽ được cổ đông xem xét bỏ phiếu miễn nhiệm trong đợt lấy phiếu lần này.

Xem chừng Trần Anh đã quyết định "dứt tình người cũ", thay hàng loạt nhân sự cao cấp. Đáng chú ý, doanh nghiệp điện máy này còn xin bầu ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT của Thế Giới Di Động đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của Trần Anh nhiệm kỳ 2017 - 2022.

HĐQT công ty này cũng trình cổ đông công ty thông qua cơ cấu tổ chức mới với 5 thành viên Hội đồng quản trị, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập cho nhiệm kỳ 2017-2022.

Những người mới lại chẳng phải người đâu xa, chính là 5 sếp của công ty Thế Giới Di Động. Trong đó, Trần Anh cũng dự kiến bổ nhiệm ông Võ Hà Trung Tín, Phó Tổng Giám đốc của Trần Anh (từ đầu tháng 10/2017), đại diện pháp luật nhiều chi nhánh của Thế giới Di động tại TP.HCM và từng nắm giữ chức vụ Giám đốc bán hàng của Điện máy Xanh lên giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trần Anh.

Về vấn đề "hoà tan" Trần Anh, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động từng chia sẻ trước đó, “99,9% đội ngũ quản lý không được giữ lại, nhưng giữ lại 99,9% đội ngũ nhân viên, dù số này cũng bị hao hụt sau đó vì văn hoá khác biệt”.

Ngay sau thông tin trên, trên thị trường lập tức xuất hiện đăng ký bán cổ phiếu của các nhân sự cũ đã bị Trần Anh "dứt tình". Cụ thể, 4 nhân sự cao cấp và 1 người liên quan của Trần Anh đã đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu sở hữu lên đến hơn 13,9 triệu cổ phiếu TAG. Dự kiến, giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ 21/1/2018 đến ngày 2/2/2018. Trước đó, vào thời điểm khi mới xuất hiện tin đồn M&A của Thế Giới Di Động hồi tháng 8/2017, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Trần Anh cũng đã đồng loạt thoái vốn. 

Bên cạnh vấn đề nóng về nhân sự, TAG cũng trình cổ đông thông qua việc bổ sung 18 ngành nghề kinh doanh, trong đó có 15 ngành nghề là thêm mới như quảng cáo; sản xuất linh kiện điện tử; cổng thông tin; lắp đặt hệ thống điện, hệ thống xây dựng; bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh; bán lẻ đồ điện gia dụng, giường tủ, bàn ghế ... 

"Cá bé" kinh doanh bết bát

Tài chính - Ngân hàng - Những chương cuối của đại gia điện máy Trần Anh

Trần Anh đang chứng kiến sự thay đổi hàng loạt 

Theo báo cáo tài chính mới nhất được soát xét, lỗ lũy kế 6 tháng (từ tháng 4/2017 – tháng 9/2017) của Trần Anh là hơn 11,7 tỷ đồng (con số trước soát xét là 4,8 tỷ đồng).

Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo công ty cho biết do thông tin thị trường liên quan tới việc mua bán sáp nhập Trần Anh đã làm ảnh hưởng tới tâm lý mua hàng của khách hàng. Doanh thu sụt giảm cũng là lý do dẫn đến việc lợi nhuận TAG bị giảm sút.

Tại ngày 30/9/2017, tổng giá trị tài sản của Trần Anh chỉ còn ở mức 824 tỷ đồng, giảm 30,5% sau 6 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do giảm hàng tồn kho, giảm tài sản ngắn hạn và các khoản phải thu ngắn hạn. Đáng chú ý, nợ phải trả của Trần Anh lên tới 555 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Hoạt động kinh doanh của Trần Anh đi xuống ngay trong bối cảnh công ty sắp bị thâu tóm. Để giải quyết được bài toán thị phần và tận dụng thị trường phía Bắc, Thế Giới Di Động có lẽ đã có sẵn những nước cờ để cải thiện những số liệu kém vui này.

Quy luật thị trường

Thương vụ M&A giữa Thế Giới Di Động và Trần Anh xem như đã đi đến hồi kết, khi mới đây, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng bộ Công Thương tuyên bố thương vụ này không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 18, luật Cạnh tranh.

Cụ thể, cơ quan này cho biết đã tiến hành thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế và khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường về việc Thế Giới Di Động dự kiến mua 100% cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của Trần Anh.

Cục xác định thương vụ này chính là hình thức mua lại doanh nghiệp, được quy định trong Luật cạnh tranh. Thị trường liên quan được xác định gồm thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm điện máy gia dụng trên toàn quốc và thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin trên toàn quốc.

Việc mua lại chuỗi Trần Anh của Thế Giới Di Động đã tác động tới cấu trúc thị trường trên, tuy nhiên, mức độ gia tăng sức mạnh không đáng kể do phía Thế Giới Di Động hiện là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin với hơn 30% thị phần.

Mặc dù không vi phạm luật Cạnh Tranh, đại diện Cục cũng cho biết sẽ giám sát hoạt động cạnh tranh của Thế Giới Di Động trên thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm điện máy gia dụng và thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của Thế Giới Di Động (nếu có) theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Chiếm lĩnh thị trường miền Bắc

Chuỗi điện máy Trần Anh hiện có 40 trung tâm trải rộng tại miền Bắc. Một nửa 9hệ thống này được Trần Anh đặt tại Hà Nội. Nhờ sự tập trung này, Trần Anh nắm thị phần dẫn đầu khu vực miền Bắc và khoảng 14% thị phần cả nước. Các trung tâm điện máy của đơn vị này đều có quy mô diện tích lớn theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Những năm gần đây, tuy Trần Anh vẫn tăng số lượng trung tâm từng năm nhưng thực tế hiệu quả hoạt động lại không cao, lợi nhuận hàng năm đều ở mức thấp, thậm chí lỗ lớn. Thâu tóm Trần Anh, Thế Giới Di Động có thể tận dụng lượng thông tin khách hàng của Trần Anh để phục vụ mục đích tiếp cận khách hàng tại Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top