Tại cuộc họp tổng kết năm 2017, lãnh đạo sở Văn hoá -Thể thao Hà Nội đã đề cập đến nhiều vấn đề "nóng".
Ông Tô Văn Động - Giám đốc sở VH-TT Hà Nội cho biết, sở VH-TT Hà Nội không đồng ý việc tổ chức Lễ hội chọi trâu Phúc Thọ. |
Cụ thể, một trong những câu chuyện “nóng” đó là việc cấp phép cho các lễ hội, ông Tô Văn Động - Giám đốc sở VH-TT Hà Nội cho biết: “Đây là vấn đề mà ngành VH-TT Hà Nội rất quan tâm. Về cơ bản những năm vừa qua, theo tinh thần chỉ đạo của bộ VH-TT&DL thì TP. Hà Nội đã rà soát tất cả các lễ hội truyền thống mà thời gian qua còn gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận.
Đặc biệt là những lễ hội cơ quan báo chí lên tiếng đều được xem xét lại để tổ chức thế nào cho phù hợp nhất. Hiện nay, ngành văn hóa cũng đã có kế hoạch để trình lên UBND TP để chính thức phê duyệt kế hoạch triển khai tổ chức lễ hội 2018.
Trước khi dịp lễ hội 2018 diễn ra, UBND thành phố sẽ có cuộc họp chỉ đạo những nội dung cần liên quan, cần khắc phục trong thời gian tới.”
Ngoài ra, liên quan đến các lễ hội cụ thể như lễ hội chọi trâu Phúc Thọ, ông Tô Văn Động cũng khẳng định: “Chưa thấy lễ hội này xin phép tổ chức, nhưng nếu xin ngành văn hóa cũng sẽ không ủng hộ”.
Hay như lễ hội Chùa Hương trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao quản lý và tổ chức. Trong đó sẽ tập trung giải quyết “vấn nạn” chèo kéo khách, hàng quán sẽ tiếp tục sắp xếp lại. Dịch vụ hàng quán từ chùa Thiên Trù lên động Hương Tích năm trước bị đánh giá như “ổ chuột”, năm nay sẽ bị dẹp bỏ và thay vào đó là một vài điểm nghỉ chân.
Phác thảo tác phẩm về nhà số 63 Phùng Hưng của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế. |
Khi được hỏi về câu chuyện phố bích họa kết hợp sắp đặt nghệ thuật Phùng Hưng gặp rất nhiều khó khăn vì hội đồng nghệ thuật do sở VH-TT thành lập đã yêu cầu các nghệ sĩ phải chỉnh sửa hoặc thay mới hoàn toàn tác phẩm, khiến các nghệ sĩ bức xúc, ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng nghệ thuật cho hay: "Trong số 19 tác phẩm ở phố Phùng Hưng, thành phố giao quận Hoàn Kiếm chủ trì và sở VH- TT chịu trách nhiệm về nội dung. Sở thành lập Hội đồng nghệ thuật gồm các thành viên có uy tín trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và kiến trúc.
Quan điểm của ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở trả lời trên báo chí là nói lại quan điểm của hội đồng. Hội đồng thống nhất 12 tác phẩm sửa và cho phép thực hiện, còn 5 tác phẩm các tác giả đang chỉnh sửa, một tác phẩm bị loại".
18 bức bích họa được vẽ từ vòm cầu số 56 đến 74 trên phố Phùng Hưng nằm trong dự án “Nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng” do UN-Habitat phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện. |
Bên cạnh đó, xung quanh câu chuyện về điểm trông giữ xe tại khu di tích Văn Miếu, theo ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc sở VH-TT Hà Nội cho biết: “Hà Nội chủ trương cấp phép tạm thời điểm trông giữ xe tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.
Vào đầu tháng 12/2017, khu gửi xe tại Văn Miếu Quốc Tử Giám bất ngờ bị đóng cửa khiến nhiều người bất ngờ và loay hoay tìm cách gửi xe bên ngoài. |
Theo ông Tiến trước đó sở VH,TT Hà Nội đã báo cáo việc này lên bộ VH-TT&DL và cục Di sản văn hóa. Sau đó, cục Di sản Văn hóa có văn bản khẳng định điểm trông giữ tạm tại khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám không nằm trong di tích gốc. Do đó, sở VH,TT đã có công văn gửi sở Giao thông Vận tải cho phép cấp phép điểm trông giữ xe tạm tại khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Lãnh đạo UBND Thành phố chuyển thông tin tới sở VH-TT Hà Nội, đồng ý về chủ trương cấp phép điểm trông giữ xe tạm trong khi chờ lập quy hoạch tổng thể điểm di tích trên. Hiện đang chờ thủ tục từ phía sở Giao thông vận tải Hà Nội.
Post a Comment