Tiêu dùng & Dư luận - Sắp hết thời gian thí điểm, số phận Uber, Grab ra sao?

Ảnh minh họa.

Hiện các cơ quan chức năng đang có những đánh giá tổng kết về hoạt động thí điểm này. Còn về phía các tài xế là đối tác của Uber, Grab cũng đang rất mong chờ một câu trả lời.

Nỗi lòng người trong cuộc

Không phải là một tài xế chuyên nghiệp nhưng suốt 2 năm qua, việc tham gia và trở thành đối tác của Uber đã giúp anh Kiên cải thiện thêm thu nhập cho gia đình. Không những vậy anh còn tránh được kha khá những cuộc nhậu do bạn bè mời gọi. Mặc dù chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi sau khi kết thúc công việc hành chính nhưng anh mong muốn được biết sau khi hết thí điểm có tiếp tục được làm nữa không.

Anh Kiên chia sẻ, sau khi thấy những khẩu hiệu phản đối của một số hãng taxi, anh cũng cảm thấy có chút buồn lòng vì thực tế các tài xế Uber đều phải tham gia đóng thuế. Vì muốn được chấp nhận làm lái xe của Uber, họ phải tham gia vào liên minh hợp tác xã và anh cũng phải đóng tiền phí để vào tổ chức này. Gần đây, Uber và Grab cũng đã có chính sách thu hộ 5,5%/tổng thu nhập từ tài xế cho cơ quan thuế.

“Điều này nghĩa là chúng tôi phải đóng thuế nhưng khi ra đường đọc được những khẩu hiệu của một số hãng taxi nói Uber không đóng thuế, gây thất thu ngân sách khiến anh em rất buồn lòng. Việc không đóng thuế chắc chắn không phải do tài xế nên bản thân chúng tôi muốn biết việc không đóng thuế là do dâu, Uber, Grab hay do chính sách” – anh Kiên nói.

Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội - ông Bùi Sĩ Quyền cũng nhận định, vấn đề bức xúc nhất hiện nay của các tài xế Uber, Grab mà Hiệp hội nhận được phản ánh cũng chính là vấn đề mà anh Kiên đề cập tới. Để tham gia vào hợp tác xã và được cấp phù hiệu, mỗi tài xế đã phải đóng 1,5 triệu tiền phí và mỗi cuốc tài xế cũng bị trừ từ 20 -25%. Ông Quyền giả thuyết, mỗi ngày tài xế chạy được 20 cuốc được khoảng 5 triệu đồng thì đã  được khấu trừ ngay 1 triệu trên tài khoản và tài khoản của lái xe luôn luôn phải có 1,5 triệu để trung tâm sẽ trừ mỗi cuốc 20 – 25%.

Từ dẫn chứng trên, ông Quyền cho rằng, việc các tài xế đã đóng thuế nhưng Uber và Grab đóng thuế  như thế nào vẫn là một dấu hỏi và điều này cơ quan quản lý thuế cần phải có phương án tính thuế cụ thể để quản lý.

Dù không biết sau khi kết thúc thời gian thí điểm, cơ quan chức năng sẽ có quyết định thế nào nhưng anh Tuấn - một tài xế Uber đánh giá, sau gần 2 năm tham gia, công việc của anh cũng không bị nhiều áp lực về thời gian, không bị o ép phải làm thế nọ thế kia. Anh vẫn có thể đưa con đi học hoặc đón con về, không những vậy anh còn có thể thu xếp đưa vợ con đi du lịch hay đi chơi. Khi nào có thời gian anh lại mở app để chạy xe và thu nhập cũng khá ổn định.

Anh chia sẻ, từ taxi truyền thống sang Uber anh thấy cả khách hàng và lái xe đều chủ động hơn về thời gian, khách đặt cuốc sẽ có ngay tài xế nhận và chỉ sau ít phút đã có mặt để đón khách. Còn khi đi taxi, khách gọi đặt tổng đài nhưng có tổng đài báo lại cho khách, có tổng đài lại không, có khách phải chờ 15 – 30 phút rất mất thời gian. Không chỉ vậy lái taxi còn phải tranh giành khách hoặc có lúc bất chấp nguy hiểm tăng ga hoặc lùi lại để đón khách... Anh Tuấn cũng cho biết, mặc dù có một số lợi thế hơn taxi truyền thống nhưng làm tài xế Uber cũng có những khó khăn khi tiếp cận với các khách hàng tại các sân bay và bến xe.

Rủi ro cho cả hai

Trao đổi về vấn đề thuế liên quan đến hoạt động của taxi công nghệ, ông Nguyễn Chiến Thắng - đại diện Tổng cục Thuế (bộ Tài chính) nhìn nhận, có một số rủi ro mang tính tiềm ẩn và cần phải đưa ra những quyết sách để giải quyết. Theo ông Thắng, rủi ro đầu tiên chính là sự cạnh tranh không công bằng giữa taxi truyền thống và Uber, Grab. Điển hình như taxi công nghệ luôn được đi vào những cung đường cấm taxi và chạy trên tất cả các tuyến đường ở các khung giờ. Nhưng cũng có điểm bất lợi đó là taxi truyền thống được đón trả khách tại sân bay hay tại các bến xe.

Bài toán này, theo ông Thắng cơ quan Nhà nước phải tìm ra lời giải để cả taxi truyền thống lẫn Uber, Grab đều được ứng xử như nhau. Bên cạnh đó, Uber, Grab sử dụng xe nhàn rỗi. Không ít ý kiến cho rằng, tại sao không dán phù hiệu hay nhận diện giống taxi truyền thống? Bởi bản chất đó là các xe nhàn rỗi. Vậy vấn đề cần bàn là khi tài xế không chạy Uber nữa có được sử dụng xe đó nữa không, lúc họ đưa con đến trường hay đưa gia đình đi chơi, giải trí thì sao? Điều này cũng cần phải tính toán kỹ.

Đáng chú ý, ông Thắng cũng đưa ra một rủi ro mà cả khách hàng lẫn tài xế Uber, Grab đều có thể gặp phải. Đó chính là hợp đồng cam kết đang theo hợp đồng nguyên tắc gốc, có hai vấn đề phát sinh mà Uber và các đối tác chưa nhận ra. Ông Thắng phân tích, với nghĩa vụ thuế những hợp đồng này thường chung chung là các lái xe ở Việt Nam phải chịu những khoản thuế nội địa ở trong nước, nhưng quan trọng là ai sẽ đứng ra giải thích cho tài xế các khoản thuế như thế này. Đây là khó khăn cho lái xe vì đùng một cái là bị thu tiền, bị khấu trừ gây ra sự bức xúc cho tài xế.

Thêm vào đó, trường hợp nảy sinh tranh chấp sẽ giải quyết ra sao. Ông viện dẫn, trong hợp đồng việc xử lý tranh chấp tại Hà Lan vì Uber của Hà Lan và các đối tác của Việt Nam được liên kết với nhau nên các vấn đề tranh chấp phải xử lý tại Hà Lan. Đương nhiên như vậy các tài xế và cả khách hàng sẽ thiệt thòi. “Nên chăng cơ quan Nhà nước xây dựng hợp đồng nguyên tắc mẫu để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng Việt Nam cũng như cho tài xế và cả cơ quan quản lý Nhà nước” – ông Thắng đặt vấn đề.

Đại diện cơ quan Thuế cũng cho biết, tại dự thảo sửa đổi luật thuế, trong thương mại điện tử có nên thông qua một cổng thanh toán quốc gia, qua đó đối soát, kiểm tra tổng giao dịch của Uber, Grab và các giao dịch từ phía lái xe hay khách hàng. “Đây là giải pháp đang kiến nghị sửa luật thuế sắp tới cho các loại hình kinh doanh thương mại điện tử nói chung hay liên quan đến hình thức kinh doanh vận tải sử dụng công nghệ nói riêng”.

Uber, Grab khuyến mại liên tục là bất bình thường

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, sau 2 năm thí điểm hoạt động này, ông Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng trường đại học trực tuyến FUNiX cho rằng: Người dân đi Uber, Grab nhiều là vì khuyến mại. Khuyến mại liên tục, lên tới 40-50% rồi miễn cước phí trong khoảng cách nhất định. Ông Nam khẳng định, nếu không khuyến mãi cũng chẳng rẻ hơn taxi truyền thống. Cứ khuyến mãi thì người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, ông Nam đánh giá đây là sự bất bình thường của thị trường vì “không ai lại cho khuyến mãi thoải mái như vậy được, bánh xà phòng cũng không được khuyến mãi như vậy. Làm gì có chuyện khuyến mãi vô tổ chức như vậy?”, ông Nguyễn Thành Nam nói. Ông Nam cũng nhấn mạnh đây là cuộc cạnh tranh rất không sòng phẳng giữa một bên là doanh nghiệp nhiều tiền (Uber, Grab) và một bên là doanh nghiệp ít tiền (taxi truyền thống). Đây là thách thức lớn cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top