Trong lúc các doanh nghiệp đang “khóc dở” bởi quá khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất cao… thì các ngân hàng quốc doanh vẫn tiếp tục mạnh tay cho vay, thu xếp vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng cho các dự án ngành điện lớn của EVN.
Được "rót" trăm ngàn tỷ, EVN bị điểm mặt “đầu tư kém hiệu quả”. |
EVN được ưu ái đến cỡ nào?
Tại kỳ họp báo cáo kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm, Chính phủ đề nghị các cơ quan, ban ngành, đơn vị kinh tế rà soát lại tình hình hoạt động, kinh doanh và thực hiện nghiêm việc tiết kiệm, đầu tư có hiệu quả, tránh gây thất thoát vốn của Nhà nước.
Tuy nhiên, các ngân hàng quốc doanh vẫn tiếp tục mạnh tay cho vay, thu xếp vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng cho các dự án ngành điện lớn của EVN. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang “khóc dở” bởi quá khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất cao…
Được tập đoàn EVN đứng ra bảo lãnh và cam kết trả nợ vay đúng hạn, cuối tháng 7/2015, bốn ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đã cùng ký một hợp đồng tín dụng 5.500 tỷ đồng tài trợ vốn cho dự án cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải (tại tỉnh Trà Vinh) của Tổng công ty Phát điện 1 (EVN Genco 1 thuộc EVN).
Được biết, dự án cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng mức đầu tư là 10.795 tỷ đồng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến năm 2013, bốn ngân hàng này đã cam kết tài trợ tới 17.500 tỷ đồng cho dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Tại dự án thủy điện Lai Châu, NHNN đã chỉ đạo Vietcombank là đầu mối thu xếp đủ 14.500 tỷ đồng. Nếu tính cả 6.000 tỷ đồng vốn ủy thác thông qua VietinBank, tổng số vốn tài trợ là 20.500 tỷ đồng. Riêng hai dự án này, các ngân hàng đã cam kết tài trợ 38.000 tỷ đồng, chưa kể sự hỗ trợ nguồn ngoại tệ, cơ chế ưu đãi, lãi suất thấp…
Vụ Tín dụng thuộc NHNN công bố, tính đến 30/9/2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN là 144.000 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ lớn nhất dành cho một tập đoàn nhà nước, với sự hợp vốn cho vay của nhiều ngân hàng.
EVN được áp dụng cơ chế tín dụng riêng?!
EVN là một trường hợp khá đặc biệt. Mỗi khi “khát vốn”, EVN được các ngân hàng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tập đoàn này và các đơn vị thành viên áp dụng cơ chế tín dụng riêng đối với từng dự án, như hạn mức vay, thời hạn vay, lãi suất, phương án trả nợ, vay vốn không bị giới hạn bởi tỷ lệ 15% vốn tự có ngân hàng đối với một khách hàng và 25% vốn tự có đối với nhóm khách hàng…
Tính đến cuối năm 2015, Vietcombank đã “rót” 27.270 tỷ đồng cho vay sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước, tăng hơn 3.636 tỷ đồng so với năm 2014. Số nợ này bằng hơn 60% vốn tự có của Vietcombank ở cùng thời điểm. Tương tự với BIDV, lượng vốn cho vay lĩnh vực điện, khí đốt và nước của BIDV lên tới 38.148 tỷ đồng, tăng thêm 4.900 tỷ đồng so với năm 2014, bằng tới 90% nguồn vốn chủ sở hữu của BIDV.
Mặc dù quy mô tín dụng cho ngành điện khí rất lớn, vượt giới hạn quy định cấp tín dụng thông thường, nhưng trong các báo cáo tài chính của BIDV, Vietcombank, VietinBank lại không phản ứng mức độ rủi ro của việc cho vay này. Không rõ các ngân hàng đã phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và có bao nhiêu nợ xấu từ nhóm khách hàng EVN? Đồng thời, lãnh đạo NHNN cũng từng thừa nhận hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng.
Theo báo cáo của NHNN, nhu cầu vốn đầu tư của ngành điện trong giai đoạn 2011-2020 là rất lớn, khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD. Bình quân mỗi năm sẽ cần khoảng 4,9 tỷ USD vốn đầu tư. Tuy nhiên, năng lực tài chính của EVN và các doanh nghiệp thành viên chỉ thu xếp được 20-30% tổng mức đầu tư, còn lại chủ yếu là nguồn vốn vay ODA và ngân hàng. Do đó, việc đánh giá, thẩm định và đưa ra cảnh báo rủi ro nợ xấu sớm là nhiệm vụ thực sự cần thiết.
Có tiền mà làm ăn kém hiệu quả
Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố kiến nghị về xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân của EVN liên quan đến các sai sót trong việc quản lý tài chính, hạch toán kế toán báo cáo tài chính, chấp hành các quy định về quản lý vốn, tài sản và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Đồng thời, EVN phải thực hiện các quy định về thẩm định, ký kết hợp đồng mua bán điện và việc tuân thủ các quy định về hợp đồng bán điện và thực hiện thị trường điện.
Theo nội dung của công văn, KTNN kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực kiểm tra, rà soát việc cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các nhà máy thủy điện; chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực làm rõ và hướng dẫn EVN xử lý, điều chỉnh những tồn tại, vướng mắc khi thực hiện quy định trong thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán điện, áp dụng khung giá điện liên quan đến tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn, chênh lệch tỷ giá và các bất cập khác có liên quan.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tính toán phương án giá điện nhằm đảm bảo giá điện hướng đến giá thị trường, có lộ trình bù đắp các chi phí liên quan đến sản xuất kinh doanh như: Lỗ sản xuất kinh doanh điện, lỗ chênh lệch tỷ giá và các chi phí khác trong đó tính toán cụ thể phương án giá điện có phân bổ chi phí khấu hao tài sản cố định tăng thêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đức Mỹ
Post a Comment