Mọi chuyện thậm chí trở nên rắc rối hơn khi các cơ quan chức năng của Mỹ vào cuộc. Chính quyền Washington thường phản đối việc các tập đoàn quốc tế trốn thuế khi đặt nơi đăng ký đóng thuế tại các thiên đường thuế thay vì Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ lại có quan điểm bảo vệ Apple đối với phán quyết mới đây của EC.
Liên minh Châu Âu (EU) nổi điên
Theo EC, Apple có trụ sở tại California - Mỹ nhưng mở 2 chi nhánh tại Ireland là Apple Sales Internaltional và Apple Operations Europe.
Cuộc điều tra của EC cho thấy 2 chi nhánh này không có nhân viên hay văn phòng cụ thể nhưng doanh thu hàng năm lại vô cùng lớn.
Do Ireland có quy định khá thông thoáng về thuế nên Apple không phải trả khoản thuế quá lớn cho nước này hay bất kỳ quốc gia nào dù doanh thu cực khủng. Năm 2015, Apple Sales International chỉ trả 0,005% tiền thuế cho Ireland, theo đúng quy định của bộ luật mới về thuế có hiệu lực từ đầu năm.
Theo đó, EC cho rằng Ireland đã không công bằng khi đối xử đặc biệt với các tập đoàn lớn như Apple khi doanh thu của hãng này được đóng góp khá nhiều từ thị trường Châu Âu. Ví dụ doanh thu bán hàng tại Pháp của Apple được chuyển lại cho chi nhánh ở Ireland và công ty không trả thuế cho Pháp cũng như chỉ phải trả khoản thuế rất thấp tại Ireland.
Một điều thú vị là EC không có thẩm quyền về thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh tại Châu Âu mà chỉ có chức năng duy trì sự công bằng giữa các nước thành viên EU. Nói cách khác, họ không thể ép Ireland thu khoản thuế 14,5 tỷ USD nếu nước này không muốn.
Doanh thu của các chi nhánh Apple tại Châu Âu được chuyển về Ireland nhưng phần lớn khoản thu này được chuyển tiếp đến một chi nhánh ma trên giấy tờ. Nhờ đó, Apple chỉ phải trả 0,005% thuế trên một phần doanh thu rất nhỏ. Số tiền lãi thực tế được Apple đầu tư và nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D). |
Chính xác hơn, câu chuyện 14,5 tỷ USD trên không phải vấn đề giữa Apple và EU mà là vấn đề giữa Ireland và các nước thành viên trong khối.
Trên thực tế, các nhà lãnh đạo EU cho phép các nước thành viên của mình áp dụng những mức thuế khác nhau với doanh nghiệp. Đây là lý do tại sao thuế doanh nghiệp của Ireland là 12,5% trong khi tại Pháp là 33,3%.
Do các thành viên muốn duy trì quyền tự chủ về chính sách tài chính nên EC không thể ép buộc các quốc gia này thống nhất thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thu thuế nếu chính phủ các nước không đồng ý. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Anh rạn nứt với EU và bỏ phiếu rời liên minh này.
Trước đây, việc Apple hay các công ty lớn được ưu đãi về thuế không có gì mới lạ với EC hay các nhà lãnh đạo EU. Tuy nhiên, việc Ireland thực hiện những quy định mới về thuế và cho phép các tập đoàn lớn như Apple được hưởng ưu đãi 0,005% thuế thay vì mức thông thường 12,5% trước đây đã làm EC “nổi điên”.
Không những thế, Apple chỉ phải đóng thuế dựa trên một phần doanh thu của Apple Sales International tại Ireland, trong khi số tiền còn lại được chuyển đến chi nhánh “ma” ở nơi khác trên giấy tờ và được miễn thuế.
Tập đoàn Apple không phải công ty đầu tiên hứng chịu sự chỉ trích từ EC. Trước đó, hãng Starbucks tại Hà Lan và Fiat tại Luxembourg cũng đã phải chịu sự điều tra và buộc tội từ EC.
Ireland không muốn thu, Apple không muốn trả
Apple là một trong những tập đoàn công nghệ lớn đầu tiên đến Ireland vào thập niên 80 khi nước này gặp khó khăn về kinh tế.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Ireland khi đó khá cao và rất nhiều lao động của quốc gia này đã phải rời đi nơi khác để tìm việc làm.
Vì vậy, chính phủ Ireland không còn cách nào khác là thực hiện chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới và Apple, doanh nghiệp có mặt sớm tại Ireland đã được hưởng lợi lớn.
Hiện Ireland từ chối thu thêm thuế theo đề nghị từ phía EC và Bộ trưởng Tài chính Micheal Noonan cho biết họ không có ưu đãi đặc biệt nào với các công ty lớn như Apple và dù hãng có giấu doanh thu ở nơi nào khác nữa thì cũng không thuộc thẩm quyền của Ireland.
Thậm chí, ông Noonan cáo buộc EC đang can thiệp vào chính sách tài chính của những nước thành viên có chủ quyền.
Bộ trưởng Tài chính Micheal Noonan. |
Trong khi đó, CEO Apple, ông Tim Cook cũng phản pháo lại EC với một bức thư nhận định phán quyết mới đây đi ngược lại lịch sử hoạt động của hãng tại Châu Âu cũng như bỏ qua quy định về thuế của Ireland và phá hoại quy tắc thu thuế doanh nghiệp trên thế giới.
Đặc biệt hơn, ông Cook đã có quan điểm khá mới khi hướng vụ tranh luận vào vai trò của EC khi truy tra khoản thuế của Apple. Theo đó, CEO Cook cho rằng doanh thu của một công ty chỉ nên chịu đánh thuế tại các nước mà hãng kinh doanh thu lợi nhuận.
Nói cách khác, nếu Apple có doanh thu ở Pháp nhưng lại thu thuế ở Ireland thì việc truy tra thuế và đòi hỏi thu thêm phải phụ thuộc vào Pháp chứ không phải thẩm quyền của EC.
Hiện cả Ireland và Apple đều khẳng định vị thế quan trọng của tập đoàn công nghệ ở quốc gia này khi có tới 6.000 lao động được Apple thuê tại đây.
Một điều thú vị là việc EC đề nghị Ireland thu thuế 14,5 tỷ USD phần lớn được hoàn trả vào ngân sách của nước này và có thể được dùng để thanh toán khoản nợ công 103% GDP.
Dẫu vậy, Ireland không mấy quan tâm đến điều này bởi việc thu thuế Apple sẽ ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư cũng như các doanh nghiệp lớn. Nguy hiểm hơn, việc đồng ý với đề nghị của EC sẽ khiến vị thế cũng như danh dự của Ireland bị tổn hại nghiêm trọng.
Mỹ bao che cho “gà nhà”
Bên cạnh những tranh cãi về thuế giữa EC, Ireland và Apple, việc Mỹ ủng hộ Apple là một điều bất ngờ trong câu chuyện trên.
Thông thường, Bộ Tài chính Mỹ cực lực phản đối chuyện các tập đoàn lớn của nước này chuyển doanh thu đến các thiên đường thuế để tránh mức thuế quá cao tại quê nhà.
Tuy nhiên, chính quyền Washington mới đây đã lên tiếng phản đối quyết định của EC về Apple cũng như những cuộc điều tra sắp tới với các công ty Mỹ như Amazon.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew. |
Nguyên nhân đầu tiên là chính phủ Mỹ muốn bảo vệ các công ty nước này khỏi sự cạnh tranh từ Châu Âu, dù câu chuyện là trốn hay không trốn thuế.
Tiếp đó, Mỹ hy vọng một ngày nào đó các tập đoàn lớn sẽ trả thuế trở lại cho quê nhà. Nói cách khác, dù Mỹ muốn Apple trả đúng tiền thuế trên doanh thu thì số tiền đó phải được trả cho Mỹ chứ không phải Ireland hay EU.
Rõ ràng, phán quyết của EC nếu được thực hiện sẽ làm xói mòn khoản tiền thuế mà Apple có khả năng trả cho Mỹ trong tương lai.
Theo Sách Trắng (White Paper) của Bộ Tài chính Mỹ, việc EU truy thu thuế với các doanh nghiệp Mỹ sẽ khiến “chính phủ Mỹ và người dân đóng thuế chịu thiệt hại khi doanh thu được thuyên chuyển sang Châu Âu”.
Theo CafeBiz / Trí thức trẻ
* Tiêu đề bài viết đã được thay đổi
Post a Comment