Bỏ mảng bảo hiểm nhân thọ
Ngày 29/8, Công ty Sun Life Assurance Canada (Sun Life Canada), thuộc Tập đoàn Tài chính Sun Life và Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI) chính thức thông báo cả hai đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng phần vốn còn lại của PVI trong liên doanh PVI Sun Life.
Theo thông cáo, Sun Life Canada sẽ nâng tỉ lệ sở hữu trong PVI Sun Life từ 75% lên 100%. Trước đó, cuối năm ngoái, công ty Canada cũng đã mua lại 26% cổ phần của PVI Sun Life từ tay PVI.
Như vậy, sau hơn 3 năm tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ, PVI đã chấp nhận từ bỏ mảng kinh doanh này, nhường "sân chơi" cho các đối thủ khác, mặc dù đây đã từng là lĩnh vực mà những người đứng đầu PVI đặt không ít kỳ vọng.
Công ty Cổ phần PVI, tiền thân là Tổng công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), được thành lập từ năm 1996 với tư cách là thành viên của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PVN).
Năm 2011, PVI thực hiện tái cấu trúc toàn diện, chuyển đổi sang mô hình mẹ - con với hạt nhân là Công ty CP PVI (PVI Holdings), hoạt động chính là nắm giữ tài sản và dịch vụ tài chính. Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ trước đó được chuyển sang cho công ty con – Tổng công ty CP Bảo hiểm PVI. Ngoài ra, PVI cũng chính thức bước chân vào lĩnh vực tái bảo hiểm với việc thành lập Tổng công ty CP Tái bảo hiểm PVI (PVIRe).
Đầu năm 2013, PVI chi 561 tỷ đồng liên doanh với đối tác Sun Life Canada (kể trên), lập ra Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life (Vốn điều lệ 1.100 tỷ, PVI góp 51%), không giấu ý định chen chân vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, vốn đang bị thống trị bởi Bảo Việt và Prudential (cùng nhau nắm gần một nửa thị phần bảo hiểm nhân thọ trong nước vào thời điểm đó), biến PVI trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam kinh doanh cả 3 nghiệp vụ bảo hiểm: Nhân thọ, phi nhân thọ và tái bảo hiểm.
Ngay trong năm đầu tiên hoạt động (2013), PVI Sun Life đã vươn lên trở thành một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu, với phí bảo hiểm gốc vượt 1.000 tỷ đồng, cùng khoản lợi nhuận sau thuế 36,5 tỷ đồng.
Những tưởng đây sẽ là bước đệm vững chắc để PVI Sun Life tiếp tục vượt lên trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, thị trường trở nên khó khăn và sự cạnh tranh khốc liệt tới từ các đối thủ sừng sỏ những năm sau đó đã giáng một đòn đau vào tham vọng của công ty này. PVI Sun Life năm tài chính 2014 ghi nhận mức lỗ ròng 118,4 tỷ đồng cùng doanh thu phí bảo hiểm gốc chưa được 1/3 năm 2013 (276 tỷ so với 1.025 tỷ đồng).
Năm 2015, tình hình có đôi chút cải thiện cho liên doanh Việt – Canada khi doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng mạnh lên 836,4 tỷ đồng. Tuy nhiên các khoản dự phòng chi trả cũng "bật" theo khiến PVI Sun Life tiếp tục chứng kiến thêm một năm kinh doanh ảm đạm, với lỗ thuần 78,5 tỷ đồng, "ăn mòn" vốn điều lệ (Vốn chủ sở hữu ngày 31/12/2015 chỉ đạt 1.040 tỷ đồng trên vốn điều lệ 1.200 tỷ).
Lỗ nặng trong 2 năm 2014, 2015 "ăn mòn" vốn điều lệ của PVI Sun Life. Nguồn: BCTC kiểm toán 2015 của PVI Sun Life. |
Mặc dù Đại hội đồng cổ đông đầu năm không có chủ trương, song dường như đã hết chịu nổi "nhiệt", lãnh đạo PVI bắt đầu tính tới phương án rút vốn khỏi PVI Sun Life. HĐQT Công ty ngày 12/11/2015 có Quyết định số 307, thông qua chủ trương thoái 26% vốn sở hữu trong PVI Sun Life cho Sun Life Canada.
Ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận giao dịch trên, đồng thời cho phép PVI Sun Life tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ lên 1.200 tỷ đồng. Trên BCTC 2015 kiểm toán của PVI, PVI Sun Life trở thành công ty liên kết, với 25% vốn góp từ đại diện Việt Nam.
Tăng vốn lên thêm 100 tỷ đồng khiến PVI vẫn phải duy trì 300 tỷ đồng góp vào PVI Sun Life, đi kèm với khoản dự phòng mất vốn tới hơn 40 tỷ đồng cho khoản đầu tư trên.
Như đã biết, PVI và Sun Life đã đạt được thỏa thuận về việc chuyển nhượng 25% phần vốn của PVI còn lại trong PVI Sun Life cho đối tác Canada.
Động thái có phần gấp gáp trên cũng không có trong Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên Công ty hồi tháng Tư; cùng với nhiều khoản đầu tư thiếu hiệu quả khác, cho thấy ban lãnh đạo PVI dường như không có được tầm nhìn chính xác và quyết đoán trong dài hạn.
Nhiều khoản đầu tư thiếu hiệu quả
BCTC PVI soát xét bán niên 2016 ghi nhận khoản chứng khoán kinh doanh 110 tỷ đồng, tuy nhiên đã phải trích lập dự phòng phần lớn (85 tỷ đồng), trong đó có một số cổ phiếu thuộc diện "bán không ai mua" như PVR của Công ty CP Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam, PV2 của Công ty CP Đầu tư PV2 hay PVP của Công ty CP Dịch vụ vận tải Dầu khí Thái Bình Dương…
Phần lớn lợi nhuận của PVI tới từ 2 công ty con TCty Bảo hiểm PVI và TCty Tái Bảo hiểm PVIRe cùng lãi tiền gửi ngân hàng. Còn các khoản đầu tư tài chính khác của PVI cũng tỏ ra không mấy hiệu quả.
Phải trích lập phần lớn khoản đầu tư, PV2 là minh chứng cho tình trạng đầu tư tài chính thiếu hiệu quả của PVI. Nguồn: BCTC mẹ PVI kiểm toán 2015 |
Ngoài lãi thuần vỏn vẹn 152,8 triệu đồng năm 2015 trên tổng số 333 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết, PVI đã lỗ liên tục trong 3 năm trước đó mặc dù đổ vào lĩnh vực này không ít tiền (Năm 2012 đầu tư 410 tỷ, lỗ 6,3 tỷ; năm 2013 đầu tư 199 tỷ, lỗ 41,7 tỷ; năm 2014 đầu tư 73 tỷ, lỗ 8,4 tỷ).
Không chỉ kém hiệu quả trong kinh doanh chứng khoán và đầu tư góp vốn, mua cổ phần, PVI còn không ít lần phải "ngậm đắng" trong lĩnh vực bất động sản. Sau lùm xùm hợp tác phát triển bất động sản trị giá 450 tỷ với Tập đoàn Thiên Thanh của nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng Phạm Công Danh, BCTC PVI còn cho thấy công ty này đang bị "ngâm" vốn ở dự án BĐS Costa Nha Trang.
Cụ thể, PVI năm 2014 đã nhận chuyển nhượng 105 căn hộ tại dự án Costa Nha Trang từ Công ty Cổ phần TD và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà Việt, với tổng giá trị lên tới 419 tỷ đồng.
Tuy nhiên Chủ đầu tư công trình trên là Công ty CP TD hiện đang bị Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) kiện ra tòa vì vi phạm nghĩa vụ trả nợ đối với Vietcombank (VAMC mua lại khoản nợ xấu trên từ Vietcombank).
419 tỷ đồng của PVI tại dự án Costa Nha Trang vẫn bị "ngâm" từ năm 2014 đến nay. Nguồn: BCTC mẹ PVI soát xét nửa đầu năm 2016 |
Tranh chấp pháp lý khiến hàng trăm hộ dân đã chuyển vào ở 2 năm nay vẫn chưa được cấp giấy tờ nhà. VAMC đã yêu cầu tòa tuyên bố vô hiệu đối với hợp đồng mua bán căn hộ giữa Công ty TD và các đối tác, trong đó có PVI.
Điều này khiến PVI rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Kiện tụng kéo dài nhiều năm khiến cả trăm căn hộ cao cấp không có người mua. Trong khi đó, nếu tòa án tuyên bố vô hiệu hóa thỏa thuận hợp tác giữa PVI với công ty TD, thì nhiều khả năng khoản đầu tư hơn 400 tỷ trên sẽ lại biến thành nợ xấu, bởi Công ty TD đã không có tiền trả VAMC thì cũng rất khó "xoay" được tiền trả lại PVI.
Đây thực sự là nguy cơ đối với các cổ đông của PVI, khi biết rằng tổng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn (nợ xấu) tính tới 30/6/2016 trên BCTC bán niên hợp nhất soát xét của PVI đã lên tới 765,6 tỷ đồng, cùng khoản dự phòng 539 tỷ đồng, chiếm ngót nghét 5% tổng tài sản của toàn công ty.
Ngoại trừ việc bán 26% vốn góp trong PVI Sun Life khiến LNST và ROA năm 2015 của PVI tăng mạnh, 2 chỉ số này có xu hướng giảm nhanh trong 6 năm qua. |
Cách thức đầu tư kém hiệu quả của PVI khiến mặc dù tổng tài sản hợp nhất tăng gấp đôi so với thời điểm tái cơ cấu (từ 8.195 tỷ cuối năm 2011 lên 16.857 tỷ đồng hết quý II/2016), tuy nhiên lợi nhuận lại có xu hướng giảm dần. Tỉ suất lợi nhuận thuần trên tổng tài sản (ROA) 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,8%, so với 4,2% năm 2011.
Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2016 ở mức 144 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn cả lợi nhuận hợp nhất (140 tỷ đồng), bằng 1/5 mục tiêu năm nay của ĐHĐCĐ PVI.
Trong lúc này, mặc dù ban lãnh đạo PVI đã có những giải pháp nhất định (thoái vốn khỏi những công ty kém hiệu quả, thành lập quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ để cơ cấu lại danh mục đầu tư), tuy nhiên cổ đông của PVI, hơn lúc nào hết, cần một hướng đi rõ ràng, quyết liệt, và quan trọng nhất là phải có tầm nhìn dài hạn từ Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn cùng các cộng sự.
Nghi Điền / ANTT
Post a Comment