Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương cho phép bổ sung quy hoạch hai cầu mới tại TP.HCM. Cụ thể là cầu thay thế bến phà Cát Lái (nối quận 2 TP. HCM và huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và cầu thay thế bến phà Bình Khánh (nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè).
Cầu Cát Lái có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4 km, thiết kế là loại cầu dây văng có tĩnh không 55 m, tối thiểu 4 làn xe |
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) rà soát, bổ sung 2 dự án này vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Trước đó, lãnh đạo UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái và cầu nối Cần Giờ thay thế 2 phà hoạt động suốt thời gian qua.
Theo đề xuất, cầu Cát Lái có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4 km (riêng cầu khoảng 3,4 km), thiết kế là loại cầu dây văng có tĩnh không 55 m, tối thiểu 4 làn xe. Điểm đầu dự án kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2, TP. HCM) và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2 km thuộc xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
Dự án có tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư). Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỷ đồng.
Việc sớm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh công trình cầu thay phà Cát Lái sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng, theo tác động tương hỗ với sự phát triển kinh tế xã hội tại khu vực. Kèm theo đó, sẽ giảm ùn tắc giao thông (tạo sự thông thoáng cho luồng xe container ra vào cảng Cát Lái), rút ngắn thời gian đi lại, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông của khu vực nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phà Cát Lái nối quận 2 (TP. HCM) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) được nhiều người lựa chọn để đi từ TP. HCM về Vũng Tàu, Đồng Nai, bởi đường rút ngắn so với đi Quốc lộ 51 hơn 10 km. Mỗi ngày có hơn 45.000 phương tiện và hành khách qua lại nút giao thông này. Cao điểm, vào các dịp lễ, Tết số phương tiện qua phà lên đến 80-90.000 lượt, khiến dòng xe phải xếp hàng dài chờ qua phà.
Đối với cầu Cần Giờ, lãnh đạo TP.HCM cho rằng, nếu hoàn thành dự án cầu Cần Giờ, sẽ rút ngắn cự ly và thời gian đi từ trung tâm thành phố đến huyện Cần Giờ. Đồng thời, cầu sẽ góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế của huyện Cần Giờ và dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Cầu có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.300 tỷ đồng, chiều dài dài 3,4 km với 4 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55 m.
Đức Mỹ
Post a Comment