Quảng Ninh: Nặng gánh ‘di sản’ 3.000 tỷ của Phạm Thanh Bình - Ảnh 1

Khối sắt thép gần 3.000 tỷ đồng của Vinashin hoang vắng một góc KCN Cái Lân.

Đặt vấn đề làm việc với nhiều cấp, ban ngành tỉnh Quảng Ninh về nhà máy thép của Vinashin ở KCN Cái Lân, ai cũng tỏ vẻ ái ngại. Một cán bộ UBND tỉnh cho hay: “Trước giờ đã nhiều cơ quan báo chí về làm việc rồi. Bây giờ đề cập tới họ không muốn trả lời đâu. Thực ra đây là nỗi đau chung của cả tỉnh Quảng Ninh, các cậu hỏi ai cũng lắc đầu cả thôi”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Việt Phương, phó Trưởng phòng Văn xã, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng không giấu được vẻ xót xa, cho biết lãnh đạo địa phương hiện đang rất đau đầu với "giấc mơ nghìn tỷ" của Vinashin.

“Với lợi thế về địa lý, Quảng Ninh kỳ vọng nhiều lắm chứ. Còn nhớ hồi anh Bình (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin Phạm Thanh Bình – PV) về công tác, tất cả các lãnh đạo cấp cao của tỉnh đều tiếp anh như khách VIP. Nếu suôn sẻ, nhà máy cán thép Cái Lân đã có thể là một động lực cho công nghiệp của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động cùng nguồn thu ngân sách không nhỏ cho tỉnh hàng năm, vậy mà…”, ông thở dài ngao ngán.

Tiếp tục câu chuyện, vị này cho biết: “Nhà máy chỉ chạy thử một thời gian rồi dừng hẳn bởi nhiều yếu tố, nhất là ảnh hưởng từ đại án Vinashin, rồi khủng hoảng kinh tế thế giới khiến nhu cầu đóng tàu giảm mạnh, chưa kể tới việc giá thành sản phẩm của nhà máy cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, dẫn tới không thể cạnh tranh được”.

“Tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị lên Đảng, Chính phủ nhằm xem xét hỗ trợ nhà máy đi vào hoạt động. Thời gian càng trôi thì khả năng "sống sót" của dự án càng nhỏ đi. Chúng tôi không loại trừ khả năng thu hồi dự án, nhưng thẳng thắn mà nói là không hề đơn giản”.

“Di sản” của Phạm Thanh Bình

Năm 2003, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho các công ty đóng tàu thành viên trong giai đoạn phát triển cực thịnh của Vinashin, nguyên Chủ tịch Phạm Thanh Bình phê duyệt dự án xây dựng Nhà máy cán thép Cái Lân trên diện tích 15 hec-ta tại KCN Cái Lân, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, với tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng. Vận hành Nhà máy là Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân, được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ theo đăng ký doanh nghiệp sửa đổi lần thứ 8 (2015) là 973 tỷ đồng.

7 năm sau, Nhà máy được hoàn thành với sản phẩm là tấm thép nóng khổ rộng đầu tiên ở Việt Nam tính tới thời điểm đó. Tuy nhiên, suốt 6 năm qua, Nhà máy thép gần 3.000 tỷ đồng này đang “ngủ quên” bên tiếng sóng vẫn ngày đêm thét gào ở vùng biển Cái Lân.

  Quảng Ninh: Nặng gánh ‘di sản’ 3.000 tỷ của Phạm Thanh Bình - Ảnh 2

Khối lượng máy móc khổng lồ nhiều năm bỏ không, phủ bụi, đắp chiếu.

Ông Hoàng Việt Văn, giám đốc Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân, đơn vị vận hành Nhà máy phân trần: “Nói Nhà máy chưa từng sản xuất thì chưa đúng. Nhà máy đã chạy thử vào giai đoạn tháng 6-8/2010, tạo ra 5.000 tấn sản phẩm, trong đó 3.000 tấn được xuất khẩu, số còn lại vẫn còn lưu kho, phần lớn đã rỉ sét, hư hỏng”.

Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi bước vào nhà máy là sự choáng ngợp xen lẫn lạnh lẽo bởi quy mô to lớn cùng hệ thống máy móc đồ sộ. Tại đây, luôn có khoảng 5-6 bảo vệ ngày đêm “canh gác” cho dây chuyền cán thép được “yên giấc”.

Dẫn nhóm PV đi thực địa nhà máy, một bảo vệ cho biết, “đại công trường” sản xuất thép đã từng hoạt động được khoảng 1 tháng, sau đó thì ngừng hẳn cho tới tận bây giờ. Nay, trong khuôn viên Nhà máy, vẫn còn lại rất nhiều sản phẩm của đợt sản xuất đầu tiên.

Càng đi sâu, cảm giác lạnh lẽo tới rợn người càng tăng lên. Lò nung, băng chuyền, rồi những máy cán, cắt, làm nguội với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng được nhập từ Trung Quốc nằm đó, phủ trên mình là lớp bụi xám dày đặc. Những nhà kho rộng lớn bỏ hoang được tận dụng để cho các doanh nghiệp bên ngoài thuê làm kho chứa. Theo các bảo vệ ở đây cho biết, nguồn thu chính của họ dựa vào việc công ty cho thuê kho. Còn những cỗ máy trị giá hàng nghìn tỷ chỉ nằm im không thể sinh lợi nhuận, ngày ngày rỉ sét, mất dần giá trị, cả hữu hình lẫn vô hình (lỗi thời về công nghệ).

Được biết lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) và Bộ GT-VT đã nhiều lần cử đoàn về làm việc, cũng như tìm hiểu cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy thép, tuy nhiên điều đáng buồn là hồi âm chưa thấy đâu trong khi tần suất của các đoàn làm việc cứ thưa dần.

Đáng chú ý là "cái chết" của Nhà máy thép còn dẫn tới số phận tương tự của 3 dự án phụ trợ, bao gồm một nhà máy kết cấu thép, một nhà máy điện chạy diesel và một nhà máy cửa nhựa; sẽ được ANTT.VN đề cập trong kỳ tới, với tựa đề: “Hoang tàn nhà máy điện – kết cấu thép Cái Lân”.

Thủy Tiên – Nghi Điền / ANTT

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top