>> Nhà máy Ethanol 2.500 tỷ ở Phú Thọ: Đau xót lắm!

>> Quảng Ninh: Nặng gánh "di sản" 3.000 tỷ của Phạm Thanh Bình

>> Cả tập đoàn ‘chèo thuyền’, hai công ty ‘đục lỗ’

  Nhà máy nghìn tỷ đóng cửa: 'Nếu không quyết liệt sẽ còn mọc lên' - Ảnh 1

Nhà máy Đạm Ninh Bình với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng phải dừng hoạt động sau 4 năm thua lỗ nặng nề. Ảnh: Hà Xù

Dư luận trong nước thời gian qua xôn xao trước câu chuyện một loạt nhà máy có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nằm "đắp chiếu", hoặc phải dừng hoạt động vì thua lỗ nặng nề. Xung quanh chủ đề trên, ANTT.VN đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên, phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Ông đánh giá thế nào về việc nhiều nhà máy nghìn tỷ nằm "đắp chiếu" hay phải ngừng hoạt động vì thua lỗ trong thời gian qua?

Trước hết, phải thấy trong 10 năm trở lại đây đã có rất nhiều các dự án đầu tư lớn được triển khai. Công bằng mà nói, những dự án này ở giai đoạn đầu tư xây dựng đã đóng góp vai trò nhất định vào tăng trưởng GDP thông qua yếu tố đầu tư. Tuy nhiên rõ ràng là tính hiệu quả ở vòng 2 của đời dự án mang lại là chưa có.

Ở đây có thể chỉ ra 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất là do phân cấp và phân quyền không tốt; bên cạnh đó, khâu kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo để cho một số người làm công tác đầu tư công "tự tung tự tác", tạo điều kiện cho họ thiếu trách nhiệm, đầu tư những dự án không mang lại hiệu quả.

Ví dụ dự án Gang thép Thái Nguyên, ngoài Tổng công ty Thép quản lý trực tiếp còn có Bộ Công thương là chủ sở hữu, Bộ KH-ĐT đi vay vốn nước ngoài, các ngân hàng quốc doanh đứng ra bảo lãnh. Thế thì việc gì những người thực hiện phải cân nhắc suy tính, khi mà vấn đề lớn nhất là tiền thì đã được lo sẵn rồi. Bởi vậy mới có lối mòn suy nghĩ cứ đầu tư đã, còn sản xuất có lãi hay không thì không cần biết, bởi trách nhiệm và nghĩa vụ đối với khoản đầu tư đó sẽ được chuyển sang nhiệm kỳ sau.

Phân cấp, phân quyền trong bộ máy hiện nay không gắn được trách nhiệm cụ thể của người làm dự án nên mới có tư tưởng "cha chung không ai khóc". So sánh với các công ty tư nhân sẽ thấy sự khác biệt. Ví dụ như Thép Hòa Phát, cùng một thời điểm đầu tư với Gang thép Thái Nguyên, mức công suất gần như nhau, Thép Hòa Phát chỉ có vốn đầu tư 3.200 tỷ nhưng đã đi vào vận hành, đã khấu hao và có lãi. Trong khi đó, Gang thép Thái Nguyên giờ tổng vốn đầu tư lên tới hơn 8.000 tỷ, gấp đôi dự toán ban đầu, mà vẫn không biết liệu sản xuất có lãi được hay không khi hoàn thành.

Thứ hai là do bố trí, cấu trúc bộ máy của Nhà nước ta hiện nay vẫn duy trì sự tồn tại của Bộ chủ quản. Những dự án trên đều phải xin ý kiến của cơ quan chủ sở hữu, tức là Bộ chủ quản. Cơ quan chủ quản cấp giấy phép cho người ta đầu tư thì người ta đầu tư và dĩ nhiên là không phải chịu trách nhiệm cho tính hiệu quả của dự án đó.

Cuối cùng là do cơ chế chính sách hiện nay chưa phù hợp, sự phối hợp giữa đầu tư công và chính sách vĩ mô không đúng như mong đợi.

Có thể lấy ví dụ cho việc "lệch pha" giữa đầu tư công với hoạch định chính sách là việc xây dựng các nhà máy nhiên liệu sinh học thời gian qua. Đầu tư xây dựng các nhà máy Ethanol để sản xuất xăng sinh học là một chủ trương đúng, phù hợp với định hướng phát triển đi kèm với bảo vệ môi trường trong tương lai. Thế nhưng chúng ta chưa có cơ chế để buộc bán xăng sinh học E5 (pha giữa xăng truyền thống và Ethanol – PV) trên phạm vi cả nước. Không có đầu ra thì nhà máy phải đóng cửa là điều tất yếu.

Lưu ý là ngoài các nhà máy nhiên liệu sinh học của PVN (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PV) còn có 3 nhà máy tương tự nữa của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có một nhà máy của Đức ở Bình Dương. Tất cả đều đang rất khó khăn, đầu tư xong rồi nhưng không bán được sản phẩm.

Như vậy, khi chính sách không đồng bộ thì không chỉ DNNN mà ngay cả các DN FDI cũng bị “vạ lây”.

  Nhà máy nghìn tỷ đóng cửa: 'Nếu không quyết liệt sẽ còn mọc lên' - Ảnh 2

Nguyễn Đức Kiên, phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội, Đại biểu QH tỉnh Sóc Trăng.

Theo ông, nên làm gì tiếp theo đối với những nhà máy nghìn tỷ này?

Với những dự án sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước, không có cách nào khác ngoài phải nghiên cứu kỹ xem dự án nào có hiệu quả thì tiếp tục đầu tư và chắc chắn phải gắn trách nhiệm cụ thể; dự án nào xét thấy không hiệu quả nữa thì phải dừng theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, thậm chí bán thanh lý dưới giá đầu tư để thu được tiền về bù đắp Ngân sách.

Ví dụ Đạm Ninh Bình, cho đóng cửa sẽ chỉ lỗ 9.000 tỷ, nhưng nếu chạy thêm, thì ngoài 9.000 tỷ đã mất còn có nguy cơ lỗ thêm 1.200 tỷ/năm. Nói nôm na là thà đau một lần, còn hơn để nó cứ như khối ung nhọt, ăn dần mòn “chất dinh dưỡng” của đất nước.

Với các chính sách vĩ mô, phải nghiên cứu ban hành đồng bộ để hình thành thị trường như cam kết của Chính phủ về định hướng phát triển kinh tế, qua đó DN mới có thể phát huy tối đa hiệu quả vốn đầu tư.

Làm sao để hạn chế tối đa những nhà máy nghìn tỷ "trùm mền, phủ bạt" trong thời gian tới, thưa ông?

Phải kiên quyết đưa các DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, bằng cách tách bạch vai trò chủ sở hữu với vai trò quản lý Nhà nước của các Bộ ngành, tiến tới việc bỏ hoàn toàn cơ chế Bộ chủ quản đối với các DNNN, thông qua một cơ quan quản lý trung gian (hiện đang được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư trực tiếp xây dựng dự thảo Nghị định – PV).

Theo đó, các Bộ, ngành sẽ quay về đúng với chức năng ban đầu của mình, tức là chỉ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó có việc xây dựng cơ chế phân cấp trách nhiệm rõ ràng đối với các DNNN mà mình quản lý. Việc này chắc chắn sẽ không dễ dàng, bởi quá trình thực hiện sẽ động chạm tới lợi ích của các Bộ, ngành.

Đi kèm, phải khuyến khích sự phát triển của thị trường lao động chất lượng cao, qua đó các DNNN có thể thuê người điều hành, làm được việc thì trả lương cao, còn không thì sa thải, không có thu nhập.

Trên thế giới, ngoài lương, người ta trả thưởng rất cao cho người điều hành doanh nghiệp nếu đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên nếu để thua lỗ hoặc không đạt mục tiêu thì hoàn toàn có thể bị đuổi, trừ hết lương thưởng, uy tín bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí không được ai thuê mướn nữa, phải đi lao công, quét rác hay làm bất cứ thứ gì để kiếm sống. Đấy chính là tư duy tiên tiến của họ.

Nhìn lại Việt Nam, Tổng giám đốc hay Chủ tịch HĐTV, HĐQT DNNN khi hết nhiệm kỳ lại được chuyển sang làm Vụ phó, Vụ trưởng và ngược lại. Cứ giữ tư duy thế này thì Việt Nam khó lòng có thể phát triển được, và việc xuất hiện thêm những dự án nghìn tỷ “chết yểu” trong thời gian tới cũng là khó tránh khỏi.

Một lần nữa, tôi nhấn mạnh "căn bệnh" của chúng ta hiện nay là phân cấp quản lý và phân cấp trách nhiệm yếu kém. Nếu phân cấp tốt, chả ai dám làm sai, làm láo cả. Những người chịu trách nhiệm sẽ nghiên cứu kỹ tính khả thi mới dám làm.

Kinh nghiệm đầu tư công trên thế giới cho thấy phải có cơ chế phân quyền và chịu trách nhiệm phù hợp. Chức vụ đến đâu thì sẽ có quy trách nhiệm và xử lý tương ứng nếu vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

Nghi Điền – Hoa Liên /ANTT

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top