Cả ngân hàng và chủ đầu tư quyết tâm thực hiện xây dựng một nhà máy quy mô 2.500 tỷ đồng ở “vùng cọ đồi chè” huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho dự án nhà máy Ethanol. Cả nghìn tỷ đồng đã được “ném vào” đó và “hiệu quả” cho đến nay chỉ là một nhà máy quy mô được dựng lên, còn nó bao giờ hoạt động thì ngay cả những người có trách nhiệm cũng chỉ biết lắc đầu.
Dự án nhà máy Ethanol Tam Nông từng được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” của hệ thống cung cấp nhiên liệu sinh học cho cả nước. |
Đón đầu và… “chết yểu”
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Để đón đầu và tham gia vào đề án này, nhiều nhà máy Ethanol đã được khởi công xây dựng trên các miền của đất nước, trong đó có dự án Ethanol nguyên liệu sinh học Tam Nông.
Chỉ một năm sau đó, năm 2008, UBND tỉnh Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB.JSC) do ông Vũ Thanh Hà làm Tổng giám đốc, với nội dung đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Biodiesel có tổng vốn đầu tư 1.385 tỷ đồng. Dự án khởi công năm 2008, dự kiến hoàn thiện vào Quý III/2010 trên diện tích 50ha, thời gian hoạt động 50 năm.
Mục đích nhà máy sản xuất cồn Ethanol phục vụ cho sản xuất xăng nhiên liệu, công suất 79.000 tấn Ethanol nhiên liệu/năm.
Ngày 9/11/2010 giấy chứng nhận đầu tư 138 được điều chỉnh lần thứ nhất bằng việc thay ông Lê Quốc Anh làm TGĐ và đẩy lùi thời gian hoàn thành dự án sang Quý IV/2011.
Ngày 27/10/2011, giấy chứng nhận đầu tư 138 tiếp tục được điều chỉnh lần thứ hai với nội dung bổ sung xây dựng phân xưởng thu hồi CO2 công suất 30.000m3/ngày; xây dựng phân xưởng sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh công suất 50.000 tấn/năm; xây dựng cửa hàng xăng dầu; Xây dựng dây chuyền thiết bị sấy sắn và tổng mức đầu tư từ 1.385 được nâng lên 2.484,93 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày hoàn công dự án không được như cam kết trước đó. Theo giấy chứng nhận đầu tư 138 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cấp, dự án tiếp tục bị trì hoãn hoàn thiện nhà máy vào Quý IV/2015.
Gọi là lùi ngày vận hành, song theo ông Thiều Vinh – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ, nhà máy Ethanol gần như “chết yểu” từ năm 2010. UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh cũng đã đốc thúc bằng nhiều hình thức, trực tiếp có, văn bản có, nhưng cũng không thấy chuyển biến gì.“Nếu có bàn giao lại “đống sắt vụn” ấy chúng tôi cũng không thể vận hành được” – ông Vinh chua xót nói.
Ngày 20/8/2013, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ: “Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm việc cụ thể với chủ đầu tư xử lý dứt điểm, khắc phục tình trạng lãng phí trong đầu tư và có văn bản trả lời UBND tỉnh Phú Thọ”.
Không làm được thì dỡ nó đi?!
Có mặt tại Cụm công nghiệp Cổ Tiết mới thấy hết vẻ hoang tàn xuống cấp của một dự án được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” của hệ thống cung cấp nhiên liệu sinh học cho cả nước. Trên diện tích 50 ha là nhà máy, các hạng mục quan trọng gần như đã cơ bản hoàn tất như nhà điều hành, kho sắn, nhà nghiền, nhà sản xuất chính, khu bồn cồn thành phẩm, khu xử lý chất thải, khu điện, khu lò hơi… đang có dấu hiệu xuống cấp, xập xệ. Tất cả những thiết bị mới toanh, “ngốn” tiền tỷ ngày nào do dầm mưa, dãi nắng nên bắt đầu hoen gỉ. Cổng vào nhà máy luôn trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trái ngược với sự phát triển xanh tốt của cỏ dại xung quanh nhà máy này là sự im lìm của nhà máy nghìn tỷ đang trong tình trạng chết lâm sàng.
Hệ thống máy móc, nhà xưởng bỏ hoang, xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm. |
Còn nhớ, để có quỹ đất thực hiện dự án, hàng trăm hộ dân tại ba xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương bị cưỡng chế thu hồi đất để phục vụ xây dựng nhà máy.
“Nhìn mà thấy xót lắm! Ngày trước, ở đó (Khu vực nhà máy Ethanol - PV) là những cánh đồng lúa xanh mướt. Đến khi có lệnh thu hồi đất làm dự án, dân chúng tôi không đồng ý thì bị cưỡng chế. Các ông ấy (lãnh đạo địa phương - PV) hứa hẹn đủ điều. Nào là tạo công ăn việc làm cho người dân, nào là thu nhập cao hơn trồng lúa, đời sống sẽ nâng cao hết khổ. Vậy mà gần chục năm trôi qua, chúng tôi không có đất canh tác, không có việc làm. Trong khi hàng chục héc ta đất bỏ hoang như thế” – một người dân ở xã Cổ Tiết chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Đức Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông cũng ngao ngán: “Đau xót lắm chứ. Ngày xưa, ở đây là cánh đồng lúa màu mỡ, dân không chịu trả đất nên phải cưỡng chế thu hồi. Tưởng rằng dự án sẽ thu hút lao động địa phương, nhưng giờ bỏ hoang, dân người ta kêu ca nhiều lắm. Giờ dự án dở dang không thực hiện được, công ăn việc làm không có, thuế không nộp… Là lãnh đạo phải có trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với nhân dân”.
Ông Phan Đức Tài - Phó Chủ tịch huyện Tam Nông không khỏi ngao ngán khi nói về nhà máy Ethanol Tam Nông. |
Ông Tài cũng cho biết, ông từng phát biểu trong cuộc họp với UBND tỉnh Phú Thọ rằng nếu dự án không thực hiện được thì cần yêu cầu dỡ nhà máy, trả lại mặt bằng, hoặc chuyển đổi, thay đổi mục đích dự án. “Dự án dở dang, gây thiệt hại lớn cho xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và làm giảm lòng tin của nhân dân tới lãnh đạo huyện” - ông Tài nói.
Khởi công từ tháng 6/2009, nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Tam Nông đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc. Song, từ cuối năm 2011 đến nay dự án dừng thi công, toàn bộ hệ thống nhà xưởng đang từng ngày lâm cảnh hoang tàn.
Thiếu vốn được cho là một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến dự án này chẳng thể hoàn thành việc xây dựng. Chủ đầu tư đã phải tính đến việc điều chỉnh vốn. Thế nhưng, việc tăng vốn đầu tư từ 1.385 tỷ đồng lên gần 2.500 tỷ đồng không được các cổ đông chấp thuận.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, tính đến khi dừng triển khai, các hạng mục chính của dự án đã được triển khai thi công với phần lớn khối lượng đã hoàn thành. Dự án tạm dừng thi công do khó khăn về vốn. Chủ đầu tư và các bên góp vốn chưa thống nhất phương án xử lý giá trị hợp đồng và do tình hình tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học trên thực tế rất chậm.
Trọng Cảnh – Võ Quỳnh / ANTT
Post a Comment