Chẳng lẽ, ăn chay sẽ khiến các loài dễ chết hơn ư?
Thời tiền sử, hay cụ thể hơn là vào kỷ băng hà, có một loài vật với vẻ ngoài cực kỳ đáng sợ. Chúng nặng tới 500 cân, cao 1,7m, dài 3,5m, có móng vuốt và một bộ hàm cực khỏe, đủ để nghiền nát bất kỳ bộ xương nào. Đó là loài gấu hang động thời tiền sử.
Tương quan của gấu hang động với con người ngày nay.
Với những "trang bị" khủng như vậy, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu như loài gấu này là một trong những loài săn mồi đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn thời bấy giờ.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây, lũ gấu khổng lồ này hóa ra lại rất... dễ thương, vì chế độ ăn của chúng chủ yếu là thực vật. Và họ cũng cho rằng đây chính là lý do khiến những con quái vật đích thực này tuyệt chủng khoảng 25.000 năm trước.
Có lẽ chúng dễ thương hơn những gì bức tranh này thể hiện.
Các loài gấu hiện nay hầu hết đều là loài ăn tạp. Chúng ăn gần như tất cả mọi thứ: từ quả dại đến cá hồi, thậm chí còn săn cả hươu nai. Trong khi đó, tổ tiên của chúng hoá ra lại ăn kiêng với một chế độ ăn toàn rau. Quả là kỳ lạ đúng không?
Để có được kết quả này, các chuyên gia xét nghiệm những mẫu xương của gấu trong hang Goyet (Bỉ), qua đó xây dựng lại chế độ ăn của loài gấu này. Đặc biệt, họ chú trọng xem xét các đồng vị của collagen trong xương - loại protein được hình thành tùy theo chế độ ăn của thú.
Kết quả phân tích cho thấy tổ tiên của gấu xưa kia đúng là chỉ... ăn rau. Ngay cả gấu con đang uống sữa cũng cho thấy thành phần collagen tương tự, giống như gấu trúc ngày nay vậy.
Hóa thạch của gấu hang động.
Theo giáo sư Hervé Bocherens thuộc ĐH Tübingen (Đức): "Giống như gấu trúc, loài gấu hang động ngày xưa cũng có chế độ ăn khá nghèo nàn, chỉ gồm toàn thực vật. Chúng tôi giả định rằng chế độ ăn thiếu cân bằng này, kết hợp cùng việc thảm thực vật bị tàn phá trong Kỷ Băng Hà đã khiến loài gấu này tuyệt chủng".
Giáo sư Bocherens bổ sung: "Chúng tôi tin rằng việc chỉ ăn thực vật là lý do chính khiến loài gấu này tuyệt chủng". Và để chứng minh, họ đang tiếp tục nghiên cứu xương cốt của loài gấu này trong các khu vực khác.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Quaternary Science.
Post a Comment