Thông tin lớp học thuộc một huyện miền núi ở Nghệ An có 100% học sinh đỗ ĐH nguyện vọng 1 khiến nhiều người bất ngờ. Đó là lớp 12A, trường THPT Thanh Chương I. Cả 40 thành viên của lớp đều đạt điểm số cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, trong đó có 6 học sinh đạt trên 27 điểm và điểm thi trung bình của lớp là 25.39 điểm.
Hồ Quang Trung, chàng trai có số điểm thi cao nhất lớp 100% học sinh đỗ đại học
Trò chuyện với lớp 12A, thấy rõ, trong mỗi thành viên đều dâng lên niềm hãnh diện, tự hào về thành tích này. Các chàng trai, cô gái tuổi 18 say sưa kể về phong trào học tập của lớp cũng như sự cố gắng, nỗ lực vượt qua hoàn cảnh nghèo khó của từng thành viên. Trong đó, cái tên được họ nhắc đến nhiều hơn cả là Hồ Quang Trung (xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An)- lớp trưởng của lớp.
Quang Trung là người có số điểm thi ĐH cao nhất lớp: 27,8 điểm khối A và 26 điểm khối B (điểm cụ thể Toán: 9, Lý: 9.4, Hóa: 9.4, Sinh: 7.6); 12 năm liền, là học sinh giỏi toàn diện; lớp 11 từng giành danh hiệu thủ khoa cuộc thi HSG Lý cấp tỉnh và giải Khuyến khích cuộc thi HSG vượt cấp Toán (giành cho học sinh lớp 12).
Suốt những năm cấp hai và cấp ba, Quang Trung luôn nằm trong danh sách học sinh giành học bổng Vallet (quỹ học bổng phi chính phủ lớn nhất Việt Nam, trị giá 8,5 triệu đồng/suất).
Thế nhưng, những thành tích đó không phải là điều duy nhất khiến các thành viên lớp 12A ngưỡng mộ và tự hào về lớp trưởng của mình. Điều khiến họ nể phục hơn cả là tinh thần ham học, nghị lực vươn lên thoát nghèo và khả năng “chẳng cần cày trâu bò cũng giỏi” của cậu.
Trung thường xuyên nhận được phần thưởng trao cho người có điểm thi thử cao nhất lớp
Trung là con trai cả trong gia đình nông nghiệp ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, một huyện miền núi còn khá nghèo nàn. Một mình mẹ đảm đương 5 sào ruộng, mùa mất mùa được, tiền ăn học của hai anh em Trung phụ thuộc cả vào công việc thợ xây của bố.
Trung nói, bố mẹ cậu chưa từng bàn bạc chuyện tiền nong trước mặt con cái nhưng cậu biết, tiền công hàng ngày của bố và tiền thu hoạch mùa màng của mẹ chẳng được bao nhiêu. Nhưng họ vẫn cặm cụi làm lụng bất kể nắng mưa để có tiền cho con ăn học.
Những ngày trời nóng 40 độ C, Trung vẫn thấy bố mẹ tất tưởi đội nón đi làm từ lúc 1, 2 giờ chiều. Chiếc bóng liêu xiêu trên con ngõ nhỏ và những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt bố mẹ là hình ảnh đã quá quen thuộc với chàng trai 18 tuổi.
Mỗi năm, Trung đều cố gắng giành học bổng để có tiền đóng học phí. Chưa bao giờ, Trung đòi mua bất cứ món đồ gì ngoài những thứ cần thiết cho học tập như: sách, vở, bút thước, máy tính cầm tay… Bạn bè Trung từng xót xa khi thấy cậu dùng bậu cửa sổ làm giá sách và ngày nào cũng cố nhét những cuốn sách lớn vào chiếc cặp đã bục đường chỉ…
“Trung hay đi làm đồng giúp mẹ. Vào mùa gặt, bạn ấy thường dậy từ sớm tinh mơ, tranh thủ đi gặt lúa cùng mẹ rồi mới đi học. Có hôm, Trung đến lớp muộn vì gặt xong còn cố giúp mẹ ôm thêm ít lúa lên bờ”, Lê Võ Minh Đạt – một thành viên trong lớp chia sẻ.
Quang Trung rất yêu công nghệ và luôn mong có một chiếc máy tính để khám phá, tìm tòi và thỏa mãn niềm đam mê đó. Nhưng Trung chưa bao giờ nói với bố mẹ niềm mong muốn ấy bởi “chỉ nuôi hai anh em ăn học thôi, bố mẹ đã vất lắm rồi”. Khi cần tìm đề thi trên mạng, Trung thường đạp xe ra quán internet cách nhà vài cây số thuê máy.
Nỗ lực học tập của Quang Trung khiến bạn bè nể phục
Thiếu thốn là vậy nhưng Trung vẫn học rất giỏi, xứng đáng là con chim đầu đàn của lớp. Trung thường xuyên giải được những bài toàn khó, đặc biệt, còn giải theo cách rất sáng tạo. Trong nhiều cuộc thi thử, Trung luôn đạt điểm cao và rinh về phần thưởng giành cho người có số điểm cao nhất.
Điều khiến các thành viên trong lớp khá lạ là, chưa bao giờ thấy Trung tranh thủ “cày bài tập” trên lớp. Chỉ đến khi cận ngày thi, họ mới thấy Trung lững thững vác cặp đến lớp ngồi học một mình.
“Ở nhà Trung hay tranh thủ ra đồng giúp mẹ, trên lớp lại không mấy khi thấy học bài, chẳng biết bạn ấy học vào lúc nào. Sau này, lớp đặt cho bạn ấy biệt danh “siêu nhân không cần học cũng giỏi”, Khánh Trang – một thành viên trong lớp chia sẻ.
Mục tiêu ban đầu của Trung là đỗ vào trường Học viện Kỹ thuật Quân sự (Hà Nội). Nhưng khi biết kết quả thi khối B khá cao, Trung lại có thêm ý định nộp hồ sơ vào trường Đại học Y Hà Nội. Hiện tại, Trung vẫn chưa quyết định sẽ theo học trường nào vì còn phải suy tính kỹ chuyện học phí.
“Từ nhỏ mình mơ ước làm bác sĩ, quân nhân nhưng lớn lên thì thấy làm nghề gì cũng được, miễn sao báo hiếu được bố mẹ, giúp đỡ mọi người nên dù chọn ngành nào mình cũng sẽ cố hết sức”, Trung chia sẻ.
Post a Comment