Dịch vụ mua hàng trả góp không còn xa lạ đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người còn trở thành “tín đồ” của nó để thỏa mãn đam mê mua sắm. Tưởng chừng như, mua trả góp là một cách tiết kiệm được tiền, được dùng hàng giá rẻ, nhưng thực chất, theo tìm hiểu của PV, đó lại là chiêu trò móc túi khách hàng đơn giản nhất. Hơn thế nữa, nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Nở rộ iPhone “giá rẻ” trả góp

Thị trường mua hàng trả góp qua mạng gần đây đang trở nên rất nhộn nhịp. Đặc biệt là những mặt hàng công nghệ cao như điện thoại di động, iPad. Những chiếc điện thoại thông minh của các hãng lớn, có thương hiệu luôn được giới trẻ săn đón nhiệt tình. Dù, giá của những chiếc điện thoại này không rẻ, thậm chí tương đương cả một chiếc xe máy. Chính vì thế, nhu cầu mua hàng trả góp đang nở rộ ở những bạn trẻ muốn khẳng định đẳng cấp nhưng còn hạn hẹp về kinh phí.

  Chiêu 'phù phép' qua mạng, móc túi khách hàng mua điện thoại trả góp - Ảnh 1

Dịch vụ mua iPhone trả góp trên mạng xã hội

Trên các diễn đàn xã hội, đặc biệt là mạng xã hội Facebook, các giao dịch về mua điện thoại trả góp mà chủ yếu là dòng điện thoại iPhone trở nên rất nhộn nhịp. Việc mua điện thoại sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết với sự giúp đỡ tài chính của trung tâm bán hàng trả góp. Để thu hút được nhiều khách hàng, dịch vụ này còn quảng cáo chỉ với 0 đồng có thể nhận ngay được sản phẩm iPhone 4s mới tinh, các chế độ bảo hành cũng được hứa hẹn như bình thường.

Với dòng điện thoại đời cao cấp hơn tùy từng loại khách hàng, họ chỉ cần đặt cọc một số tiền rất “nhẹ nhàng” từ 1 triệu đồng đến 6 triệu đồng để có một chiếc điện thoại đời mới nhất hiện nay. Hơn thế nữa, trung tâm cung cấp dịch vụ còn nhiệt tình đến mức, khách hàng chỉ cần để lại số điện thoại, sẽ có người trực tiếp liên lạc để đưa ra những tư vấn tốt nhất.

Nhằm tìm hiểu rõ thông tin, phóng viên đã để lại số điện thoại, chỉ 5 phút sau, PV nhận được cuộc gọi từ số 0165861xxxx của trung tâm bán hàng trả góp. Đầu dây bên kia là giọng của một bạn nữ, hỏi PV trong vai khách hàng muốn mua điện thoại gì để tiện tư vấn. Theo lời của cô gái này, thì iPhone 6 plus chỉ có giá 17,5 triệu đồng, rẻ hơn so với giá thị trường tận 2 triệu đồng.

Nếu khách hàng muốn mua trả góp, chỉ cần đặt trước 9 triệu đồng. Số tiền còn lại sẽ trả dần trong vòng từ 6 – 15 tháng phụ thuộc vào tài chính và yêu cầu của khách hàng. Về vấn đề lãi suất, cô gái này cho biết chỉ có 2% mỗi tháng. Để dụ PV mua hàng, cô này còn tự đánh giá đây là lãi suất rẻ nhất “vịnh Bắc Bộ” chứ những nơi khác lãi suất gấp 3, 4 lần liền(?!).

“Mật ngọt chết ruồi”

Nhìn bề ngoài có vẻ như mua hàng trả góp có thể tiết kiệm được một phần chi phí và có thời gian để “cày cuốc” trả cho sản phẩm đã mua, nhưng thực chất, đó lại là một hình thức đội giá mà không phải ai cũng nhìn ra. Bên cạnh đó, là nguy cơ bị lừa dùng phải hàng kém chất lượng.

Rơi vào tình trạng này là trường hợp của bạn Đặng Thu H., sinh viên năm 2 (khoa Văn học, ĐH KHXH&NV). H. cũng lựa chọn việc mua iPhone trả góp qua một trung tâm bán hàng điện tử tại Hà Nội. Lãi suất đưa ra hấp dẫn và tiền mặt ban đầu phải chi trả chỉ là 3 triệu đồng cho một chiếc iPhone 5s nên H. đồng ý mua trả góp. Nhưng, điện thoại dùng một thời gian ngắn đã xảy ra trục trặc. Mang đến trung tâm để đổi mới thì bên trung tâm kêu đã hết thời gian, sẽ bảo hành lại nhưng phải mất vài tuần mới xong. Thấy vậy, H. mang ra quán sửa chữa điện thoại để tự sửa và lúc đó mới biết đây là hàng cũ đã qua sử dụng.

Theo ông Vũ Văn Nghĩa, chuyên viên tư vấn tài chính ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thì, nếu các trung tâm mua bán trả góp đưa ra lãi suất như trên thì lãi suất đó cao gấp đôi so với lãi suất ngân hàng. Các dịch vụ trả góp luôn luôn lấy lãi cao hơn so với mức lãi của ngân hàng vì khoản vay nhỏ, thủ tục đơn giản.

Chính vì vậy, mua hàng trả góp chắc chắn sẽ không bao giờ có cơ hội mua được hàng rẻ, chưa nói đến việc sẽ bị đội giá lên. “Khách hàng còn bị móc túi nhiều hay ít phụ thuộc cách tính lãi của bên cung cấp bán hàng trả góp. Nếu tính theo cách dư nợ ban đầu hay dư nợ giảm dần.

Ví dụ ở đây, khách hàng nợ 10 triệu đồng trả góp trong 10 tháng, mỗi tháng trả 1 triệu, lãi 2%/tháng, thì theo dư nợ ban đầu, mỗi tháng sẽ trả 1,2 triệu đồng, tổng số tiền phải trả là 12 triệu. Còn tính theo cách dư nợ giảm dần thì tháng đầu trả 1,2 triệu, tháng sau trả 1,18 triệu và cứ giảm dần theo các tháng tiếp theo. Với cách này, tổng số tiền mà khách hàng phải trả có sự giảm đi chút ít là 11 triệu đồng. Thời gian trả góp càng kéo dài thì khách hàng càng phải chịu thiệt nhiều”, ông Nghĩa cho biết thêm.

Khởi tố cặp vợ chồng lừa đảo bán iPhone qua mạng

Ngày 6/10, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Quốc Vũ (29 tuổi) và Nguyễn Thị Thúy Kiều (26 tuổi) là vợ của Vũ về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Vũ đăng thông tin bán điện thoại iPhone 5s Gold 32GB trên 1 website với giá 7,7 triệu đồng và để lại thông tin liên hệ tên Đỗ Quốc Duy và email quocduy- drector@gmail.com.

Thời điểm đó, giá chiếc điện thoại trên thị trường khoảng 10 triệu đồng. Hai đối tượng cam kết sau khi khách hàng là chị Th. chuyển 4 triệu đồng sẽ gửi điện thoại ra Hà Nội và có nhân viên giao hàng tận nơi cho chị Th. Số tiền còn lại chị Th. sẽ thanh toán nốt khi nhận hàng. Cùng với sự trợ giúp của đối tượng tên Duẩn, vợ chồng Vũ, Kiều đã tìm mọi cách để chị Th. tin tưởng, dấn sâu vào thương vụ mua bán và chuyển tổng cộng khoảng 10 triệu đồng. Nhưng, số tiền trên đã “theo gió bay đi”.

Thủ đoạn thu hút “con mồi”

Theo ông Luyện Huy Hoàng, Phó đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội thì, thực chất không chỉ riêng mỗi mặt hàng điện thoại mà còn nhiều mặt hàng khác cũng được rao bán trả góp. Tâm lý thích mua đồ rẻ, bên cạnh đó lại không phải trả một lượng tiền lớn sẽ đỡ cảm thấy “xót của” nên nhiều người rất thích chọn cách mua hàng này.

Những kẻ lợi dụng hình thức trả góp luôn đưa ra những lợi nhuận hấp dẫn để thu hút “con mồi”. Nhiều người chỉ thấy rẻ, rồi không chịu tìm hiểu kỹ lưỡng về nơi mình mua hàng dẫn đến hậu quả mua phải hàng chất lượng kém, bị chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Nhinh

Post a Comment

 
Top