Vở kịch kinh điển Hamlet của đại thi hào Shakespeare được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng mang nhiều điểm mới đang tạo cơn “dư chấn” với khán giả Thủ đô. Giám đốc nhà hát kịch VN, ông Nguyễn Thế Vinh trao đổi với PV Người Đưa Tin khẳng định: “Nhà hát kịch VN là lá cờ đầu dòng chính kịch, đã có thời gian mất vị trí trong lòng khán giả do hoạt động mờ nhạt, thiếu sức sống. Nhưng những năm gần đây bằng niềm đam mê của nghệ sĩ, sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng của ban lãnh đạo, nhà hát đã dựng nhiều vở kịch như Bệnh sĩ, Tai biến, Trong mưa giông thấy nắng, Lâu đài cát, Dư chấn… dần đã lấy lại lòng yêu mến của khán giả. Bằng tất cả tình yêu với nghệ thuật, nhà hát đã đủ quyết tâm, khả năng, tiềm lực để dốc toàn sức lực, dựng vở, tập luyện hơn 9 tháng để công diễn vở kịch kinh điển Hamlet”.
Theo ông Vinh tin nhanh cùng PV, phiên bản mới của Hamlet được khán giả chờ đợi là sự Việt hóa kịch Shakespeare. Đạo diễn NSƯT Anh Tú đã mạnh dạn đưa điệu múa dân gian Xuân Phả của Thanh Hóa kết hợp nhuần nhuyễn với kịch kinh điển, uyên bác của thế giới, những vần thơ lục bát được đưa vào vở diễn, nhân vật trong kịch Hamlet lần này không hóa trang theo người châu Âu mà để mặt thuần Việt… điều này tạo ra sự hấp dẫn, tò mò của khán giả khi đến xem Hamlet.
Tin tức từ sau một số đêm diễn thử để sơ duyệt và tổng duyệt khán giả đã cảm nhận được sự hoành tránh, công phu của vở diễn thông điệp chính kịch, đẳng cấp của Nhà hát kịch Việt Nam. Các nghệ sĩ bằng sự đam mê sáng tạo nghệ thuật, khả năng diễn xuất đã chinh phục được khán giả.
Nói về giá vé 1 triệu đồng/vé ông Vinh nói: “Khi tôi đưa ra giá vé này cũng tính như một phép thử . Thứ nhất, tự mình thấy giá trị nghệ thuật phải được nâng lên như thế để xứng tầm với công sức, sự đầu tư, sức sống của vở kịch kinh điển đã sống hơn 4 thế kỷ. Tôi cho giá vé này là hoàn toàn xứng đáng”.
Trước băn khoăn về kỷ lục giá cao nhất so với các nhà hát kịch hiện nay, ông Vinh lý giải: “Tôi muốn nâng giá trị của kịch kinh điển và đo phản ứng của khán giả. Nếu chỉ có 15-20 khán giả bỏ tiền mua vé, nhà hát vẫn diễn bình thường bằng tất cả sự trân trọng với những người đã yêu mến kịch. Đó là những người đã đặt giá trị văn hóa lên trên hết để thưởng thức nghệ thuật đích thực”.
“So với nghệ thuật giải trí, có ca sĩ hải ngoại về hát vài bài “sến” mà giá vé đến 4-5 triệu đồng mà vở kịch kinh điển, sự lao động vất vả của toàn bộ một nhà hát lại có giá thấp. Đấy là một nghịch lý. Và vở kịch như Hamlet bán vé 1-2 triệu là điều hết sức bình thường”, ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng nói thêm, xác định kỷ lục giá mới không phải vì mục đích doanh thu mà chỉ muốn nâng giá trị đích thực, nghệ thuật đỉnh cao của văn hóa nhân loại bằng sự hiểu biết của khán giả. “Tôi rất tự tin với kỷ lục về giá vé này, tôi tin tưởng sự yêu mến, trân trọng của khán giả với nghệ thuật đích thực”.
Diễn viên trong kịch Hamlet để mặt thuần Việt khiến khán giả thích thú. |
Tin tức mới nhất khá bất ngờ, trong số những khán giả của Hà Nội đến mua vé xem Hamlet, anh Kim Diệu Quang là người đầu tiên bỏ 12 triệu đồng mua 6 đôi vé. Trao đổi với phóng viên anh Quanh nói: “Tôi đã từng đọc nhiều và rất yêu quý đại thi hào Shakespeare. Đây là cơ hội để tôi xem kịch kinh điển và mua vé tặng một số bạn bè cùng sở thích”.
Nói về giá vé xem kịch 1 triệu đồng/vé, anh Quang nói: “Ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc để dựng được một vở kịch mang tính hoành tráng, công phu hầu như không có. Những tác phẩm lớn được chú trọng đầu tư thì tôi thấy giá vé ấy so với vé xem ca nhạc không đáng là bao. Và kịch là công sức lao động vất vả của cả một tập thể nghệ sĩ, diễn viên”.
Cũng theo anh Quang, chính kịch nhất là kịch kinh điển khá kén khán giả, được có cơ hội thưởng thức những tác phẩm kinh điểm, xem kịch tại Nhà hát Lớn nên giá vé này cũng bình thường. “Tôi thấy trên thế giới những nghệ thuật uyên bác, kinh điển có giá vé rất đắt, nhiều người mơ cũng không thể được xem. Còn ở Việt Nam những nghệ thuật phổ cập đại chúng lại có giá đắt hơn nhiều, vì thế tôi nghĩ đây cũng là cách để chúng ta thay đổi cách nhìn nhận, thưởng thức nghệ thuât đỉnh cao”, anh Quang nói.
Mai Hà
Post a Comment