Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh vừa công bố trước Quốc hội hôm 22/10: ngân sách 2015 sau khi cân đối chỉ còn 45.000 tỷ đồng, nếu trả nợ xong thì không biết lấy gì mà chi cho năm 2016, khiến dư luận hết sức băn khoăn.
Sáng 26/10, Bộ Tài chính tổ chức buổi họp báo chuyên đề thông tin một số vấn đề liên quan đến thu chi ngân sách Nhà nước đã thu hút sự quan tâm của đông đảo báo chí.
ANTT.VN xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trong buổi họp báo nói trên:
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Thưa Thứ trưởng, xin ông công bố chi tiết tình hình thu chi ngân sách 2015
Theo báo cáo của Bộ Tài chính trước Quốc hội, năm nay Ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ tăng vượt dự toán 17.400 tỷ, ngân sách TW hụt 31.000 tỷ, ngân sách địa phương sẽ tăng thu 47.700 tỷ.
NSNN tăng thể hiện tăng trưởng kinh tế năm nay khá, dự kiến 6,5%. Cùng với chỉ số CPI thấp 1,5-2%, đầu vào của nền kinh tế có lợi, vào khoảng giữa năm chúng ta đã có nhận định này và đến nay thức tế chứng minh nhận định này là đúng.
Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN) tăng cao (mấy năm trước khủng hoảng, thuế TNDN chỉ thu được hơn 30%, năm nay đã thu được 39-40%), thuế VAT tăng khá. Như vậy nhờ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng của một nhóm DN, giá đầu vào thấp dẫn đến thu ngân sách Nhà nước và địa phương đều vượt.
Vì sao kinh tế tăng trưởng, các điều kiện như ông nói về CPI, thu thuế, giá đầu vào đều thuận lợi mà ngân sách TW lại hụt thu 31.000 tỷ? Giải pháp khắc phục tình trạng này như thế nào?
Ngân sách TW hụt thu vì mấy nguyên nhân sau đây: Thứ nhất: do giá dầu thô giảm. Chúng ta dự kiến đầu năm giá dầu 100$ Mỹ/thùng nhưng thực tế năm nay chỉ 54-55$ Mỹ/thùng, như vậy nó làm hụt thu các khoản khai thác từ dầu thô. Thứ hai: Trong quá trình hội nhập Asean, năm 2015 ta có điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu theo cam kết. Thứ ba: Cơ cấu nhập xăng dầu ASEAN tăng do bắt đầu có sự chuyển dịch.
Do 3 yếu tố này mà ngân sách TW hụt thu mất 31.000 tỷ. Để bù đắp ngân sách TW, trong khi trình Quốc hội, Chính phủ đã xin phép dùng 10.000 tỷ từ số tiền đã thoái vốn của DN. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ trưởng Tài chính chỉ đạo thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời ngân sách TW, càng ít sử dụng đến số tiền 10.000 tỷ càng tốt.
Ông có thể nói rõ hơn về chỉ đạo của Thủ tướng cũng như Bộ Tài chính về siết chặt thu để đảm bảo ngân sách TW?
Nhìn trên số liệu mà Tổng cục thuế đã công khai chúng ta thấy rằng có căn cứ, có cơ sở thực tiễn để thực hiện nhiệm vụ này. Cần thực hiện việc siết chặt thu thuế. Nợ đọng thuế khu vực DN hiện nay là 76.000 tỷ, ngoài nợ bất khả kháng khó thu, nợ do trận lụt vừa rồi.. , cần tập trung vào con số 34.000 tỷ DN có khả năng nộp mà không chịu nộp.
Ngoài ra cần tăng cường thanh tra, kiểm tra. Ta có 506.000 DN hoạt động sản xuất kinh doanh tự khai tự nộp. Kết quả sau 9 tháng đã lập biên bản thanh tra trên 8.000 tỷ đồng, đã thu về 5.000 tỷ, còn 3.000 tỷ nữa cần phải thu nốt. Nhìn chung phải đấu tranh khai thác đúng pháp luật vì thực tế hiện nay có một số DN lớn ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, cố tình chiếm dụng các khoản phải nộp ngân sách.
Một giải pháp nữa, Bộ Tài chính đã quyết định thành lập 5 đơn vị thanh tra chống chuyển giá chuyên trách để thực hiện thu ngân sách, tập trung vào những DN lớn, DN liên kết, DN có dấu hiệu chuyển giá.
Chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Bộ về thu ngân sách quyết liệt để giảm thiểu con số phải dùng trong 10.000 tỷ đồng kia.
Xin ông đưa ra các giải cân đối thu chi ngân sách 2016 để khắc phục tình trạng hụt thu ngân sách TW năm nay!
Năm tới chúng ta nên điều chỉnh và tăng cường một số giải pháp sau đây. Thứ nhất: Giá dầu thay vì ước tính 100$/thùng như 2015, năm nay tạm tính 60$ thôi, nếu giả sử giá sang năm vẫn giữ mức 54 – 55$/thùng như hiện nay, có bị hụt chỉ 3-4000 tỷ thì vẫn “xoay sở” được.
Thứ hai: Tập trung vào khoản nợ đọng của doanh nghiệp vẫn còn lớn 34.000 tỷ, đây là con số có khả năng thu.
Thứ ba: Thực hiện đúng quy định quản lý thuế, thực hiện nghiêm túc thanh tra kiểm tra ít nhất 17-18% DN
Tập trung đấu tranh chống chuyển giá là một nội dung rất quan trọng. Hiện Bộ Tài chính đã lập 5 đơn vị chống chuyển giá ở 4 cục và tổng cục, hết năm nay sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ cập nhật 11.500 DN FBI đang nợ đọng. Chúng tôi hi vọng công tác chống chuyển giá sang năm sẽ có điều kiện để đẩy mạnh.
Cuối cùng, giải pháp quan trọng nhất vẫn phải là thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hiện nay ta đã sửa chính sách: Từ 1/1/2016 thuế TNDN từ 22% giảm xuống 20%, DN vừa và nhỏ từ 20% giảm xuống 17%. Kinh nghiệm quản lý cho thấy càng giảm thu, kết hợp tăng cường kiểm tra chống thất thu thì số thu càng tăng.
Thưa Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh nói sau khi cân đối ngân sách 2015 chỉ còn 45.000 tỷ nên không biết tiêu gì, xin ông xác nhận con số này có đúng không? Bình luận của Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào? Ngân sách ít ỏi như vậy liệu có đảm bảo cho đầu tư phát triển?
Con số 45.000 tỷ đó là đúng, tuy nhiên ngoài số 45.000 tỷ này nếu tính đúng tính đủ thì còn khoản ODA khoảng 50.000 tỷ nữa, như vậy ngân sách dành cho 2016 là 95.000 tỷ.
Theo số liệu: Chi đầu tư phát triển theo dự toán năm ngoái là 195.000 tỷ, năm nay là 255.000 tỷ như vậy là tăng 60,750 tỷ. So dự toán năm ngoái thì con số tương đối tăng 31,2%. Hai bộ Kế hoạch Đầu tư và Tài chính đều thống nhất con số này. Tuy nhiên trong cơ cấu của nó thì có ý kiến khác nhau. Sau khi trừ phần vốn ODA, phần thu đất ra thì phần được chia cho các dự án cụ thể thấp hơn so với tốc độ năm ngoái. Bộ Tài chính cho rằng cái đó là cần thiết và đúng nhưng tổng đầu tư cho phát triển so dự toán năm ngoái thì tiền ODA và tiền thu đất mặc dù không được chia trực tiếp nhưng vẫn là tiền ngân sách nên vẫn đảm bảo cho đầu tư phát triển. Con số Bộ trưởng Vinh nói là con số chi phối được ngoài ODA và đất. Chính xác còn 95.000 tỷ, bao gồm cả ODA mặc định cho các dự án đã được chọn lựa.
Họp báo Bộ Tài chính sáng 26/10 về thu chi ngân sách 2015
Trong lúc khó khăn như vậy, Bộ Tài chính lại trình Quốc hội đề án xóa nợ thuế hơn 1.000 tỷ của DN Nhà nước, như vậy có bất hợp lý và bất công bằng với các DN ngoài Nhà nước không?
Sau khi thỏa luận ở UBTVQH, vấn đề xóa nợ được thống nhất không đưa vào luật (sửa luật) mà đưa vào nghị quyết. Xóa nợ lần này Chính phủ tập trung vào một việc thôi là xóa nợ để góp phần thúc đẩy tái cơ cấu lại DNNN, trong đó chỉ tập trung vào 2 nhóm đối tượng:
Nhóm đối tượng thứ nhất: DNNN đã trong danh sách phải cổ phần hóa (CPH), sắp xếp để bán, cho thuê, đã được duyệt rồi nhưng DN này đang nợ thuế và lỗ lũy kế lớn hơn số thuế nợ thì xin xóa nợ để DN có vốn chủ sở hữu dương, đủ điều kiện để CPH. Nếu không xóa nợ thì nó phá sản, vì khi đó DN lỗ, bị âm vốn chủ sở hữu, có bán cũng không ai mua.
Nhóm đối tượng thứ hai: DN đã CPH rồi nhưng khi xây dựng đề án xác định giá trị CPH thì không đưa số nợ thuế này vào hoặc là phát sinh sau khi CPH rồi mới kiểm tra phát hiện ra, khi đó cũng buộc phải tiến hành xóa nợ.
Thứ trưởng vừa nhắc đến việc xóa nợ thuế cho DNNN, có tình trạng là 4 năm qua các ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã nhiều lần xin miễn giảm thuế thu nhập DN sau khi cùng Nhà nước tham gia hỗ trợ sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Quan điểm của Bộ tài chính về vấn đề này như thế nào? Có miễn giảm cho họ như xóa nợ thuế DNNN không?
Trong tái cơ cấu vừa rồi không có miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nọ mua doanh nghiệp kia. Vì đây là nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng. Ngân hàng được trích quỹ dự phòng rủi ro. Khi xử lý nợ xấu, ngân hàng được bán cho công ty mua bán nợ hoặc được xử lý bán nợ xấu để vào. Nợ xấu của họ gỉa sử 10 tỷ, họ chỉ bán tài sản đảm bảo được 6 tỷ thôi, còn 4 tỷ tính vào quỹ dự phòng rủi ro thì không lý gì được giảm thuế. Luật pháp không cho phép, cũng như thông lệ quốc tế không có điều này. Chỉ có một điểm là khi bán tài sản đảm bảo nếu hòa hoặc âm tiền thì không tính thuế khoản bán này.
Câu chuyện cân đối ngân sách không chỉ phụ thuộc vào thu đầu vào mà chi như thế nào cũng rất quan trọng. Các năm qua, chủ trương của Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm giảm 10% chi phí. Tuy nhiên chi thường xuyên vẫn tăng cao rõ ràng các giải pháp tiết kiệm dường như không hiệu quả? Thứ trưởng nhận định về vấn đề này như thế nào?
Phải nói là năm 2016 cơ cấu chi ngân sách thường xuyên có tiến bộ, con số chi có giảm. Trong cơ cấu chi thường xuyên, tiền lương chiếm tỉ lệ cao, nhiều ngành, lĩnh vực chi trên 75% lương. Các nhiệm vụ liên quan đến xóa đói giảm nghèo cũng chiếm con số chi không nhỏ. Hiện nay ta nâng chuẩn nghèo, đơn chiều đến đa chiều nên chi cho vấn đề này nhiều. Nhìn chung chi thường xuyên thì các bộ ngành “đi ngang ngang”, chỉ tăng để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, thực hiện xóa đói giảm nghèo, tăng lương đối với đối tượng lương thấp và an sinh xã hội.
Xin hỏi Thứ trưởng một câu liên quan đến nợ công. Chúng ta biết nợ công của Việt Nam tăng dần qua từng năm: 47, 48, 59%, hiện nay là 61%. Đại biểu Quốc hội băn khoăn tỉ lệ nợ công cao như vậy liệu có an toàn hay không? Bộ Tài chính sẽ xử lý vấn đề nợ công những năm tới ra sao?
Hiện nay trong Luật quản lý nợ công, hiệp ước của Quốc hội cũng như chấp hành của Chính phủ vẫn xác định ngưỡng tối đa cho phép của nợ công là 65%. Mấy năm nay con số này có tăng: 47, 48, 59 rồi 61%. Theo dự toán ngân sách hiện nay nếu tính đủ 50.000 tỷ ODA của 2016 thì nợ công của chúng ta khoảng 63,2% . Chúng tôi cho rằng con số này vẫn trong ngưỡng cho phép nhưng đã ở mức độ cao.
Trong báo cáo kế hoạch 5 năm chúng tôi luôn xây dựng và chấp hành một phương án ngân sách không bao giờ được vượt quá 65%. Ngoài ra, theo kinh nghiệm thế giới, sự an toàn kinh tế của một quốc gia không chỉ phụ thuộc con số nợ công mà còn phụ thuộc tỉ lệ tăng trưởng và mức bội chi. Cụ thể, nợ công 65% chỉ an toàn khi tăng trưởng 3% trở lên và bội chi dưới 5%. Mức 65% phải đi với 2 điều kiện này. Nếu hai mức này không đảm bảo thì phải điều chỉnh con số nợ công.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo ANTT
Post a Comment