Gián là loài côn trùng gây hại cho con người. Chỉ cần một con xuất hiện sẽ có cả tổ gián trong nhà bạn. Việc đuổi, tiêu diệt gián ra khỏi nhà rất khó.

Loài gián

Các loại gián nhà thường gặp là gián Mỹ (Periplaneta americana), gián Úc (Periplaneta australasiae), gián Đông Phương (Blatta orientalis), gián có băng vàng, nâu (Supella longipalpa), gián Đức (Blattella germanica).

Gián sinh trưởng qua 3 giai đoạn: trứng, thiếu trùng và con trưởng thành. Tùy theo điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, trứng gián có thể nở thành thiếu trùng sau từ 1 đến 3 tháng. Thiếu trùng hay còn gọi là gián con thường không có cánh và dài chỉ vài milimét. Khi mới nở có màu trắng và đen dần sau vài giờ. Gián con lột xác và lớn lên, phát triển thành gián trưởng thành từ sau vài tháng đến hơn một năm tùy theo loài. Gián trưởng thành có thể có cánh hoặc không có cánh.

Gián nhà thường sống chung với người và gây hại cho con người ở trong nhà tại những vùng có khí hậu nhiệt đới, ôn đới, ấm áp, ẩm thấp, có thức ăn thích hợp. Chúng sống thành đàn và hoạt động mạnh về ban đêm, còn ban ngày tìm nơi tối tăm, ẩm thấp để trú ẩn như ở hố hốc, kẽ tường, kẽ cửa, kẽ tủ, nhà vệ sinh, tủ đựng bát đĩa và đồ ăn, nơi để các thiết bị truyền thanh, truyền hình và các dụng cụ điện; ống nước và rãnh thoát nước, chuồng gia súc... Trong đêm tối, gián thường bò đi tìm thức ăn ở nhà bếp, tủ đựng bát đĩa và thức ăn, nơi thùng rác, cống rãnh thoát nước...

Gián nhà thường sống chung với người và gây hại cho con người

Gián là loài côn trùng thuộc loại phàm ăn và ăn tạp vì chúng ăn được tất cả các loại thức ăn của con người, nhưng món “khoái khẩu” nhất đối với chúng là các loại thức ăn có chất bột và đường như sữa, bơ, bánh ngọt, sô cô la... Khi không có thức ăn ngon, gián cũng có khả năng ăn cả bìa gáy sách, tủ đựng đồ đạc và trần nhà có chất bột, thậm chí cả đế giày, tấm lót giày, xác lột và xác chết của chúng, máu tươi, máu khô, phân... và tệ hại hơn nữa là nhấm luôn cả móng chân, móng tay của trẻ em, người ốm, người lớn đang ngủ ngon giấc...

Khi gián phát triển quá nhiều và quá đông đúc, chúng có khả năng di cư đến nơi ở mới bằng cách bò hay bay thành đàn để tìm chỗ sinh sống.

Gián nhà và khả năng truyền bệnh

Gián nhà là loại côn trùng có hại cho sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của con người vì chúng có tập tính sống ở những nơi bẩn thỉu, hủy hoại và làm thức ăn bị nhiễm khuẩn, đồng thời có thể gặm nhấm làm hư hỏng một số vật dụng như quần áo, vải vóc, bìa gáy sách vở... Chúng vừa ăn vừa nôn mửa những thức ăn mà chúng đã tiêu hóa một phần và đào thải phân rải rác khắp nơi. Các chất bài tiết, nôn mửa từ miệng gián, các tuyến trên cơ thể của gián có mùi hôi đặc biệt, rất khó chịu và đọng lại rất lâu trên những vật dụng mà nó đã đi qua. Có lẽ bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được cái mùi rất đặc trưng của loài gián sống gần gũi và làm phiền hà cho mình, một số người thường bị dị ứng với gián khi có sự tiếp xúc thường xuyên.

Hoạt động của gián nhà là bò, chạy tự do từ nhà này sang nhà khác, từ cống rãnh, vườn tược, hố rác, nhà vệ sinh... rồi vào nhà ở để trú ẩn. Chúng có thể ăn tất cả những chất thải cũng như thức ăn của con người nên thường mang và phát tán mầm bệnh tấn công con người. Gián không phải là tác nhân gây bệnh nhưng nó là trung gian truyền và phát tán một số loại bệnh đã được khẳng định hoặc nghi ngờ vì nó mang mầm bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, dịch tả, phong, dịch hạch, thương hàn, virus bại liệt... Ngoài ra, nó còn mang các loại trứng giun đường ruột, gây tác động kích thích dị ứng, ngứa, viêm da, mí mắt và các rối loạn hô hấp khác tùy theo mức độ.

Làm thế nào để phòng, chống gián nhà?

Mẹo đuổi gián ra khỏi nhà

1. Triệt tiêu môi trường sống yêu thích, nguồn nước và nguồn thức ăn của chúng

Gián sống được phải có nước. Chúng có thể sống một tháng không cần ăn nhưng không thể sống một tuần mà thiếu nước. Tìm tất cả các nguồn nước rò rỉ trong nhà bạn và sửa chữa chúng. Khi mất nguồn cung cấp nước, gián sẽ dễ sa vào bẫy của bạn.

Giữ nhà cửa sạch sẽ: Lau nhà thường xuyên bằng nước lau sàn. Địa điểm đầu tiên bạn cần chú ý chính là nhà bếp. Sau bữa ăn, rửa sạch bát đĩa và cất giấu thức ăn thừa cẩn thận. Đặc biệt chú ý lau dầu mỡ vương vãi trên bếp vì gián rất thích món này.

Giữ thức ăn trong hộp kín, không lưu trữ thức ăn quá hạn sử dụng. Không để trái cây trên mặt bàn.

Thu dọn thùng rác thường xuyên, nên dùng thùng rác có nắp đậy kín.

2. Dùng bả gián

Dùng các bả, mồi gián bán sẵn ở các cửa hàng thuốc thú y. Trộn lẫn bả với thực phẩm mà gián yêu thích (bột bánh, dầu ăn, mỡ, đường) và đặt ở gần tổ của chúng. Bả gián thường chứa fipronil 0,05% hoặc hydramethylnon 2%. Một con gián ăn phải bả, sau đó bài tiết chất độc ở tổ khiến các con gián khác chết theo. Để giết hết sạch gián bằng phương pháp này có thể mất vài tuần với vài ba đời gián.

Bạn cũng có thể tự làm bả gián: trộn một phần bột axit boric (rất dễ mua ở các hiệu thuốc) với đường hoặc bột mì nhằm thu hút gián. Hỗn hợp này sẽ đóng bánh trong môi trường ẩm ướt vì vậy bạn có thể bỏ vào khay hoặc giấy nếu đặt trong tủ, bếp nhà bạn.

Dù axit boric, fipronil không quá độc với người nhưng nên đặt ở những nơi chỉ có gián tiếp cận được, để phòng trẻ nhỏ và thú nuôi lỡ ăn phải.

3. Sử dụng các thuốc xịt côn trùng

Tiêu diêt gián

Bạn có thể xịt các loại thuốc xịt côn trùng vốn được bán sẵn ở các cửa hàng thuốc thú y. Chú ý làm theo hướng dẫn sử dụng vì rất nhiều thuốc độc hại với không chỉ gián mà cả người.

Hoặc bạn có thể chế thuốc xịt côn trùng bằng cách pha xà phòng, nước lau sàn với nước lã theo tỷ lệ 1:1, hoặc xay nhuyễn 4 quả chanh (cả vỏ) với hai lít nước rồi xịt vào tổ gián.

4. Sử dụng bẫy gián

Những chiếc bẫy gián bán sẵn ở các cửa hàng có chất dính khiến gián chui vào đây và không ra được.

Bạn cũng có thể làm một cái bẫy đơn giản và hiệu quả bằng cách đặt một cái lọ nhỏ, trong chứa bã cà phê hoặc nước sát bên tường khiến gián rơi vào và không ra được.

5. Các cách khác

Đặt những viên băng phiến (long não) ở các góc nhà, gián rất sợ những mùi này.

Nếu bạn muốn giết gián ngay lập tức, có thể xịt cồn.

Chất đuổi gián tự nhiên là tinh dầu bạc hà, vỏ dưa leo, vỏ cam quýt, tỏi, và dầu đinh hương. Để những thứ này trong nhà cũng khiến gián không muốn lại gần.

Lắp đèn huỳnh quang vào các tủ bếp và bật sáng, hoặc bật sáng bất cứ khu vực nào bạn không muốn có gián. Gián rất sợ ánh sáng.

Các lưu ý

  • Luôn đóng nắp các lỗ thoát nước trong phòng tắm, vì thế gián không thể từ các cống rãnh chui lên.
  • Không để đồ đạc chất đống, lộn xộn. Gián có thể làm tổ ở bất cứ chỗ nào, từ đống giấy báo cho đến quần áo, giẻ lau. Nó có thể làm tổ ở tầng áp mái, tầng hầm, nhà kho... không có một giới hạn nào cả.
  • Khi sắp xếp nồi niêu xoong chảo, bát đĩa... trên giá, nên úp ngược xuống, để những vật này không trở thành nơi đựng phân hay trứng gián.
  • Nếu bạn giẫm nát hay đập bẹp một con gián, hãy nhớ lau sạch khu vực xung quanh cũng như đế giày dép hay dụng cụ đập gián. Bởi khi gián chết, trứng của nó vẫn có thể nở nếu không bị xử lý nhanh chóng.
  • Muốn dùng bả và bẫy gián hiệu quả, bạn nên đặt ở nhiều khu vực, đặc biệt là gần đường đi của chúng hoặc nơi có phân gián. Khi đã đặt bả và bẫy, lưu ý không nên làm sạch khu vực đó quá, kẻo gián sẽ chuyển đường đi.
  • Dọn sạch phân chó và mèo phân trong sân, vì đây có thể trở thành thức ăn cho gián hoặc gián đi qua và mang bẩn vào nhà.
  • Hãy trét kín các lỗ nhỏ, vết nứt, khe hở dọc tường và chân tường, nơi những con gián nhỏ hoặc trứng gián đang ẩn náu.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top