Ngày 29/11, báo Thanh Niên dẫn tin, báo cáo của UBND TP.HCM khẳng định, TP cơ bản không còn dự án treo. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát thực tế ở các địa phương, người dân còn ca thán rất nhiều.
Theo Thanh Niên, thông tin trên là nỗi bức xúc của nhiều đại biểu tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM với UBND TP về Nghị quyết 16 diễn ra vào chiều 28/11.
Trước đó, báo cáo của UBND TP.HCM cho thấy, toàn TP có 1.269 dự án đã được chấp thuận địa điểm đầu tư và có quyết định thu hồi, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Đến nay, TP đã xóa 577 dự án không khả thi và nhận định “cơ bản xử lý chấm dứt tình trạng dự án chậm triển khai”.
Tuy nhiên, tại buổi giám sát, các đại biểu (ĐB) HĐND không đồng tình với nhận định này.
Thông tin về vấn đề trên, báo Thanh Niên dẫn lời ĐB HĐND Cao Thanh Bình cho biết, các địa phương phản ánh nhiều dự án hết hạn, chậm triển khai nhưng chủ đầu tư không trả lại mà còn khiếu nại.
Ông Bình dẫn các dự án: 130 Hàm Nghi Q.1, đại học quốc tế ở Củ Chi, chung cư Khánh Hội (Q.4) hay khu đô thị Sing Việt... làm ví dụ cho nhận định trên.
Cùng thông tin vụ việc, báo Pháp Luật TP.HCM cũng dẫn lời ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Ông Kiên cho biết, TP “trảm” gần 600 dự án nhưng thu hồi xong, giải quyết những dự án đó theo hướng nào, đem lại quyền lợi gì cho dân thì chưa được nêu rõ.
Một dự án treo hơn 20 năm ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) khiến người dân khốn khổ vì đất bỏ hoang (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ). |
ĐB Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM cũng thông tin, tại khu đô thị ĐH ở quận 9, hàng trăm ha đất đã được giao cho sáu trường đại học 14 năm qua.
Tuy nhiên, đến nay chỉ có duy nhất trường đại học Luật triển khai dự án, năm trường còn lại “xí” đất rồi để đó khiến cuộc sống của người dân rất khổ sở.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đánh giá dự án chậm triển khai luôn là một vấn đề nóng và gây nhiều bức xúc cho dân.
“Người dân bức xúc nhất là Nhà nước giao đất cho nhà đầu tư xong chậm triển khai, chậm bồi thường, hoặc quy hoạch rồi không biết khi nào triển khai. Người dân muốn chuyển nhượng, xây mới, tách thửa không được, sửa chữa cũng rất khó khăn”, bà Tâm nói.
Trả lời những vấn đề đại biểu quan tâm, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP giãi bày, công tác tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch là điều rất khó. Nhất là đặt trong bối cảnh quỹ đất đối với TP là tài nguyên, là nguồn vốn.
"Nếu không quản lý tốt sẽ lãng phí. Mặc dù đã biết được những tồn tại trên nhưng bài toán triển khai thế nào để không còn dự án treo, đồ án quy hoạch treo là vô cùng khó", vị Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Ông Tuyến cũng thừa nhận, chất lượng quy hoạch chưa cao nên thường xuyên phải điều chỉnh cục bộ, tổng thể, thậm chí ở từng dự án.
“Như quỹ đất dành cho giao thông chưa đủ, TP nằm trong nhóm cuối cả nước, chỉ mới đáp ứng khoảng 20%. Nhưng có quy hoạch rồi mà không có tiền làm, nên đụng đến quyền lợi người dân rất lớn. Trường học, công viên cũng vậy, làm không được nhưng bỏ không dám”, ông Tuyến nói.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch, hiện UBND TP xin chủ trương của Thành ủy cho rà soát lại, những dự án quá hạn sẽ thu hồi, sử dụng cho hiệu quả, nhất là có quỹ đất làm BT.
Cùng nội dung, trao đổi trên báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận, không quy hoạch thì không được, quy hoạch mà không làm thì càng gây bức xúc cho dân.
Theo đó, ông Tuyến đề xuất, nếu quy hoạch khả thi và nhắm đủ nguồn lực thực hiện thì Nhà nước hãy công khai. Còn nếu quy hoạch lâu dài nhưng chưa xác định được nguồn lực thực hiện thì “xả” ra, khi nào thực hiện thì bồi thường cho dân theo quy định của pháp luật. “Có như thế mới giải quyết được quyền lợi cho dân” ông Tuyến nói.
Hà Nguyễn (tổng hợp)
Post a Comment