Đối thoại Shangri-la năm nay dự kiến tập trung chính vào vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền trong khu vực ngày càng tăng.

Đối thoại Shangri-la sẽ nóng vì vấn đề Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự Đối thoại Shangri-la lần thứ 14 tổ chức tại Singapore ngày 30/5/2015. Ảnh: AFP.

Đối thoại an ninh Shangri-la, diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương, lần thứ 15 sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 3 đến 5/6 trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có những căng thẳng liên quốc gia ngày càng rõ rệt.

Cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý đến hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các thực thể nước này chiếm phi pháp ở Biển Đông và tốc độ quân sự hóa tại một số bãi đá, Tim Huxley, giám đốc khu vực châu Á, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết trên website IISS.

Theo ông Huxley, các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đều phản đối mạnh mẽ những hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

Mỹ cùng đồng minh và đối tác an ninh tại khu vực cũng phản đối chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc. Hải quân Mỹ từ cuối năm 2015 đã triển khai hàng loạt đợt tuần tra tự do hàng hải để thể hiện lợi ích của Washington trong việc duy trì tự do đi lại trên không, trên biển ở khu vực.

Ông Huxley cho biết có nhiều suy đoán về hành động tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, chuẩn bị có phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra chiếm gần như toàn bộ Biển Đông.

Ngoài Biển Đông, Đối thoại Shangri-la năm nay còn bàn về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đang gia tăng ở khu vực, nạn buôn lậu, cướp biển và an ninh mạng.

Đối thoại Shangri-la, tổ chức thường niên từ năm 2002, tạo cơ hội cho bộ trưởng quốc phòng các nước châu Á – Thái Bình Dương và nhiều quốc gia khác có lợi ích trong khu vực nhóm họp với những viện chính sách phi chính phủ hàng đầu nhằm làm rõ những chính sách khu vực, tìm kiếm lĩnh vực có thể cùng nhất trí và có tiềm năng hợp tác.

Shangri-la năm nay có hơn 30 quốc gia cử phái đoàn tham dự, trong đó có ít nhất 20 bộ trưởng quốc phòng. Đoàn của Trung Quốc do Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, dẫn đầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm nay bắt đầu khởi hành chuyến thăm đến một số địa điểm và sẽ dừng chân ở Singapore dự Đối thoại Shangri-la cùng các lãnh đạo quân sự Mỹ cấp cao, theo AFP. Ông tuần trước tuyên bố việc Trung Quốc bành trướng quân sự ở Biển Đông đe dọa thịnh vượng khu vực và hành động này có thể dựng lên "Vạn Lý Trường Thành của sự tự cô lập".

Như Tâm

Theo VNE

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top