Nhờ lợi thế đất vàng, Hapro sẽ trở thành khoản đầu tư "đáng đồng tiền bát gạo" của bà Nguyễn Thị Nga.
Từ thương vụ 1.800 tỷ đồng với Hapro
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định cho phép công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco), thuộc tập đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, tham gia mua 65% cổ phần qua đó trở thành cổ đông chiến lược của Hapro.
Sau phiên IPO vào ngày 30/3/2018, thương vụ trên nhiều khả năng sẽ hoàn tất và Hapro sẽ chính thức đổi chủ.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch tập đoàn BRG
Với mức giá khởi điểm 12,800 đồng/cp, theo tính toán, số tiền tập đoàn BRG phải bỏ ra sẽ không dưới 1.800 tỷ đồng và việc thâu tóm Hapro tiếp tục cho thấy tham vọng của nữ đại gia gốc Bắc. Quỹ đất hiện tại của Hapro lên tới 114 địa điểm, trong đó có nhiều vị trí đắc địa như tại Lê Duẩn, Đinh Tiên Hoàng, Cát Linh (Hà Nội), Quang Hanh (Quảng Ninh).
Ngoài Hapro, bà Nga từng là Chủ tịch Công ty cổ phần Intimex từ năm 2009. Tuy nhiên, vào tháng 6/2017, thông tin từ Intimex cho biết bà Nga đã rời khỏi vị trí trên. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do mức lợi nhuận thấp của doanh nghiệp này. Năm 2015, 2016, con số lợi nhuận sau thuế của Intimex chỉ đạt lần lượt là 800 và 700 triệu đồng.
Thương vụ với đại gia ngành thực phẩm, đồ uống Hapro không phải là dự án đình đám duy nhất của bà Nguyễn Thị Nga. Hồi năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản, tập đoàn BRG của bà Nga đã ký thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Sumitomo của Nhật để xây dựng mô hình thành phố thông minh hiện đại nhất Đông Nam Á tại hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài.
Theo thông tin được các bên công bố, dự án sẽ rộng khoảng 310 ha và tích hợp nhiều tiện ích hiện đại. Dự kiến, tổng chi phí xây dựng lên tới 4 tỷ USD.
Đến những dự án khách sạn nghìn tỷ
Từng tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân và có thời gian học tập tại nước ngoài, bà chủ BRG rất nhanh nhạy với những thay đổi của nền kinh tế. Trong đó, nữ đại gia sinh năm 1955 đặc biệt chú ý đến lĩnh vực địa ốc.
Năm 2012, tập đoàn BRG từng khiến giới đầu tư ngỡ ngàng với bản hợp đồng mua lại khách sạn Hilton Hanoi Opera, một trong những địa điểm nghỉ dưỡng cao cấp bậc nhất tại Hà Nội, từ các đối tác nước ngoài. Được biết, bà Nga đã thông qua doanh nghiệp của mình mua 70% cổ phần của khách sạn tại sàn chứng khoán Anh vào năm 2009 trước khi thâu tóm nốt phần còn lại ba năm sau đó.
Khách sạn Hilton Hanoi Opera toạ lạc tại khu đất kim cương ngay trung tâm thủ đô Hà Nội.
Năm 2014, bà Nga tiếp tục chi tiền tỷ để sở hữu cổ phần tại công ty TNHH Một thành viên Khách sạn Du lịch Thắng Lợi. Khi công ty chuyển sang mô hình cổ phàn, bà Nga trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Nhận thấy tiềm năng từ các khu nghỉ dưỡng cao cấp, sau khi đổi tên, công ty Cổ phần khách sạn Thắng Lợi đã hợp tác với Tập đoàn Hilton Worldwide (Mỹ) để nâng cấp và phát triển khách sạn Thắng Lợi thành một tổ hợp 2 khách sạn hạng sang mang thương hiệu Hilton Hanoi Westlake và Double Tree by Hilton Hà Nội Westlake.
Được biết, theo dự tính, Hilton Hanoi Westlake sẽ bao gồm gần 300 phòng khách sạn và căn hộ dịch vụ còn khách sạn Double Tree by Hilton Hà Nội Westlake sẽ có 320 phòng khách sạn. Tất cả đều mang kiến trúc và tiện ích đẳng cấp quốc tế. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Cũng liên quan đến lĩnh vực nghỉ dưỡng, năm 2016, bà Nga và BRG còn thâu tóm khách sạn 4 sao Sedona Suites Hanoi tại khu vực Quảng Bá, Đông Bắc Hồ Tây với số tiền lên đến 31,5 triệu USD.
Ngoài ra, sau khi gây chú ý khi cùng BRG mua lại 25,8 triệu cổ phiếu của công ty TNHH một thành viên Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam) vào năm 2015, bà Nga cũng đưa doanh nghiệp này lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.
Tài sản của bà Nga rất khó để thống kê chính xác. Bên cạnh địa ốc, bà còn nắm trong tay hệ thống sân golf cao cấp Ruby Tree Golf Resort, Legend Hill Golf Resort. Tập đoàn BRG cũng góp vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam với dự án xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới (636 mét) tại khu đô thị Tây Hồ Tây. Tổng mức đầu tư dự kiến vượt hơn 1 tỷ USD.
Tiến Thành.
Post a Comment