Ngay sau khi thương vụ giữa Uber và Grab được công bố, dựa vào luật Cạnh tranh, cơ quan quản lý của bộ Công Thương đã vào cuộc. Nhưng luật pháp Việt Nam có đủ điều kiện để xem xét một cuộc sáp nhập ngoài biên giới hay không?

Luật pháp Việt Nam và thương vụ ngoài biên giới

Khi Uber công bố việc bán toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab, trong đó có thị trường Việt Nam đã dấy lên một cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề thương vụ này có vi phạm luật Cạnh tranh hay không.

Ngay sau đó, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng của bộ Công Thương đã có văn bản gửi công ty TNHH Grab Taxi.

Văn bản nêu: “Để có căn cứ xem xét, đánh giá việc mua lại theo quy định của pháp luật cạnh tranh, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc mua lại nêu trên và hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á” và báo cáo trước ngày 3/4.

Yêu cầu này xuất phát từ quy định kiểm soát tập trung kinh tế (điều 3, chương II, luật Cạnh tranh). Hành vi "tập trung kinh tế" được quy định trong luật Cạnh tranh có hành vi “mua lại, sáp nhập doanh nghiệp”.

Tiêu dùng & Dư luận - Bộ Công Thương can thiệp, Grab lên tiếng về thương vụ với Uber

Grab phải báo cáo thương vụ sáp nhập Uber với bộ Công Thương theo pháp luật Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của viện Kinh tế và Quản lý TP. Hồ Chí Minh (VCCI) cũng cho rằng, bất cứ đối tác nào khi kinh doanh cũng phải chịu điều chỉnh của tất cả các quốc gia có địa bàn kinh doanh.

“Uber và Grab phải báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành Việt Nam là hợp lý. Về thực tế, cả Uber và Grab trong thời gian gần đây vướng nhiều vấn đề nên việc siết chặt kiểm soát là quyền của nước cho phép kinh doanh, trong thời gian đang soạn và điều chỉnh luật”, ông Dũng trao đổi với PV báo Người Đưa Tin.

Chưa đủ cơ sở để kết luận vi phạm luật Cạnh tranh

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật BASICO cho rằng chưa đủ cơ sở khẳng định việc Uber sáp nhập vào Grab vi phạm luật Cạnh tranh.

Ông Đức cho biết: “Việc sáp nhập là 2 doanh nghiệp ở nước ngoài, còn Grab Việt Nam là pháp nhân Việt Nam độc lập, chỉ có 49% vốn của Grab nước ngoài. Do đó việc xem xét xác định thị phần thế nào là chưa rõ. Giống như Google chiếm thị phần tra cứu thông tin rất lớn ở Việt Nam, nhưng nếu có việc sáp nhập, hợp nhất thì được áp dụng theo luật của Mỹ, chứ không áp dụng luật Việt Nam”.

Tiêu dùng & Dư luận - Bộ Công Thương can thiệp, Grab lên tiếng về thương vụ với Uber (Hình 2).

Văn phòng của Uber đã đóng cửa sau thông tin sáp nhập với Grab.

Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, cơ quan chức năng chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ, nên chưa đủ cơ sở khẳng định thị phần kinh doanh taxi thế nào.

“Ít nhất cũng phải tách bạch được phần liên kết với các hãng taxi và phần còn lại (nếu có). Và kể cả trường hợp đã xác định rõ, hai hãng này là kinh doanh taxi và xác định được thị phần liên quan thì cũng còn phải xác định tiếp là tính quy mô doanh thu trên toàn bộ 100% hay chỉ trên 20% doanh thu, là phần mà họ được hưởng và phải nộp thuế (80% còn lại là thuộc về các hãng taxi và tổ chức, cá nhân khác có đăng ký kinh doanh vận tải)”, ông Đức nêu quan điểm.

Luật sư Trương Thanh Đức thông tin: “Theo quy định tại điều 20 về “Thông báo việc tập trung kinh tế” của luật Cạnh tranh năm 2004, các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cục Quản lý cạnh tranh, bộ Công thương trước khi tiến hành tập trung kinh tế”.

Theo đó, trong thời hạn 45 ngày (trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì có thể gia hạn không quá 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày), kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ thông báo sáp nhập, cục Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp về việc sáp nhập có bị cấm hay không và nêu rõ lý do.

“Nếu việc sáp nhập (tập trung kinh tế) thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước nào thì phải tuân thủ quy định đó, nên việc phải làm thủ tục tại 1, một số hay cả 11 nước trong khu vực là tùy thuộc vào phạm vi ảnh hưởng và luật Cạnh tranh của các nước”, ông Đức đánh giá.

Bị lo ngại độc quyền, Grab Việt Nam lên tiếng

Thâu tóm Uber khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), Grab đang đứng ở thế độc quyền giá cước, khiến người tiêu dùng lo lắng. Đặc biệt, các đối thủ taxi truyền thông cũng lên tiếng cho rằng Grab sẽ tiến tới độc quyền, gây ảnh hưởng đến thị trường.

Theo các hãng taxi truyền thống, khi Grab thâu tóm xong Uber, có thể dễ dàng định đoạt giá cước, định đoạt tỷ lệ phần trăm triết khấu của đối tác và tài xế. Từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch công ty Grab Việt Nam lại cho rằng, thương vụ này sẽ tốt hơn cho khách hàng trong lâu dài.

Tiêu dùng & Dư luận - Bộ Công Thương can thiệp, Grab lên tiếng về thương vụ với Uber (Hình 3).

Đại diện của Grab tại Việt Nam lên tiếng.

"Bây giờ khách hàng có thể rất vui khi được khuyến mãi nhiều, nhưng một công ty không bao giờ có thể khuyến mãi suốt đời. Và khách hàng sẽ sốc khi không còn khuyến mãi nữa. Do đó, để công ty hoạt động có lời, phát triển bền vững, giá cả hợp lý, ổn định lâu dài… sẽ tốt hơn cho khách hàng”, ông Tuấn Anh nói.

Không tiết lộ con số lợi nhuận cụ thể, song lãnh đạo Grab Việt Nam khẳng định Grab có thu nhập tốt ở thị trường Việt Nam.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top