Con nhện mạng phễu đực lớn hiếm có được đưa tới công viên bò sát Australia để chích nọc sản xuất huyết thanh.
Công viên bò sát Australia ở New South Wales được quyên tặng một con nhện mạng phễu đực lớn, loài nhện độc nguy hiểm nhất thế giới, Science Alert hôm qua đưa tin. Con nhện to đến mức đội ngũ nhân viên quyết định đặt tên cho nó là Colossus, có nghĩa là "gã khổng lồ".
Nhện mạng phễu Sydney sở hữu nọc độc mạnh nhất trong 35 loài thuộc họ này, có thể giết chết một người trưởng thành trong vài phút. Con đực không chỉ hung dữ mà còn thích ẩn nấp quanh nơi ở của con người khi tìm bạn tình.
Tuy nhiên, nọc độc của nhện mạng phễu rất quý giá đối với điều chế huyết thanh kháng độc. Đó cũng là lý do Colossus được đưa tới công viên bò sát, nơi điều hành chương trình chích nọc.
Sải chân của Colossus dài 7,8cm. Thông thường, nhện mạng phễu đực có sải chân khoảng 1 - 5cm. Nhưng nó không phải con nhện lớn nhất từng được giao cho công viên bò sát. Danh hiệu đó thuộc về một con nhện mạng phễu Sydney đực tên Big Boy với sải chân lên đến 10cm.
Cả hai cá thể nhện đều rất hữu ích đối với chương trình chích nọc, được thực hiện mỗi tuần một lần. Nọc độc được đưa tới một phòng thí nghiệm để sản xuất huyết thanh. Tuy nhiên, nọc độc của nhện mạng phễu chỉ chí mạng đối với loài linh trưởng và côn trùng.
Nọc độc của nhện mạng phễu rất quý giá đối với điều chế huyết thanh kháng độc.
Những con thỏ không bị ảnh hưởng bởi nọc độc được tiêm một lượng nọc nhất định. Hệ thống miễn dịch của chúng sẽ sinh ra kháng thể. Các chuyên gia thu thập kháng thể sau đó phục vụ điều chế huyết thanh, giúp trung hòa nọc độc ở người bị nhện cắn.
Tháng 1 và 2 là thời gian dễ gặp nhện mạng phễu nhất trong năm bởi những con đực thường lang thang tìm bạn tình. Chúng ưa thích những chỗ có bóng râm ẩm ướt và mát mẻ, bao gồm giày, phòng giặt ủi và chồng củi.
Post a Comment