Ngày 2/3, bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND TP.Đà Nẵng đã có buổi làm việc về nhiều nội dung quan trọng liên quan các dự án trọng điểm trên địa bàn. Phía bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu cùng các vụ trưởng, tổng cục trưởng thuộc bộ; phía Đà Nẵng có ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy; ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố cùng các lãnh đạo sở ngành liên quan.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, hiện ở địa phương có nhiều dự án lớn trong lĩnh vực GTVT như xây dựng cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1); dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng; dự án hoàn trả kinh phí đường ĐT 601; dự án công trình tuyến đường gom dọc đường sắt từ Ngã Ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm;...
Trong đó, có nhiều dự án mà bộ GTVT cùng lãnh đạo Đà Nẵng đã bàn bạc nhiều năm qua, nhưng còn nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ, thực hiện. Cũng có nhiều dự án lớn mà Đà Nẵng mong muốn nhanh chóng thực hiện, qua đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bộ GTVT và lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã có buổi làm việc cởi mở, thẳng thắn khi bàn về nhiều dự án, cũng như tháo gỡ các vướng mắc.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, về dự án xây dựng cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1) là rất cấp thiết. Theo thống kê, khối lượng hàng qua cảng Đà Nẵng năm 2016 đạt 7,25 triệu tấn, dự báo sẽ tăng lên khoảng 12 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030. Lượng hàng này sẽ vượt qua năng lực của khu bến Tiên Sa, Sơn Trà sau năm 2020.
Chưa hết, với khối lượng hàng hóa khổng lồ ấy, cơ sở hạ tầng, đường sá của Đà Nẵng cũng không thể đáp ứng. Từ đây, kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ảnh hưởng môi trường và tác động tiêu cực đến định hướng phát triển du lịch của thành phố. Do vậy, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu để mở rộng hệ thống cảng Đà Nẵng là rất cần thiết, phù hợp với quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng nói riêng, của ngành GTVT và cho vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung.
Để từng bước hiện thực hóa tham vọng có một cảng biển quy mô lớn, Đà Nẵng đã đệ trình nguyện vọng lên Trung ương. Năm 2016, Thông báo số 363/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đầu tư dự án theo hình thức PPP (đối tác công tư); giao bộ GTVT và TP.Đà Nẵng hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định, đảm bảo khởi công dự án trong năm 2018.
Cuối năm 2017, UBND TP.Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1), với tổng mức đầu tư là 7.378 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 hợp phần. Gồm:
Hợp phần A (vốn 3.426,3 tỷ đồng): Là hợp phần kết cấu hàng hải công cộng (đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng…), được đầu tư bởi Nhà nước từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương (vốn vay, vốn ngân sách, vốn trái phiếu…).
Hợp phần B (vốn 3.951,8 tỷ đồng): Là tổ hợp các hạng mục công trình phục vụ khai thác bến như bến cập tàu, kè gầm bến, đường bãi trong cảng, kho, nhà xưởng và mạng kỹ thuật, thiết bị khai thác trên bến… được đầu tư theo hình thức kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.
Tổng quan về dự án cảng Liên Chiểu.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đầu năm 2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 913/VPCP-CN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong đó Phó Thủ tướng giao bộ GTVT chủ trì, phối hợp bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ liên quan thẩm định "Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu".
Tiếp tục, Đà Nẵng có thông báo gửi bộ GTVT đề nghị thẩm định giai đoạn 1, báo cáo nói trên kèm nhiều hồ sơ, tài liệu. Đà Nẵng mong muốn bộ GTVT chủ trì phối hợp cùng các bộ khác sớm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo. Cạnh đó, Đà Nẵng cũng muốn được bộ GTVT thống nhất giao là Cơ quan chủ quản dự án nói trên, để chủ động trong việc triển khai.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện cơ sở hạ tầng trên tuyến đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà - là huyết mạch duy nhất vào cảng Tiên Sa) đã không còn đảm bảo, lưu lượng xe tải trọng lớn lưu thông qua đây còn gây ra nhiều vấn đề về an toàn giao thông, trật tự đô thị. Do đó, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là đúng đắn.
Hơn nữa, vị trí cảng Liên Chiểu trong tương lai rất đặc biệt, là đầu mối giao thông, tỏa đi các hướng, nối liền các hướng. Ở quận Liên Chiểu còn hệ thống các khu công nghiệp lớn. "Chậm đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là chậm phát triển địa phương", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ủng hộ Đà Nẵng làm chủ dự án xây dựng cảng Liên Chiểu 7.378 tỷ đồng (giai đoạn 1).
Về vấn đề này, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, bộ sẽ giao từng đơn vị có liên quan phối hợp với Đà Nẵng và các bộ khác để nghiên cứu dự án.
Theo ông Thể, cảng Liên Chiểu có tầm quan trọng đặc biệt, trách nhiệm của bộ là thẩm định kiến nghị của Đà Nẵng. Do đó, yêu cầu đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành công tác thẩm định ngay, để bộ có cơ sở tham mưu cấp trên.
Về tham vọng của Đà Nẵng được làm cơ quan chủ quản dự án này, ông Thể cho rằng đây là điều hợp lý. Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ để Đà Nẵng làm chủ, vận hành tốt nhất dự án.
Post a Comment