Vào đại học vẫn được coi là một bước ngoặt quan trọng trên con đường tìm kiếm thành công. Thậm chí, với nhiều người, nhiều gia đình, đó còn là một dấu mốc không thể thiếu và “rớt” đại học giống như một chuyện động trời, đặt dấu chấm hết cho tương lai rạng rỡ.
Tuy nhiên, con số cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp tăng lên mỗi năm đã khiến cho quan niệm đó không còn nguyên giá trị. Năm 2014, theo con số thống kế của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, có tới 162.000 cử nhân thất nghiệp. Và sang đến năm 2015, con số đó đã tăng lên thành 178.000 cử nhân, thạc sỹ không có việc làm (con số thống kế của Viện Khoa học Lao động và Xã hội).
Con số cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp ngày càng tăng khiến không ít người hoang mang, hồ nghi vào con đường đại học (ảnh minh họa)
Thêm nữa, càng ngày càng có nhiều tấm gương triệu phú, tỷ phú không sở hữu tấm bằng đại học được nêu cao khiến cho mọi người càng thêm hồ nghi vào con đường đại học. Đã có những gia đình vì lo con cái ra trường thất nghiệp mà “xúi” con bỏ học. Cũng có những phụ huynh khi con cái chưa kịp tìm được việc làm sau khi ra trường đã “muối mặt” mà “giục” con đi xuất khẩu lao động, “gác lại tấm bằng đỏ” phải tốn bao tâm sức mới có được.
Ngay cả những bạn trẻ, người làm chủ tương lai của bản thân, xã hội cũng tỏ ra khá hoang mang vì không biết con đường đại học có phải là một sự lựa chọn đúng đắn. Một vài người trong số đó lại tự vin vào nỗi “hồ nghi” ấy mà an ủi bản thân, để cảm thấy dễ chịu hơn khi là kẻ trượt đại học…
Để có cái nhìn sâu hơn về câu chuyện học đại học cũng như vấn đề tìm việc làm của sinh viên sau khi ra trường, chúng tôi đã có cuộc trò truyện với PGS. Nguyễn Hồng Cổn (Nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội):
Thầy đánh giá sao về tầm quan trọng của việc học đại học?
Chúng ta cần phải động viên thế hệ trẻ, giúp họ hiểu rằng học đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn đến thành công nhưng cũng cần tránh xa tâm lý không học cũng có thể thành công. Muốn thành công, kiểu gì cũng phải học.
Tôi nói học ở đây có nghĩa là thực học chứ không phải kiểu học viển vông, chạy theo bằng cấp. Bởi suy cho cùng, bằng đại học cũng chỉ là một tờ giấy, ta học được gì trước khi cầm nó mới là điều quan trọng. Còn học gì và học như thế nào thì bản thân mỗi người trẻ cần phải định hướng rõ ràng.
Thầy nghĩ sao về những trường hợp tốt nghiệp bằng trung bình nhưng khi ra trường họ vẫn thành công, còn một số cử nhân, thạc sỹ tốt nghiệp bằng giỏi lại phải lao đao xin việc?
Tôi nghĩ, bằng cấp chỉ phản ánh khía cạnh kiến thức chuyên môn thôi. Thực tế, công việc còn đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm, thậm chí là cảm xúc và nhiều kiến thức phi chuyên môn nữa.
Nếu vừa có bằng cấp (kiến thức chuyên môn) vừa có kỹ năng và các kiến thức xã hội khác thì chắc chắn sẽ hơn người chỉ có kỹ năng, kinh nghiệm hoặc chỉ có kiến thức chuyên môn.
PGS. Nguyễn Hồng Cổn chia sẻ về vấn đề học đại học và thất nghiệp
Nhưng nếu chỉ có bằng cấp mà không có kỹ năng, kinh nghiệm (hay có nhưng yếu) thì khó mà hơn được người có kỹ năng, kinh nghiệm dù họ không có bằng cấp chuyên môn.
Để thấy rằng, trong công việc, kỹ năng kinh nghiệm được đề cao mà điều này nếu chỉ học từ chương trình đào tạo thì không đủ. Mỗi người phải tự tích lũy một cách có ý thức trong quá trình dài.
Cho nên, một sinh viên suốt ngày chỉ học ở lớp, đi thư viện, đọc sách, học thuộc bài thầy giao rồi lấy được điểm cao và được coi là sinh viên giỏi thì khi ra trường chưa chắc đã làm việc tốt bằng một người học lực trung bình nhưng biết tận dụng thời gian để học thêm, tích lũy thêm các kỹ năng, kinh nghiệm từ các công việc ngoài học tập.
Nói vậy có nghĩa là trong khi học đại học, các sinh viên nên tập trung vào thực hành hơn là lý thuyết, thưa phó giáo sư?
Cái này còn tùy thuộc và từng ngành nghề, công việc. Chẳng hạn, với công việc nghiên cứu, giảng dạy thì kiến thức là vô cùng quan trọng. Những người học không tốt, không có kiến thức chuyên sâu thì khó có thể thành công ở thể loại công việc này.
Nhưng với các công việc khác như: báo chí, hành chính, kinh doanh… thì kỹ năng, kinh nghiệm lại quan trọng hơn. Cho nên, những người làm các ngành nghề này ít học lên thạc sỹ, tiến sỹ. Chỉ có một số người học do có nhu cầu bổ sung kiến thức hoặc để "tiêu chuẩn hóa" theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Chung quy lại, nếu công việc không yêu cầu thì các bạn sinh viên cũng không nên ồ ạt học thạc sỹ vì vừa tốn tiền của, vừa tốn thời gian, lại mất nhiều cơ hội trong công việc của mình.
Vậy theo phó giáo sư, giá trị lớn nhất của việc học đại học là gì?
Đó là học được phương pháp tư duy, cách thức làm việc và giải quyết vấn đề. Kiến thức cũng quan trọng nhưng có thể tự bổ sung, tra cứu. Còn phương pháp tư duy và kỹ năng làm việc, giải quyết vấn đề thì có học vẫn hơn.
Từng có nhiều năm giảng dạy tại Hàn Quốc, thầy Nguyễn Hồng Cổn đánh giá, sinh viên Hàn rất chủ động và tích cực trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng
Thầy nghĩ sao về việc những cử nhân, thạc sỹ ngay sau khi ra trường đã đòi hỏi một công việc tốt với mức lương cao để xứng đáng với tấm bằng đang có trong tay?
Trong thời buổi kinh tế thị trường người đông, việc hiếm, đòi hỏi như thế là phi thực tế. Đôi khi, chúng ta phải chấp nhận các công việc tạm thời để học hỏi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm rồi dần dần mới có được công việc tốt, thu nhập cao.
Theo tôi, nên chọn việc theo nguyên tắc lấy ngắn nuôi dài, tích tiểu thành đại tốt hơn là đợi hết ngày này sang ngày khác để có được công việc tốt ngay tức thì.
Vậy còn việc nhà tuyển dụng luôn yêu cầu các ứng viên phải có 2, 3 năm kinh nghiệm trong khi tiêu chí đó với sinh viên mới ra trường là rất khó, thưa thầy?
Cái này thì tùy theo doanh nghiệp và tính chất công việc thôi. Những công việc đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp cao, chắc chắn nhà tuyển dụng phải đòi hỏi kinh nghiệm rồi, không trách họ được.
Tôi nghĩ, ngay từ lúc học, các bạn sinh viên cần có định hướng rõ ràng về công việc trong tương lai rồi cố gắng tích lũy kinh nghiệm ở công việc đó qua thực tập, làm việc part time, tình nguyện. Hoặc sau khi ra trường, các cử nhân cần tìm cách nâng cao kỹ năng, tay nghề bằng những việc làm ngắn hạn, thử việc…
Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên đi làm thêm từ năm 3, 4 thường dễ xin việc hơn những người ra trường rồi mới bắt tay vào công việc. Tất nhiên, nhà trường và các doanh nghiệp cũng nên tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập để có kinh nghiệm.
Từng có nhiều năm giảng dạy tại Hàn Quốc, thấy đánh giá sao về sự khác biệt giữa sinh viên Việt và Hàn?
Sinh viên Hàn Quốc không nhàn như sinh viên Việt. Họ bận túi bụi, thời gian chủ yếu dành cho việc học và làm. Họ khiến cho các thầy cô giáo cũng bận rộn theo vì, nếu không ra bài tập thường xuyên, họ sẽ thắc mắc và khi đánh giá, giáo viên sẽ bị trừ điểm nặng.
Tôi cũng từng giảng dạy nhiều năm ở Pháp và thấy rằng, sinh viên Hàn, Pháp họ học rất chủ động và tích cực, thường xuyên đến lớp, lên thư viện và chăm chỉ làm bài tập ở nhà. Ý thức tự học của họ rất cao. Họ cũng coi trọng thực hành, đi thực tập nhiều và làm thêm nữa.
Đặc biệt, ở Hàn Quốc, sinh viên năm thứ 4 nếu đi làm thêm sẽ được nghỉ học, chỉ cần đến dự thi, miễn sao đủ điểm tốt nghiệp là được cấp bằng. Như vậy, các bạn ấy sẽ được làm việc nhiều hơn, thực hành nhiều hơn và tất nhiên kỹ năng họ trau dồi được cũng nhiều hơn.
Tỉ lệ sinh viên Hàn Quốc học lên thạc sỹ có cao không, thưa thầy?
Tỷ lệ cử nhân học lên thạc sỹ ở Hàn Quốc không nhiều. Khoa tôi giảng dạy ở đây, một năm ra trường khoảng 30 sinh viên thì chỉ 1-2 người làm thạc sỹ, thậm chí có năm không có ai. Nói chung, sinh viên Hàn sau khi ra trường thích làm việc cho các công ty, doanh nghiệp hơn là nghiên cứu.
Nhưng hiện nay, sinh viên Hàn Quốc ra trường cũng khủng hoảng việc làm vì nhiều năm nay, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng kém. Bộ Giáo dục Hàn Quốc và các trường ĐH Hàn dự kiến cắt giảm nhiều chương trình đào tạo trong những năm tới.
Cảm ơn những chia sẻ của phó giáo sư!
Post a Comment