Nhắc đến Kiều Chinh người ta nhớ đến cô gái Hà thành xinh đẹp, tài năng. Rời xa Hà Nội từ năm 17 tuổi, bôn ba lưu lạc suốt 41 năm nhưng bà vẫn luôn tự hào mình là người con của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Dù cuộc đời khiến bà phải trải qua những đoạn trường, nhưng người con gái ấy vẫn giữ được khí chất thanh tao, nét đẹp hồn hậu của cô gái được sinh ra ở mảnh đất kinh kỳ.

Từ đại minh tinh thành công nhân dọn phân gà 

Nữ diễn viên Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Chinh, sinh năm 1937 tại Hà Nội. Bà là con út trong một gia đình có 3 người con, mất mẹ từ năm 6 tuổi nên ngay từ nhỏ Kiều Chinh đã rất tự lập. Mẹ mất, bố trở thành người quan trọng nhất của cô bé Chinh. Thuở ấy, bố còn là mẹ, là người bạn gần gũi với Chinh.

Năm 1954, Kiều Chinh được gia đình người bạn của bố đưa vào miền Nam sinh sống, khi đó bà 17 tuổi. Những chuỗi ngày sau đó với cô gái trẻ thực sự khó khăn khi phải sống xa bố, xa anh, xa ngôi nhà quen thuộc. Hai năm sau, Kiều Chinh kết hôn với người con trai của gia đình ân nhân đã cưu mang mình và có với chồng 3 người con.

Năm 18 tuổi, Kiều Chinh đến với nghệ thuật thứ 7. Ngay từ bộ phim đầu tay, bà đã được giao vai chính. Vai diễn Như Ngọc trong bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ của đạo diễn Lê Dân đã giúp Kiều Chinh gây ấn tượng với công chúng. Kể từ lúc này bà gắn với nghệ danh Kiều Chinh.

Sau vai diễn đầu tiên, Kiều Chinh tiếp tục gặt hái thành công trong bộ phim Mưa rừng của Alpha Films. Đến bộ phim thứ ba, Ngàn năm mây bay, phỏng theo tiểu thuyết của Văn Quang, do Hoàng Anh Tuấn đạo diễn, Kiều Chinh đã trở thành mỹ nhân nức tiếng của làng giải trí. Bộ phim này được trình chiếu khắp các màn ảnh lớn Sài Gòn, Cần Thơ, Huế vào năm 1962.

Ngôi sao - Kiều Chinh- Mỹ nhân Việt hiếm hoi ghi danh “bảng vàng” Hollywood

Kiều Chinh trong phim Hồi chuông Thiên Mụ.

Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng và Kim Cương là 3 giai nhân nức tiếng của Sài thành khi ấy. Nhan sắc lộng lẫy và sự tinh tế của cô gái gốc Hà thành đã giúp Kiều Chinh nhanh chóng trở thành mẫu phụ nữ hoàn hảo của các quý ông. Tuy nhiên, dù đứng trên đỉnh cao danh vọng, cuộc sống của bà vẫn rất giản dị. Sự hào nhoáng của thế giới đèn màu dường như không chạm đến cô gái ấy. Vì vậy mà Kiều Chinh vẫn giữ được khí chất thanh tao của người con gái Hà thành.

Ở thời kỳ đó, bên cạnh những bộ phim Việt, bà cũng góp mặt trong nhiều bộ phim nổi tiếng của Mỹ. Những bộ phim này cũng giúp Kiều Chinh trở thành ngôi sao quốc tế. Bằng tài năng của mình, Kiều Chinh đã đặt chân tới nhiều Liên hoan phim quốc tế như: Tây Đức, Ấn Độ, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan...

Thế nhưng, khi đang ở trên đỉnh vinh quang, Kiều Chinh bất ngờ cùng gia đình chuyển sang Canada sinh sống vào năm 1975. Cuộc sống của đại minh tinh nức tiếng Sài thành bỗng rẽ sang một hướng khác. Ở xứ người, ánh hào quang đã không còn nữa và danh vọng của một ngôi sao Á Châu cũng mất đi. Bà phải sống những ngày khó khăn. Thảm đỏ, màn ảnh rộng, những bữa tiệc xa hoa, những bộ cánh lộng lẫy... tất cả đã không còn, thứ mà bà phải đối mặt là cuộc sống khốn khó, nỗi nhọc nhằn, những giọt mồ hôi và cả nước mắt.

Khi ấy, bà phải làm việc cực khổ cho một trại gà, làm lao động tay chân rất bình thường như bao phụ nữ khác, thậm chí làm cả những công việc như quét dọn, hót phân gà để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Những chuỗi ngày nhọc nhằn ở Canada là những ngày tháng không thể quên của Kiều Chinh. Nỗi nhọc nhằn vì cơm áo khiến bà trân quý cuộc sống hơn. Thế nhưng, với người con gái ấy ngay cả khi bị cơm áo đè nặng thì giấc mơ nghệ thuật vẫn cháy bỏng trong tim. Với bà, đứng trước máy quay không chỉ đơn giản là công việc kiếm tiền mà còn là nơi để bà được thỏa sức sáng tạo, là nơi để bà được cháy hết những nhiệt huyết dành cho nghệ thuật thứ 7.

Bản lĩnh nơi xứ người

Năm 38 tuổi, Kiều Chinh sang Mỹ và đó cũng là thời điểm bà bắt đầu quay trở lại với nghệ thuật thứ 7. Dù bắt đầu từ con số không, nhưng niềm đam mê mãnh liệt cho những khung hình đã giúp bà vững bước, nỗ lực hết mình để xây dựng danh tiếng ở mảnh đất Hollywood đầy khắc nghiệt.

Giống như nhiều diễn viên gốc Á khác, Kiều Chinh cũng bắt đầu bằng những vai diễn nhỏ với dăm ba lời thoại. Bà miệt mài với những vai diễn không tên ấy trong suốt 2 năm cho đến khi được mời vào vai chính trong serie M*A*S*H-phim truyền hình nổi tiếng ở Mỹ thời bấy giờ.

Tính tới thời điểm hiện tại, Kiều Chinh đã có mặt trong 100 bộ phim và chương trình truyền hình của Mỹ. Trong đó có những bộ phim nổi tiếng như The Letter (1986), Welcome Home (1989), What Cooking (2000), Face (2001)... Đặc biệt, với vai diễn trong bộ phim The Joy Luck Club, Kiều Chinh trở thành diễn viên gốc Á duy nhất có tên trong danh sách 50 diễn viên làm khán giả rơi lệ nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh, do Entertainment Weekly số ra ngày 28/11/2003 đưa tin.

Với những vai diễn ấn tượng là các giải thưởng danh giá được trao cho bà. Năm 1996, Kiều Chinh nhận giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh: A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez / KTTV. Năm 2003, Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award).

Cũng trong năm 2003, tại liên hoan phim Phụ nữ (Womens Film Festival) ở Torino, Ý, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất Đặc biệt (Special Acting Award). Cho đến hiện tại, Kiều Chinh là diễn viên Việt Nam đầu tiên và cũng là duy nhất đạt được những thành tích đáng nể này tại Hollywood.

Ngôi sao - Kiều Chinh- Mỹ nhân Việt hiếm hoi ghi danh “bảng vàng” Hollywood (Hình 2).

Kiều Chinh có vẻ đẹp thánh thiện.

Không chỉ khẳng định tài năng ở lĩnh vực diễn xuất, bà còn tham gia làm cố vấn cho các hãng phim của Mỹ khi thực hiện các bộ phim về đề tài Việt Nam. Bà được mời làm diễn giả chuyên nghiệp cho The Greater Talent Network, Inc., - một tổ chức chuyên cung cấp những diễn giả nhà nghề cho các trường đại học và các tổ chức văn hóa trên toàn nước Mỹ.

Vẫn mãi là cô gái Hà thành

Sau 41 năm lưu lạc, bà mới có dịp trở lại Hà Nội. Ngày trở lại, bà xúc động đến rơi nước mắt khi được nhìn lại những hình ảnh quen thuộc. Những con phố dù đã không còn như xưa, những hàng cây cũng mang một dáng dấp khác, nhưng nó vẫn quen lắm, vẫn thân thương lắm. Thế nên, Hà Nội là hai tiếng rất thiêng liêng đối với bà.

Khi đã ở cái tuổi xế chiều, Kiều Chinh vẫn nhớ như in ký ức ngày thơ bé. Bà kể, già đình bà vốn rất nền nếp, sắp Tết là dọn bàn thờ, đánh bóng đồ thờ và bát hương để sửa soạn đón tổ tiên. Những người quản gia gói bánh chưng. Trẻ con trong nhà ngồi xem gói bánh và xin gói những chiếc bánh nhỏ hơn, tra nhân ngọt, thức cả đêm chờ luộc bánh, rồi buổi sáng mùng 1 Tết được mặc quần áo mới sang nhà ông nội nhận tiền mừng tuổi... Tất cả đều trở thành ký ức ấm áp theo bà suốt nhiều năm xa quê.

Kiều Chinh rời Hà Nội năm 17 tuổi, sống ở Sài Gòn 21 năm, ở Mỹ hơn 40 năm, nhưng bà vẫn nói tiếng Hà Nội, không một chút pha trộn. Thế nên, bà luôn nhận mình là người Hà Nội, một người con của Hà Nội và dù đi đâu, mảnh đất ấy, con người nơi ấy vẫn sống trong tim bà.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top