Nguyên Tổng giám đốc NamABank, bà Lương Thị Cẩm Tú vừa trúng cử thành viên Hội đồng Quản trị Eximbank sáng nay. Trong khi đó cổ đông ngân hàng này gợi ý Tổng giám đốc Lê Văn Quyết từ chức vì 5 năm không chia cổ tức và thiệt hại do khách hàng liên tục "tố" mất tiền.

Tài chính - Ngân hàng - ĐHĐCĐ Eximbank: Nữ tướng NamABank đầu quân, cổ đông đòi sếp Eximbank từ chức

Đại hội đồng cổ đông Eximbank diễn ra sáng nay 27/4/2018 (Ảnh: Nghi Điền)

Người cũ NamABank xuất hiện…

Sáng nay 27/4, ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018. Một trong những nội dung quan trọng được thông qua tại đại hội là bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Trước đại hội, Eximbank đã nhận được 4 hồ sơ của 4 ứng cử viên dự kiến bầu bổ sung HĐQT, trong đó có bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên là Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).

Tài chính - Ngân hàng - ĐHĐCĐ Eximbank: Nữ tướng NamABank đầu quân, cổ đông đòi sếp Eximbank từ chức (Hình 2).

Bà Lương Thị Cẩm Tú - sếp tổng của NamAbank vừa từ nhiệm hồi tháng 3.2018 để đầu quân về Eximbank

Được biết, bà Tú là trường hợp duy nhất được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nhân sự bầu bổ sung làm thành viên HĐQT Eximbank. Tiếp đó, ngày 26/4, Eximbank đã nhận 3 đơn đề nghị xin không tiếp tục tham gia ứng cử làm thành viên HĐQT Eximbank của 3 nhân sự còn lại.

Bà Lương Thị Cẩm Tú (sinh năm 1980, quê Khánh Hòa) là cử nhân ngành quản trị kinh doanh loại ưu năm 2002, sau đó lấy bằng thạc sĩ tại đại học Griggs (Mỹ) và có 17 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí trọng yếu trong các tổ chức kinh tế lớn và uy tín như: Phó Tổng giám đốc thường trực - phụ trách kinh doanh NamABank; Giám đốc khu vực kiêm Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của MHB; Giám đốc chi nhánh Sacombank; Thành viên Hội đồng quản trị công ty Đường Ninh Hòa, Thành viên HĐQT CTCP Du Lịch Thắng Lợi, Giám đốc phân xưởng đường túi, Công ty Thành Thành Công...

Bà Lương Thị Cẩm Tú được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc NamABank vào năm 2015 và mới từ nhiệm hồi đầu tháng 3/2018 với lý do cá nhân.

Lùm xùm mất tiền khách hàng, cổ đông gợi ý sếp Eximbank từ chức

Ngoài thay đổi nhân sự, một trong những nội dung quan trọng được mong đợi tại đại hội cổ đông thường niên Eximbank lần này là các cổ đông muốn nghe báo cáo của HĐQT đối với các vụ lùm xùm mất tiền xảy ra gần đây.

Theo HĐQT Eximbank, trong năm 2017 tại ngân hàng này phát sinh 2 vụ rủi ro tiền gửi lớn là vụ khách gửi 50 tỷ đồng vào PGD Eximbank Đô Lương (Nghệ An) và khách hàng Chu Thị Bình gửi 245 tỷ đồng vào Eximbank chi nhánh TP.HCM. Eximbank đã có báo cáo chi tiết gửi tới cổ đông về các vụ việc khiếu nại lớn chưa được xử lý.

Ngân hàng này cũng cho hay, trong khi vụ án chưa có kết luận của cơ qua điều tra nên Eximbank chưa có đủ cơ sở pháp lý để chi trả tiền tiết kiệm theo yêu cầu của bà Bình. Sau vụ việc, Eximbank đã tăng cường kiểm tra, rà soát, cải tiến một số quy định nội bộ để tăng cường công tác quản trị rủi ro hệ thống, luân chuyển cán bộ nội bộ…

Tuy nhiên, một số cổ đông chỉ trích gay gắt trách nhiệm của ban lãnh đạo Eximbank, cụ thể là Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc, TGĐ Lê Văn Quyết hay Phó Chủ tịch HĐQT Đặng Anh Mai.

"Các anh đã làm hết sức chưa? Tại sao chúng tôi góp tiền để rồi các anh làm thất thoát? Từ năm 2013 tới giờ không có một đồng cổ tức. Anh Quốc, anh Quyết, anh Mai đã làm hết trách nhiệm chưa?...", một nữ cổ đông cao tuổi bức xúc.

Một cổ đông khác thì đề nghị làm rõ trách nhiệm của ban lãnh đạo Eximbank về hai vụ mất tiền liên quan tới khách hàng Chu Thị Bình và tại Đô Lương, Nghệ An vừa qua.

"Nếu Eximbank phải đền gần 300 tỷ cho khách hàng thì chính chúng tôi là người chịu thiệt. Cổ tức thì đã không có rồi. Ngân hàng còn rất mất uy tín trong các vụ việc mất tiền vừa qua. Các vị đã tự đánh giá về trách nhiệm của mình trong vụ việc này hay chưa? Anh Quyết - Tổng giám đốc có từ chức hay không?", cổ đông này gay gắt nói.

Trả lời vấn đề này, Tổng giám đốc Lê Văn Quyết thừa nhận trách nhiệm, song cho biết cả ban quản trị lẫn ban điều hành ngân hàng luôn làm hết sức mình để vực dậy Eximbank và mong cổ đông thông cảm.

“Nếu HĐQT Eximbank có thể lựa chọn người tốt hơn cho vị trí Tổng giám đốc thì đó cũng là điều tốt cho ngân hàng” – ông Quốc nói.

Theo các báo cáo của Eximbank tại đại hội sáng nay (27/4), tổng tài sản của ngân hàng đến cuối năm 2017 tăng 16% lên 149.370 tỷ đồng. Huy động tăng 14,8% lên 117.540 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 14,6% lên 101.324 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 2,27%, giảm mạnh so với 2,95% năm 2016. Tổng lợi nhuận trước thuế là 1.018 tỷ đồng, tăng 160% so với năm trước.

Kế hoạch năm 2018, ngân hàng sẽ nâng tổng tài sản lên 178 nghìn tỷ, tăng 19% so với năm 2017; huy động vốn tăng 26% và dư nợ cấp tín dụng tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top