Khoản lỗ hơn 700 tỷ đồng chỉ trong một năm đã đánh gục "vua cá tra" Hùng Vương sau hàng thập kỷ cố gắng gây dựng hệ thống doanh nghiệp khép kín, từ khâu đầu vào đến đầu ra sản xuất cá tra.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước, từng được mệnh danh là "vua cá tra" và có hệ thống doanh nghiệp khép kín, hình thành "hệ sinh thái" Hùng Vương nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong những năm gần đây gặp khá nhiều khó khăn.
Đặc biệt, khoản lỗ lên tới 713 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2016 - 2017 (kết thúc này 30/9/2017) gần như là một cú giáng mạnh, đánh gục "vua cá tra".
Tính đến 30/9/2017, Hùng Vương phải gánh khoản lỗ luỹ kế hợp nhất là 424 tỷ đồng.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương
Trong thông báo mới nhất của CTCP Hùng Vương, Chủ tịch Dương Ngọc Minh cho biết, doanh nghiệp đang lên kế hoạch thanh lý một số bất động sản như lô đất 765 Hồng Bàng, 94 Phạm Đình Hổ tại TP.HCM và đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Được biết 2 lô đất 765 Hồng Bàng, phường 6, quận 6, TP.HCM rộng 5.643 m2 và khu đất 94 Phạm Đình Hổ, phường 2, quận 6 rộng 1.488 m2 vốn thuộc công ty CP Địa ốc An Lạc, là các khu đất sạch sẵn sàng để phát triển dự án.
Tuy được rao bán từ giữa năm 2017 nhưng hiện nay cả 2 lô đất vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.
Ngoài việc bán "đất vàng", Hùng Vương tiến hành thoái vốn khỏi hai công ty con là công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (100%), công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (trên 50%). Đây là 2 doanh nghiệp từng được Hùng Vương thâu tóm để hoàn tất "hệ sinh thái" khép kín của mình, trong đó Sao Ta là "quân át chủ bài" mà Hùng Vương từng muốn tung ra khi tham gia ngành tôm xuất khẩu.
Về vay nợ, Hùng Vương kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận với ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung-dài hạn để hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang; được khoanh nợ và có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các khoản nợ hiện tại.
Liên quan đến khoản lỗ tới 713 tỷ đồng của niên độ 2016-2017, Hùng Vương cho biết có một số nguyên nhân cốt lõi, trong đó khó khăn lớn nhất là diễn biến bất lợi của thị trường lại khiến "vua cá tra" không kịp trở tay.
Giá cá tra tăng mạnh nhưng nguồn cung không đủ khiến Hùng Vương hoạt động cầm chừng, trong khi vẫn phải rót chi phí khổng lồ nuôi hệ thống doanh nghiệp cồng kềnh.
Năm 2017, mặc dù giá xuất khẩu cá tra tăng cao nhất trong cả thập kỷ nhưng nguồn cung cá tra nguyên liệu mỗi ngày một giảm. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đã bắt đầu từ nửa cuối năm 2016 và kéo dài đến đầu năm 2018 chưa có dấu hiệu hồi phục.
"11 nhà máy với 15.000 lao động của Hùng Vương hoạt động ở mức độ cầm chừng, giảm 50% công suất, chủ yếu tái chế hàng trong kho để duy trì xuất khẩu.
Nguyên liệu không đủ, chi phí cố định lớn, cộng thêm chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngưng sản xuất, làm cho giá thành sản xuất tăng 30%. Giá xuất khẩu cho dù tăng mạnh cũng không đủ bù đắp chi phí sản xuất" - Chủ tịch Hùng Vương trần tình.
Bên cạnh đó, ông Dương Ngọc Minh cũng thừa nhận, áp lực tài chính và chi phí lãi vay từ các dự án đầu tư dở dang khắp các tỉnh thành.
Tính đến 28/2/2018, Hùng Vương đã rót tổng cộng 1.120 tỷ đồng để xây dựng hàng loạt dự án kho lạnh robot, dự án thức ăn Long An và 3 dự án giống tại Long An. Trong đó, số trích từ nguồn vốn ngắn hạn là 640 tỷ đồng, chịu lãi suất 9%/năm.
Chủ tịch Hùng Vương cho biết, các dự án trên đã được sự đồng tình của bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, sự ủng hộ của cơ quan lãnh đạo các tỉnh An Giang, Long An, Bình Định, cũng như cam kết đồng hành của các ngân hàng.
Tổng số vốn mà phía ngân hàng cam kết tài trợ cho các dự án nói trên là 1.508 tỷ, nhưng thực tế mới chỉ giải ngân được 484 tỷ, nghĩa là chưa được 1/3 giá trị cam kết.
Đến nay, một số công trình đã được hoàn tất đến 80%, nhưng việc giải ngân từ phía ngân hàng lại bị trì hoãn. Có những dự án phải sử dụng hoàn toàn nguồn vốn ngắn hạn của công ty mà không có sự hỗ trợ nào từ phía ngân hàng cam kết.
"Điều này là gây ra tình trạng mất cân đối vốn nghiêm trọng cho công ty. Trong khi các dự án còn dở dang chưa thể tạo ra lợi nhuận thì công ty vẫn phải gồng gánh chi phí lãi vay phát sinh mỗi ngày" - Hùng Vương cho biết.
Theo BCTC cuối niên độ tài chính 2016 - 2017 do Hùng Vương công bố, "vua vá tra" đang phải gánh khoản nợ ngân hàng (cả ngắn hạn và dài hạn) lên tới 7.740 tỷ đồng, chi phí lãi vay phải gánh trong năm là 506 tỷ đồng - tăng 8% so với năm trước. Tính trung bình, mỗi ngày Hùng Vương phải trả gàn 1,5 tỷ đồng tiền lãi vay ngân hàng.
Các giải pháp mà Hùng Vương đưa ra đã được thực hiện từ nửa cuối năm 2017, tuy vậy đó mới chỉ là những biện pháp tình thế để giải quyết khó khăn về dòng tiền của Hùng Vương trong thời gian ngắn.
Hệ sinh thái doanh nghiệp cồng kềnh, dàn trải mới là "gót chân Asin" khiến ông vua lạc lối trong vài năm trở lại đây. Bài toán đặt ra cho Hùng Vương hiện nay, nhiều cổ đông vẫn đang chờ lời giải.
Mới đây, bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) có quyết định áp mức thuế chống bán phá giá kỷ lục lên cá tra, cá basa Việt Nam. Trong danh sách các doanh nghiệp bị áp thuế nặng, không thể thiếu cái tên Hùng Vương, các sản phẩm cá tra vào thị trường Mỹ bị áp thuế 3,87 USD/kg. Trong khi đó, giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ ở mức 4-5 USD/kg. Quyết định chưa từng có tiền lệ trên khiến hàng loạt doanh nghiệp thuỷ sản đối mặt với nguy cơ mất thị trường lớn. Hiện bộ Công Thương Việt Nam và các tổ chức Hiệp hội trong nước đã có những phản ứng quyết liệt về việc bị "xử ép", bảo hộ quá mức kể trên. |
Post a Comment