Là một nghệ sĩ Việt được đào tạo bài bản tại trời Tây, song nghệ sĩ piano Phó An My luôn mang trong mình khát vọng mang âm nhạc cổ truyền Việt ra thế giới. Sau thành công hai chương trình Bóng (2011) và Lửa (2014), Gió là chương trình tiếp nối mạch tư duy âm nhạc đối thoại giữa piano và chèo cổ. PV Người đưa tin đã có cuộc nói chuyện với nghệ sĩ Phó An My và nghe cô chia sẻ những thú vị về chương trình này.
Nghệ sĩ Piano Phó An My luyện tập chuẩn bị cho đêm diễn ngày 29/10 tới đây |
Chào Phó An My, được biết Gió sẽ ra mắt công chúng cuối tháng 10 tới đây. My có thể chia sẻ cho độc giả, Gió sẽ mang hơi thở mới gì khác với tác phẩm Bóng, Lửa?
Kể từ khi tác phẩm Bóng, Lửa của My được trình diễn tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, những tác phẩm được thể hiện theo tư duy âm nhạc đối thoại này đã ít nhiều gây được sự chú ý của giới làm nhạc, công chúng yêu nhạc và báo chí truyền thông. Và với Gió, My sẽ kết hợp cùng nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên xây dựng tác phẩm này lấy nguồn cảm hứng từ vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính.
Nếu như hai tác phẩm trước lấy cốt truyện dân gian thì Gió sẽ không chạy theo cốt truyện mà lấy hơi âm nhạc và cảm hứng từ nội tâm nhân vật chèo cổ để khắc họa nên tính cách, thân phận, cảm xúc của hai người đàn bà. Hai tính cách trái ngược, một bên là biểu tượng của chữ Nhẫn, một bên là biểu tượng của chữ Khát (Khát khao được yêu, được sống).
My có nghĩ với hình thức đối thoại sẽ khó biểu lộ hết ý nghĩa của Gió?
Hai tính cách, hai nhân vật với những nỗi đau trái ngược nhưng một người ẩn giấu vào trong, một người hiển lộ ra ngoài. Và để diễn giải hai tính cách này, dân gian có câu: “Có oan Thị Kính, có loạn Thị Mầu”. Mặc dù đây là vở cuối cùng trong khuôn khổ đối thoại nhưng lần này, tính tương tác giữa các dòng nhạc khá cao, Gió sẽ mang tính chất một đêm hòa nhạc nhiều hơn.
Đặc biệt, đêm diễn của phần trình diễn của NSND Thanh Hoài. Cô Thanh Hoài sẽ sử dụng giọng hát nguyên bản của chèo cổ kết hợp với nhạc Tây Âu do Nguyên sáng tác và tiếng dương cầm cháy bỏng My. Mong rằng sự kết hợp độc đáo và khác biệt này hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả.
Gió và tác phẩm cuối cùng trong hình thức đối thoại Đông Tây |
Được biết Phó An My tiếp xúc với piano khá sớm, năm 13 tuổi đã thi đỗ vào một trường âm nhạc có tiếng tại Đức. Tiếp xúc với âm nhạc bác học sớm như vậy, nhưng tại sao My lại có hứng thú với âm nhạc dân tộc?
Với My, âm nhạc luôn đóng một vai trò không thể thiếu trong cuộc sống, không chỉ riêng âm nhạc mà mọi môn nghệ thuật đều giúp con người cân bằng cuộc sống. Đặc biệt, âm nhạc dân gian Việt Nam mang tính chất truyền khẩu, mà đã là truyền khẩu thì nhạc lý sẽ khác hoàn toàn với âm nhạc phương Tây, nó rất thú vị. Và có một sự thật, với mỗi người Việt Nam khi ra nước ngoài, bất chợt nghe một làn điệu quê hương, dù chỉ nhỏ nhỏ thôi nhưng đều tạo cảm xúc mãnh liệt, tình yêu nước, nhớ quê hương.
Thêm vào đó, My được biết những nhạc sĩ hàng đầu thế giới, các ông đều xuất phát từ âm nhạc dân gian. Từ âm nhạc dân gian, họ tìm cho mình hình thức biểu đạt mới. My hy vọng, với những tác phẩm âm nhạc dân gian Việt khi được quốc tế hóa, được các nghệ sĩ nước ngoài chơi thì nó sẽ mang âm điệu khác, một màu sắc khác nhưng vẫn giữ đúng hồn nét dân tộc.
Ở nước ngoài, các nghệ sĩ chỉ đơn giản nhận lịch và đi diễn. Còn khi về Việt Nam, thực sự việc tổ chức rất mệt… (cười), mỗi lần diễn đều có kiểu mệt khác nhau. Rất may tôi có đông bạn bè, nên mỗi người hỗ trợ một chút chứ không tôi đã không thể thực hiện được. Chứ khi mới về nước, tham gia biểu diễn tôi chưa bao giờ nghĩ rằng để tổ chức một chương trình, có nhiều việc, tốn nhiều tiền đến thế.
Việc biểu diễn ở nước ngoài chắc hẳn khác nhiều với ở Việt Nam, My có gặp khó khăn gì không?
Tôi cũng xác định trước, với một nghệ sĩ muốn mang âm hưởng mới đến với công chúng đều sẽ gặp khó khăn riêng, cần chặng đường dài thuyết phục mọi người đón nhận. Với hình thức đối thoại âm nhạc lại càng khó, làm sao để khán giả xem vẫn nhận ra nó là thể loại âm nhạc nào.
Ví dụ như ai cũng biết, với các đêm diễn Tuồng thường vắng khách, rất ít người sẵn sàng bỏ tiền đi mua vé xem Tuồng. Vậy nên trong đêm Lửa, dường như âm nhạc phương Tây, nó gần với thế giới này hơn, khi kết hợp với Tuồng mọi người phải công nhận, hóa ra Tuồng Việt Nam hay như thế. Trong đêm diễn Gió tới đây, tôi đã mời nghệ nhân Thanh Hoài tham gia, có những đoạn cô ấy lĩnh sướng nguyên bản, để chèo vẫn phải là chèo. Piano và chèo không ai phá vỡ ai mà chỉ đẩy nhau lên cùng thăng hoa, tỏa sáng.
Gần đến ngày công diễn cho đêm cuối cùng trong thể thức âm nhạc đối thoại, My có thể chia sẻ cảm xúc của mình?
Lúc đầu ai cũng nghĩa My điếc không sợ súng, My liều lĩnh khi thực hiện chuỗi dự án này. Có những lúc đơn thuần, Mỹ đi diễn để nuôi mình, nuôi sống theo đúng nghĩa đen. Nhưng sau tất cả, khi quên nỗi lo cuộc sống đi, My thấy mình cần có trách nhiệm, kéo khán giả tới với đêm nhạc, không phụ công của những người yêu thương, tin tưởng mình.
Giờ nghĩ lại, My thấy mình thực sự may mắn. Có thể với những đêm diễn đầu mọi người đến về tò mò, xem mình đang muốn làm gì, nhưng giờ đã khác, mọi người đến để thưởng thức, để nghe một tác phẩm âm nhạc với sự kết hợp của âm nhạc bác học và âm nhạc dân gian. Một tác phẩm ra đời 100 năm sau còn nguyên giá trị, còn với nghệ sĩ nó chỉ thành công trong một giây phút đấy. Mọi người đâu biết mình vất vả như thế nào chỉ cần trong đêm diễn vài tiếng đồng hồ đó, mình chinh phục được họ.
Mọi người nhận xét nghệ sĩ Phó An My liều lĩnh khi thực hiện chuỗi dự án này |
Sau mỗi đêm diễn, cảm xúc của My như thế nào? My đón nhận ra sao ý kiến khen chê của khán giả?
Sau mỗi đêm diễn, đó là sự trống rỗng… My không quá quan tâm đến suy nghĩ của mọi người, nhưng càng có nhiều ý kiến khen, chê chứng tỏ tác phẩm đó được quan tâm, chứ không “chết chìm”… Còn sự khen chê nó vô cùng lắm, tác phẩm âm nhạc như đứa con của mình, nhưng đã là con có bao giờ mình chê nó xấu. Vậy nên My không quá cực đoan, nặng nề bởi thời điểm đó, giây phút đó mình đã cống hiến, đã làm hết sức rồi.
Phương Anh
Post a Comment