Cuộc đời của chàng họa sĩ nhiễm chất độc da cam vẽ tranh bằng miệng Lê Minh Châu đầy những gam màu buồn, u tối. Nhưng tranh của anh đầy những gam màu tươi sáng. Đắm mình vào nghệ thuật, Châu như con chim đang bay trên đôi cánh bình yên, bỏ lại sau lưng mọi dông bão.

Chàng họa sĩ bị chất độc da cam vẽ tranh bằng miệng - 1

Chàng họa sĩ vẽ tranh bằng miệng Lê Minh Châu

Sinh năm 1991 tại Đồng Nai trong gia đình 4 anh em, Lê Minh Châu là người duy nhất bị ảnh hưởng chất độc da cam khi mẹ anh vô tình uống phải nguồn nước có nhiễm chất độc này. 6 tháng tuổi anh đã được gửi đến làng Hòa Bình tại BV Từ Dũ, TP.HCM. Mãi đến năm 12 tuổi Châu mới hay anh có một gia đình với những người thân ở ngoài kia.

26 tuổi, khi ai hỏi tới gia đình, anh đều ít nhắc tới. Trong những lần hiếm hoi về quê, nhà ở xã nhưng anh hay di chuyển lên thị trấn để ở. Rồi lại đi.

Hỏi anh có buồn không khi bị ba mẹ đem gửi đi như vậy, Châu chỉ cười: “Có một lần tôi về, ngồi trò chuyện với mẹ từ đêm đến tới gần sáng. Trong câu chuyện, mẹ rưng rưng khi phải để tôi sống một mình mà không giúp được gì. Tôi nhìn mẹ rồi lại nhìn bóng ba trầm ngâm đổ dài trên góc nhà. Chắc ông cũng không ngủ được. 

Tôi biết gia đình mình khó khăn về tài chính nên không lo đầy đủ cho các con. Tôi không trách gì bố mẹ về điều đó.Tôi giờ đã ổn và gia đình vẫn thương yêu tôi. Tôi chỉ thấy yêu thương họ nhiều hơn”.

Bị ảnh hưởng chất độc dioxin, Châu mang trong mình những dị tật. Cơ thể anh dị thường, tứ chi bị teo. Chàng trai di chuyển bằng 2 đầu gối, bàn tay không cầm nắm được vật gì quá lâu.

Vậy mà anh cứ luôn miệng cười, nói với tôi chưa bao giờ anh mặc cảm về số phận. Anh đã từng nói “các bạn hãy nghĩ mình như bao người bình thường khác, hãy gắng sống cho chính bản thân, đừng dựa vào ai đó, đó không phải cuộc sống, chẳng hay ho gì khi chờ sự ban ơn từ người khác”.

Châu nói anh đọc nhiều sách về giá trị cuộc sống và thấy mình được nâng đỡ nhiều từ những ví dụ, triết lí hay trong đó. Anh rất thích một câu là: “Hãy nở nụ cười trên đôi môi, cho dù mọi hoàn cảnh nào chính bạn cũng sẽ vượt qua”.

Và để vượt qua hoàn cảnh, tự động viên chính mình, Châu tìm đến hội họa. Nhưng hội họa lại chọn anh.

Tay Châu rất yếu và có thể bị chấn thương bất cứ lúc nào. Bởi vậy anh vẽ bằng miệng nhiều hơn bằng tay. Ban đầu rất khó nhưng lâu rồi cũng thành thuần thục. Thế nhưng chuyện anh đam mê quá mà bị rách quai hàm, uống nhầm xăng dầu, ăn phải màu… là chuyện thường. 

Với hầu hết các bức tranh, chuyện anh gãy cọ vẽ là thường xuyên. Nhiều bức to, Châu phải nằm lên đó, lăn lộn. Lắm lúc mệt, anh ngủ luôn trên tranh. Rồi bất chợt tỉnh giấc, chàng trai lại lao đến cây cọ vẽ, người bê bết màu do anh tự pha chế.

Là nghệ sĩ, Châu khá mạnh mẽ và cá tính. Anh thường không để ai giúp đỡ mà chỉ muốn họ đứng nhìn anh. Anh cũng chẳng ngại khi nói thẳng vào mặt ai đó khi họ làm anh bực tức. 16-17 tuổi Châu quyết định rời làng để sống tự lập dù chẳng một đồng dính túi.

Khi từ quê trở lại Sài Gòn, Châu từng làm việc ở xưởng giày dép một thời gian ngắn nhưng bị họ từ chối, nhiều áp lực cuộc sống, anh đã xin nghỉ việc và quẫn trí tìm đến cái chết.

Đó là lần đầu tiên anh khóc khi rơi vào bế tắc trong cuộc sống. Khoảng thời gian ấy với anh là đen tối nhất trong cuộc đời mình. Nhưng may sao, mẹ của một người bạn thân đã khuyên nhủ anh rất nhiều, vực anh đứng dậy.

Lần thứ hai Châu khóc là khi anh bị người ta giẫm đạp lên những tác phẩm nghệ thuật của mình. Anh không cho phép ai chà đạp lên những giá trị đó của bản thân.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top