Thời đại Tam Quốc phân tranh, đã chứng kiến sự xuất hiện của các anh hùng cái thế, những vị quân sư lỗi lạc và những mưu kế làm thay đổi cả bánh xe lịch sử. Sau đây là những mưu kế nổi bật nhất được đời đời truyền tụng, như những giai thoại có một không hai trong sử sách.
Chu Du "mượn tay" Tào Tháo giết Sái Mạo và Trương Doãn
Sau khi đánh bại đại quân phiệt Viên Thiệu ở Quan Độ, Tào Tháo đã kiểm soát được miền bắc. Ôm chí thống nhất toàn cõi Trung Quốc, Tào Tháo mang 83 vạn đại quân xuống chinh phạt Đông Ngô, thế lực rất lớn mạnh. Tào Tháo chiếm lĩnh Kinh Châu, lại thu dùng những tướng lĩnh thành thạo thuỷ chiến như Sái Mạo, Trương Doãn để huấn luyện thuỷ quân, tích cực chuẩn bị nam hạ, tiêu diệt Tôn Quyền.
2 tướng Sái Mạo – Trương Doãn là thuỷ sư lâu năm dày dặn kinh nghiệm, đang ngày đêm huấn luyện quân Tào trước trận Xích Bích.
Năm 209, Tào Tháo sai Tưởng Cán đến dụ hàng Chu Du. Vốn là bạn cũ Chu Du, Tưởng Cán mau chóng lên đường sang Đông Ngô để dò la tin tức. Chu Du đã sớm biết được ý định của Tào Tháo nên cố tình đóng kịch để lừa Tưởng Cán. Chu Du cho bày tiệc rượu thiết đãi bạn cũ rồi còn dẫn Tưởng Cán đi dạo chơi, thăm thú doanh trại quân Ngô. Đoạn, Chu Du giả say, đưa Tưởng Cán về ngủ cùng trong doanh trại.
Trước đó, Chu Du đã sớm chuẩn bị một lá thư đặt trên mặt bàn, giả vờ ngủ say. Nửa đêm, Tưởng Cán mò dậy, bỗng thấy lá thư trên mặt bàn. Đó là thư đầu hàng của Sái Mạo, Trương Doãn mà Chu Du đã mạo danh viết. Trong thư nói rằng: "Không lâu nữa sẽ dâng đầu của Tào Tháo".
Tưởng Cán nghĩ mình thông minh và lừa được Chu Du với danh nghĩa "bạn cũ", ai ngờ Du còn cao tay hơn Cán gấp bội phần, diễn kế phản gián để lừa Tào Tháo.
Tưởng Cán tưởng thật, lập tức lấy trộm bức thư đó, mau chóng lẻn về bờ bên kia sông báo tin. Về đến doanh trại quân Tào, Cán mới đưa thư đó cho Tào Tháo xem. Tháo coi xong nổi cơn thịnh nộ, cho quân chém đầu Sái Mạo và Trương Doãn. Nhưng chỉ ít lâu sau đó, khi bình tĩnh suy xét lại, Tào Tháo mới biết rằng mình dính kế phản gián của Chu Du.
Tào Tháo đã phải trả giá đắt cho sự nóng giận nhất thời đó. Quân Tào phần lớn là người miền bắc, không quen thủy chiến, đò giang sông nước. Nhiều tướng sĩ ốm đau, say sóng. Sái Mạo, Trương Doãn vốn là những thủy sư đô đốc rất có tài (từng thiết kế cả thủy trại cho Tào Tháo) chẳng may chết oan, thủy quân Tào như rắn mất đầu, bại vong trước Đông Ngô là điều tất yếu.
3 cẩm nang của Gia Cát Lượng phá Chu Du, giữ Kinh Châu
Kinh châu là ngã 3 thiên hạ, có vị trí chiến lược về mặt quân sự, vì vậy đây là vùng đất mà cả Tào Tháo, Tôn Quyền và Lưu Bị đều thèm muốn. Sau trận Xích Bích, Lưu Bị chiếm được phần lớn Kinh Châu, lấy tiếng là "mượn" của Đông Ngô nhưng liên tục trì hoãn không chịu giao trả, bất chấp Tôn Quyền nhiều lần sai sứ sang đòi.
Khi ấy, được tin Cam phu nhân (vợ Lưu Bị) vừa mới mất, Chu Du lập tức nghĩ ra quỷ kế để đoạt lại Kinh Châu bằng cách mai mối cho Lưu Bị lấy em gái của Tôn Quyền. Sau đó, Lưu Bị tất sẽ phải sang Đông Ngô bái lĩnh nhạc mẫu, Chu Du sẽ lấy cớ đó giữ Lưu Bị lại, uy hiếp đòi trả Kinh Châu. Lỗ Túc nghe kế, về báo với Tôn Quyền. Quyền thấy hay lắm liền cho Lã Phạm lên đường sang Kinh Châu mai mối, "kén rể".
Khổng Minh bày kế cho Lưu Bị sang Đông Ngô.
Thế nhưng Gia Cát Lượng đã sớm đoán biết được ý đồ của Chu Du, sau khi bói một quẻ, Khổng Minh thưa với Lưu Bị: "Chu Du tuy giỏi dùng mưu, nhưng che sao được mắt tôi. Tôi chỉ dùng một mẹo nhỏ, khiến Chu Du không thò được ngón gì, mà em gái Ngô hầu lại về tay chúa công, Kinh Châu cũng vững như bàn thạch". Sau khi được Tôn Quyền đồng ý, thì Huyền Đức vẫn ngại ngùng không muốn đi. Khổng Minh nói: "Tôi đã định sẵn ba kế, việc này phi Tử Long đi không xong!"
Bèn gọi Tử Long đến cạnh, ghé tai dặn rằng: "Ngươi bảo vệ chúa công sang Đông Ngô, nên nhận lấy ba cẩm nang này, trong có ba kế rất hay, cứ theo thứ tự mà làm". Nói đoạn, đưa ba cẩm nang cho Vân giấu kỹ trong người. Đoạn Khổng Minh sai người sang Đông Ngô dâng lễ cưới trước, lễ vật đầy đủ không thiếu thứ gì.
Kế 1: Khi Lưu Bị sang Đông Ngô, Tử Long mở túi thứ nhất ra xem. Xem xong, Vân gọi 500 quân sĩ, dặn bảo các việc. Lại nói với Huyền Đức vào ra mắt Kiều quốc lão trước. Cụ này là cha hai nàng Kiều, nhà ở Nam Từ. Huyền Đức mang dê và rượu vào bái kiến quốc lão, thuật lại việc Lã Phạm sang làm mối Tôn phu nhân. Năm trăm quân sĩ, người áo thắm, kẻ quần điều, tấp nập ra phố mua bán đồ vật, nói toang lên rằng Huyền Đức vào làm rể Đông Ngô. Mọi người trong thành đều biết chuyện cả.
Mọi người bán tán xôn xao về chuyện đại hỷ này, Lưu Bị làm rể Đông Ngô. (Ảnh: Internet).
Mục đích kế này là khiến cho sự việc đang bị bưng bít được cả thiên hạ biết đến, bao gồm cả Quốc Thái (mẹ Tôn Quyền). Sau đó Quốc Thái nổi giận lôi đình mắng Chu Du và Tôn Quyền té tát vì dám qua mặt bà mà bày kế mỹ nhân để hại người. Quốc Thái hẹn Lưu Bị tới chùa Cam Ninh coi mặt rồi tỏ ra rất ưng ý vì tướng mạo phi phàm của rể hiền. Từ đó Lưu Bị được Quốc Thái bảo vệ cho đến ngày cưới xong xuôi.
Chu Du biết tin việc giả thành thật rồi, lại bày kế thứ 2 cho Tôn Quyền nói: "Theo ý tôi, chi bằng hãy giam lỏng hắn ở Đông Ngô. Sửa sang cửa nhà cho lộng lẫy, làm nhụt chí khí của hắn đi, đưa vào nhiều gái đẹp và những đồ quý báu khiến hắn mê mải cuộc vui, nhạt tình cũ với Quan, Trương, quên Gia Cát Lượng, mỗi người một nơi. Rồi ta sẽ đem quân sang đánh, thế nào việc lớn cũng thành công". Quyền nghe thấy đắc ý lắm, làm y như lời Chu Du. Quả thật Lưu Bị từ đó tới cuối năm chỉ suốt ngày ăn chơi hưởng lạc bên mỹ nhân và các thú vui của Giang Nam mà quên mất đường về.
Kế 2: Triệu Vân sực nhớ Khổng Minh trao cho ba cái túi gấm, có dặn thoạt tiên đến Nam Từ thì mở túi thứ nhất, cuối năm, mở túi thứ hai, đến khi nào nguy cấp không có đường chạy, thì mở nốt cái thứ ba. Trong túi có mẹo xuất quỷ nhập thần, bảo toàn được chúa công về tới nhà. Thế là Vân y lời kế thứ 2 của Khổng Minh vào khóc lóc sợ sệt nói với Lưu Bị là Tào Tháo khởi 50 vạn quân đánh Kinh Châu để trả thù trận Xích Bích. Nhờ Tôn phu nhân giúp đỡ, Lưu Bị đợi đến giữa hôm mồng một tết, cùng với phu nhân mượn cớ ra bờ sông tế tổ, rồi lẻn về dưới sự yểm trợ của Triệu Vân.
Triệu Vân luôn theo sát bảo vệ Lưu Bị từ ngày sang Đông Ngô đến giờ, chưa từng khinh suất, và đặc biệt rất biết nghe lời Gia Cát Lượng để đại sự sớm thành. (Ảnh: Internet).
Lúc này quân của Tôn Quyền đuổi riết đến nơi, sát bờ sông, Vân nói: "Chúa công chớ ngại. Quân sư có ba điều diệu kế ở trong túi gấm này. Hai lần mở trước đều đã trúng cả. Nay còn điều thứ ba, dặn lúc nào nguy cấp lắm mới mở. Chính lúc này nên mở ra xem sao".
Kế 3: Nói rồi, Vân mở nốt túi thứ ba dâng lên. Huyền Đức xem xong, đến ngay trước xe Tôn phu nhân khóc lóc nói rõ sự tình. Ông kể rằng việc mai mối kết hôn giữa mình và phu nhân là kế của Tôn Quyền và Chu Du muốn lấy Kinh Châu chứ không phải thực lòng. Lưu Bị vì tin là sẽ gặp được tri kỷ nên mới liều mạng sang đây rồi mới rơi vào tình cảnh bi đát như thế này.
Tôn phu nhân nghe xong hiểu chuyện, dẫn Tử Long về sau chặn hậu, và cản 4 tướng của Tôn Quyền lại, còn Lưu Bị ra tới bờ sông. Nhưng quân binh cầm theo kiếm của Tôn Quyền vẫn đuổi sát, muốn lấy mạng cả 2 người.
Sau khi nghe Lưu Bị bày tỏ nỗi lòng và sự thực cuộc mai mối này, Tôn phu nhân đã quyết ra mặt cứu chồng.
Bất ngờ từ hơn chục chiếc thuyền buôn gần đó có tiếng cười. Khổng Minh bước ra và rước Lưu Bị cùng Tôn phu nhân lên thuyền trở về. Quân Chu Du dùng thuyền chiến lớn đuổi theo, Khổng Minh lúc này cũng đã cập bờ, gấp rút tháo chạy qua hẻm núi, thì Chu Du xua quân xuống đuổi giết.
Đang đuổi miết, bỗng thấy hồi trống nổi lên, một toán quân ở trong sườn núi kéo ra, đại tướng đi đầu là Quan Vân Trường. Du luống cuống, vội quay ngựa chạy. Vân Trường xốc tới, Du tế ngựa chạy chí chết. Đang chạy, Hoàng Trung, Nguỵ Diên hai bên đổ ra đánh giết, quân Ngô thua to. Du lật đật xuống được đến thuyền, thì quân sĩ ở trên bờ đồng thanh hô lớn:
"Chu Du diệu kế yên thiên hạ,
Đã mất phu nhân, lại thiệt quân!"
Chu Du và Khổng Minh, cuộc đấu trí không cân sức.
Thế mới thấy, tài năng của Gia Cát Lượng đã hoàn toàn vượt xa đại đô đốc Đông Ngô là Chu Du, ngồi ở nhà mà tính chuyện ngàn dặm, khiến đại cục Thục Hán từ đó không ngừng hưng vượng, mà Đông Ngô thì mất cả chì (Lưu Bị) lẫn chài (Tôn phu nhân).
Khương Duy trá hàng muốn dựng lại Thục quốc
Sau khi Gia Cát Lượng mất, học trò của ông là Khương Duy tiếp quản quyền lãnh đạo quân đội, nối chí lớn của thầy, tiếp tục nhiều lần mang quân thảo phạt đất Ngụy. Tuy nhiên, những cuộc chinh phạt ấy không mang lại nhiều lợi thế về mặt quân sự. Ngược lại, nước Ngụy bấy giờ đầy rẫy nhân tài. Đặng Ngải và Chung Hội đều là những anh kiệt, tài ngang ngửa Khương Duy. Khương Duy tiến lui đều khó.
Tạo hình Chung Hội trên điện ảnh.
Trong khi đó, tình hình chính trị ở nước Thục vô cùng rối ren. Hậu chủ Lưu Thiện tin dùng hoạn quan Hoàng Hạo mà Hạo thường tìm cách hãm hại Khương Duy. Do đó Khương Duy không dám về Thành Đô mà chỉ đem binh đồn trú ở bên ngoài.
Lúc này, Tư Mã Chiêu, hiện đang cầm quyền bính ở nước Ngụy, sai Đặng Ngải, Gia Cát Tự và Chung Hội chia quân làm ba đường tấn công Thục quốc. Trong khi Chung Hội và Khương Duy đánh nhau ác liệt ở Hán Trung, Đặng Ngải thừa cơ vượt qua dãy núi hiểm trở Âm Bình, thọc vào phía sau nước Thục. Hậu chủ Lưu Thiện ra lệnh cho Khương Duy bãi chiến xin hàng. Khương Duy vốn biết rõ Chung Hội và Đặng Ngải mâu thuẫn lâu nay nên vờ ra hàng Chung Hội để chờ thời cơ.
Nội bộ lục đục, thù trong – giặc ngoài, dù là nhân tài kiệt xuất cũng khó mà có thể an bề được thiên hạ, huống hồ chỉ một mình Khương Duy.
Nước Thục bị chiếm đóng. Vào lúc đó, Tư Mã Chiêu lo sợ Đặng Ngải, Chung Hội làm phản nên có ý trừ khử sớm. Tư Mã Chiêu thoạt tiên truyền cho Chung Hội phải bắt Đặng Ngải. Đặng Ngải ít quân, không chống cự nổi, bị bắt sống rồi giải trói về chờ về xử tội bất chấp người thực sự có ý làm phản chính là Chung Hội.
Khương Duy ra hàng, hoàn toàn chiếm được lòng tin của Chung Hội. Hội thường đàm đạo suốt ngày không biết chán với Duy, đi cùng xe, ngủ cùng giường, ăn cùng mâm với nhau. Lúc ấy, Khương Duy lấy gương của Hàn Tín năm xưa để kích động Chung Hội làm phản, có ý nói rằng nếu không mau chóng đứng ra tự lập, tính kế lớn thì sớm muộn cũng bị Tư Mã Chiêu trừ bỏ. Chung Hội nghe theo liền. Khương Duy định mượn kế dùng tay Chung Hội để dấy binh, gây dựng lại cơ đồ nhà Thục.
Các tướng Ngụy dưới quyền Chung Hội không nghe theo, bèn bị Hội giam cả lại. Khương Duy lại kích Chung Hội giết hết các tướng Ngụy đó đi, định sau này tìm thời cơ trừ luôn Chung Hội để nắm lấy binh quyền, gây dựng lại Thục Hán. Tuy nhiên, việc chưa thành thì bị bại lộ. Các tướng sĩ nước Ngụy tập hợp hết binh mã lại, đánh bật trở lại Chung Hội. Chung Hội và Khương Duy đều chết trong đám loạn quân.
Kế trá hàng của Khương Duy thất bại. Khi mổ bụng Khương Duy, tất cả đều kinh hãi khi thấy quả mật của ông to lớn khác thường, một dấu hiệu biểu tượng cho thấy chí nằm gai nếm mệt, chịu khổ nhục kế của Khương Duy lớn lao thế nào.
Post a Comment