Theo kết quả công bố tại cuộc họp báo sáng ngày 24/6 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 đã tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau nửa năm, CPI đã tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước, cao gần gấp 5 lần CPI của tháng 6/2015 với cùng mốc so sánh.

  Xăng dầu tăng giá đẩy lạm phát cơ bản tăng - Ảnh 1

Họp báo công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng. Trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất (2,99%), lần lượt tới nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,55%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,21%), văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,18%)… Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

Việc giá xăng tăng 920 đồng/lít, dầu diezezen tăng 608 đồng/lít vào các ngày 20/5/2016 và ngày 4/6/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,27%;

Một nguyên nhân khác, do ảnh hưởng một phần bởi tâm lý người tiêu dùng lo ngại sau hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung dẫn đến việc tiêu dùng các loại thịt gia súc, gia cầm tăng. Nắng nóng khiến giá các loại rau tăng cũng là nguyên nhân dẫn đến chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,36%

Bên cạnh đó, nhu cầu dùng điện tăng do nắng nóng, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,03%. Nhu cầu xây dựng năm nay tăng cao cùng với xu hướng giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng khiến cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,14%.

Tháng 6 cũng là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng, chỉ số nhóm du lịch trọn gói tăng 0,48% so với tháng trước.

Cũng trong tháng 6, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Đến ngày 15/6, giá vàng trong nước tăng nhẹ, dao động ở mức 3,434 triệu đồng/chỉ. Tính bình quân tháng 6, giá vàng trong nước giảm 0,01%.

Tỷ giá VND/USD trong tháng này khá ổn định, xoay quanh ngưỡng 22.300 VND/USD do cung cầu trong nước không có biến động lớn. Cán cân thương mại trong các tháng đầu năm 2016 thặng dư lớn, nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào, cùng với chính sách hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giúp cho tỷ giá VND/USD tiếp tục được giữ ổn định.

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6/2016 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, lạm phát cơ bản so với cùng kỳ năm trước tăng 1,8%.

Trong tháng 6, lạm phát chung của tháng có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản của tháng, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu. Bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung và lạm phát cơ bản gần tiệm cận với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Dự báo CPI tháng 7, Vụ Thống kê giá cho biết sẽ tăng nhẹ so với tháng 6, do một số yếu tố như: giá thực phẩm tăng; giá xăng dầu tăng nhẹ do giá dầu diezel tăng; giá vật liệu xây dựng tăng; giá nước sinh hoạt tăng; kỳ thi cao đẳng, đại học diễn ra trên toàn quốc; đồng thời, tháng 7 là tháng du lịch nên tác động đến giá các mặt hàng dịch vụ tăng.

Dự báo về CPI cả năm 2016, các chuyên gia của Vụ Thống kê giá cho biết, Tổng cục Thống kê sẽ còn phải tính toán với các giả định có các yếu tố ảnh hưởng như: mức tăng của giá dầu thô thế giới; giá dịch vụ giáo dục và giá dịch vụ y tế được điều chỉnh ra sao?

Để đạt được mục tiêu, kiểm soát lạm phát năm nay ở mức dưới 5% như Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Đỗ Huệ

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top