Cơ quan Vũ trụ châu Âu vừa lùi thời gian dự kiến trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc rơi xuống Trái Đất do tác động từ Mặt Trời.

Trong thông báo đêm 31/3, Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA dự đoán trạm vũ trụ Thiên Cung 1 sẽ bay vào bầu khí quyển của Trái Đất vào khoảng 6h25 sáng ngày 2/4 theo giờ Việt Nam, tức chậm hơn khoảng 1 ngày so với dự báo trước đó.

Theo ESA, nguyên nhân khiến Thiên Cung 1 rơi chậm hơn so với dự báo là bởi các chùm năng lượng Mặt Trời chiếu đến Trái Đất hôm 26/3 đã không làm tăng mật độ phân tử của tầng thượng quyển như các nhà khoa học trông đợi. Mật độ phân tử cao của tầng thượng quyển có thể kéo trạm vũ trụ về với Trái Đất nhanh hơn.

Các mảnh vỡ của Thiên Cung 1 sẽ rơi trong phạm vi từ 43 vĩ độ Bắc tới 43 vĩ độ Nam.
Các mảnh vỡ của Thiên Cung 1 sẽ rơi trong phạm vi từ 43 vĩ độ Bắc tới 43 vĩ độ Nam. (Đồ họa: ESA).

ESA cho biết các mảnh vỡ của Thiên Cung 1 sẽ rơi trong phạm vi từ 43 vĩ độ Bắc tới 43 vĩ độ Nam. Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể xác định chính xác địa điểm nơi các mảnh vỡ rơi xuống.

Theo AFP, Cơ quan Kỹ thuật có người lái của Trung Quốc CMSEO tuyên bố người dân không cần lo lắng về trạm Thiên Cung 1. Nhiệt độ cao và ma sát sẽ đốt cháy hoặc thổi bay các cấu trúc chính của trạm. Phần lớn các bộ phận của Thiên Cung 1 sẽ biến mất khi ở độ cao 80km. CMSEO cho rằng các mảnh vụn nhỏ còn lại nhiều khả năng sẽ rơi xuống biển.

"Trạm sẽ không va chạm với Trái Đất như những gì hay xảy ra trong phim viễn tưởng. Nó sẽ vỡ thành các mảnh nhỏ và di chuyển trên bầu trời như mưa sao băng", CMSEO thông báo.

Tuy nhiên, người dân được khuyến cáo không nên chạm vào các mảnh vụn của trạm vũ trụ bởi chúng có thể chứa chất ăn mòn hydrazine, hóa chất rất độc hại đối với con người.

Thiên Cung 1 là trạm vũ trụ đầu tiên được Trung Quốc phóng lên quỹ đạo hôm 29/9/2011. Trạm vũ trụ nặng 8,5 tấn này đã tiếp đón 2 phi hành gia và kết nối thành công với 3 tàu vũ trụ của Trung Quốc.

Thiên Cung 1 gặp trục trặc và ngừng hoạt động từ tháng 3/2016, khiến kế hoạch đưa trạm vũ trụ trở về Trái Đất trong trạng thái có kiểm soát không thể tiến hành.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top