Phát hiện này giúp Hệ Mặt trời xa xôi này có số hành tinh ngang bằng với Hệ Mặt trời của chúng ta.
Các nhà nghiên cứu từ cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và đại gia công nghệ Google đã bắt tay nhau để dạy cho một cái máy tính biết cách xử lý một lượng lớn dữ liệu sinh ra từ Kính thiên văn Kepler.
Hệ mặt trời vừa được phát hiện so với Hệ Mặt trời của chúng ta.
NASA công bố việc áp dụng trí thông minh nhân tạo vào xử lý dữ liệu tạo ra từ kính thiên văn Kepler đã giúp khám phá ra một hành tinh mới trong Hệ Mặt trời Kepler-90, biến nó thành hệ thống các hành tinh lớn nhất từng được phát hiện ra.
Hành tinh mới được tìm thấy có tên là Kepler-90i, quay xung quanh ngôi sao tên Kepler-90 và cách trái đất khoảng 2.545 năm ánh sáng (một năm ánh sáng tương đương với 9,5 nghìn tỉ km). Hành tinh đá này có vị trí gần với mặt trời của nó hơn so với Trái Đất và có chu kỳ quay dài chỉ 14,4 ngày.
Andrew Vanderburg, nhà nghiên cứu thiên văn học thuộc Đại học Texas, người tham gia dự án cho biết: “Hệ thống sao Kepler-90 giống như một phiên bản mini của Hệ Mặt trời chúng ta. Nó có những hành tinh nhỏ bên trong và hành tinh lớn quay bên ngoài, nhưng chúng lại có khoảng cách rất gần nhau".
NASA ước tính nhiệt độ bề mặt của hành tinh là khoảng 426 độ C và cho biết nó gần như không có sự sống. Nhiều Hệ Mặt trời có ít hành tinh hơn đã được phát hiện trong các năm qua, nhưng Kepler-90 là Hệ Mặt trời đầu tiên có tám hành tinh như chúng ta.
Kepler-90i được phát hiện bằng cách đào tạo một chiếc máy tính để nó có thể quét một lượng lớn dữ liệu sao thu thập được bởi kính thiên văn Kepler của NASA, vốn đã giúp phát hiện hơn 150.000 ngôi sao kể từ lúc hoạt động vào năm 2009.
Các Hệ Mặt trời đã được khám phá phân loại theo số lượng hành tinh của nó.
Vanderburg và kỹ sư về AI của Google, Christopher Shallue đã dạy cho cỗ máy tính cách để xem xét khoảng 35.000 tính hiệu về các hành tinh mà Kepler thu thập và xác định được khi nào tính hiệu truyền dẫn bị mờ đi. Điều này xảy ra khi một hành tinh đi qua, hay còn gọi là “transits” (chuyển tiếp), trước mặt một ngôi sao mà Kepler theo dõi. Cỗ máy tính sau đó phát hiện thấy các tính hiệu yếu ớt đã bị bỏ qua và chỉ ra sự tồn tại của hành tinh thứ tám: Kepler-90i.
Shallue cho biết ông rất quan tâm đến việc áp dụng trí thông minh nhân tạo của Google vào thiên văn học: “Kính thiên văn Kepler đã thu thập được quá nhiều thông tin đến nỗi các nhà khoa học không thể tự kiểm tra chúng bằng tay được. Khả năng tự học của máy tính thực sự tỏa sáng khi có quá nhiều dữ liệu để con người tự mình xem xét”.
Mặc dù khả năng máy học vốn đã được sử dụng cho dữ liệu của Kepler từ lâu, nhưng đây được xem là lần đầu tiên công nghệ này giúp khám phá ra một thế giới mới. Ứng dụng này sau đó cũng giúp các nhà nghiên cứu xác định ra hành tinh thứ sáu trong Kepler-80, một Hệ Mặt trời khác.
Theo AP, Shallue cũng cho biết Google dự định công khai mã nguồn dự án để các nhà nghiên cứu tự do có thể vận hành chúng tại nhà cùng với những dữ liệu công khai của Kính thiên văn Kepler.
Post a Comment